Cuốn “Tìm về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức” của giáo sư Trần Đức Thảo do nhà xuất bản Xã hội xuất bản ở Pari năm 1973, dày 344 trang. Trong lời giới thiệu, nhà xuất bản có giới thiệu tác giả là người đã để lại dấu ấn trong “cả một thế hệ trí thức Pháp qua những bài giảng của ông ở Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm cũng như qua cuốn sách in năm 1951”.
Giáo sư Trần Đức Thảo quê ở Bắc Ninh, thi đỗ vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Pari ở phố Ulm, năm 1943 tốt nghiệp thủ khoa, rồi sau đó làm luận án tiến sĩ ở trường đại học Sorbonne. Năm 1945-1948, ông giảng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm và Trường Sevnes. Năm 1951, ông viết cuốn sách “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, trong cuốn “Từ điển triết học”, Bernard và Porothee Raussant đã viết rằng cuốn sách đó là “một tác phẩm gây sửng sốt” mà tính táo bạo trong cách nhìn và sự sáng tỏ trong cách diễn đạt đã nhanh chóng được coi là kinh điển, đóng vai trò quan trọng trong việc đào luyện nhiều nhà triết học trẻ.
Sau năm 1951, giáo sư trở về Việt Nam, làm giảng viên đại học ở chiến khu Việt Bắc, rồi làm ở Văn phòng Tổng bí thư, Chủ nhiệm khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tác phẩm "Tìm về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức" của giáo sư là để trả lời câu hỏi ý thức, ngôn ngữ bắt nguồn từ đâu, có từ bao giờ? Ông đã nghiên cứu các vấn đề: hành động chỉ dẫn như là hình thức gốc của ý thức; ngôn ngữ hỗn hợp; những nguồn gốc của khủng hoảng Oedipe (ham muốn tình dục). ông đi đến khẳng định nguồn gốc của ý thức do ngôn ngữ và lao động xã hội
Cũng như các tác phẩm khác của ông, tác phẩm "Tìm về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức" được các học giả đánh giá cao và tái bản nhiều lần, được Nhà nước Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Cuối những năm 80, ông còn cho xuất bản cuốn “Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người” đề cập nhiều vấn đề triết học hiện đại trên quan điểm mácxit.
Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 tại Từ Sơn, Bắc Ninh; mất ở Paris vào ngày 24/4/1993 khi đang viết dở dang cuốn sách “Logic của hiện tại sống động”; được nhận Huân chương Độc lập hạng Hai.
|
Lễ ra mắt học bổng GS Trần Đức Thảo tại trường ĐHKHXH&NV |
|
Các học gia tham gia buổi giới thiệu các tác phẩm của GS. Trần Đức Thảo do Nhà xuất bản ĐHQGHN phối hợp với Thư viện Quốc gia, Hà Nội năm 2006 |
|
Nguyên tác của GS. Trần Đức Thảo được lưu giữ tại Thư viện QG |
|
Một trang tạp chí Nghiên cứu Đông Dương được xuất bản trước CMT8 tại Hà Nội nói về GS. Trần Đức Thảo. |
|