HỢP TÁC TRONG NƯỚC
Trang chủ   >  HỢP TÁC TRONG NƯỚC  >   Tổng quan
Các hoạt động hợp tác trong nước của ĐHQGHN

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và nghiên cứu khoa học đỉnh cao, đã được nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trong nước tin cậy, hợp tác. Trong giai đoạn 2000-2010, ĐHQGHN đã đẩy mạnh liên kết, phối hợp nghiên cứu khoa học với các địa phương trong cả nước, góp phần giải quyết những nhiệm vụ của địa phương/bộ/ngành. Cung cấp luận cứ khoa học cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá, giáo dục, bảo vệ môi trường của các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động KHCN ĐHQGHN.
ĐHQGHN là nơi tiên phong và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW2 khóa VIII "bảo đảm kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu - triển khai với sản xuất - kinh doanh. ĐHQGHN đã xác định hợp tác trường – viện – doanh nghiệp vừa là phương thức vừa là mục tiêu nhằm tới sự phát triển của từng đối tác, sự phát triển chung của sự nghiệp khoa học - công nghệ và giáo dục đại học Việt Nam. ĐHQGHN đã ký văn bản hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam... ĐHQGHN đã áp dụng và vận hành có hiệu quả mô hình “Khoa phối thuộc" và "Phòng thí nghiệm phối thuộc" với các viện nghiên cứu chuyên ngành như Viện Công nghệ Thông tin, Viện Vật lý – Điện tử và Viện Khoa học Vật liệu, Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Cơ học,… thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Khoa học Công nghệ Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (Viện IMI) thuộc Bộ Công thương để tổ chức đào tạo một số ngành/chuyên ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn. Hợp tác trường - viện – doanh nghiệp có tính chiến lược, tránh được sự đầu tư trùng lặp, luôn duy trì được sự cần thiết và nhu cầu hợp tác lâu dài, bền vững và có sự hỗ trợ cho nhau.  
Ngoài công tác đào tạo, hợp tác trường - viện đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học của ĐHQGHN và các viện phối hợp tổ chức đăng ký thành công và đang triển khai 5 đề tài KH-CN cấp Nhà nước, 3 đề tài hợp tác trường – viện, trong đó kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện bay có điều khiển” phối hợp với Trung tâm Khoa học Công nghệ Quân sự - Bộ Quốc phòng đã được tặng thưởng giải ba Nhân tài đất Việt 2008.
ĐHQGHN cũng đã chủ động đề xuất và ký kết các văn bản hợp tác, với các cơ quan khoa học, các tập đoàn kinh tế lớn có uy tín trong nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viên khoa học quân sự (Trung tâm Khoa học Công nghệ quân sự ), Bộ Quốc phòng, Tập doàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tâp đoàn Viettel, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. . .
ĐHQGHN đã ký hợp tác toàn diện với tỉnh Quảng Ninh, trong đó lấy hợp tác NCKH làm trọng tâm. Năm 2011, ĐHQGHN ký hợp tác toàn diện với tỉnh Hà Giang cũng lấy NCKH làm trọng tâm và đồng tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư ”Vì Hà Giang phát triển”.
Đối với các địa phương (Tỉnh, Huyện) trong toàn quốc, các đơn vị trong ĐHQGHN trực tiếp tham gia hợp tác nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Các kết quả nghiên cứu được đánh giá cao và được sử dụng toàn bộ hoặc từng phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... 
Đối với Hà Nội, các đơn vị đã thực hiện thành công một số dự án/ đề tài, như đề tài “Địa chí Cổ Loa” do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tổ chức thực hiện. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã phối hợp với các cơ quan khoa học ở Trung ương và Hà Nội thực hiện nhiều nghiên cứu về kinh tế, xã hội, văn hoá, ngoại giao, lịch sử của thủ đô (thuộc Chương trình KHCN trọng điểm KX.09), đặc biệt đã góp phần nghiên cứu và bảo tồn, phát huy khu di tích Hoàng Thành nổi tiếng. Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã làm đầu mối tổ chức thực hiện thành công (theo đề nghị của UBND Tp. Hà Nội) việc lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.
Năm 2008, ĐHQGHN đã ký kết hợp tác tập đoàn kinh tế lớn là Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tiếp tục phát huy, phát triển các hợp tác đã ký với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học Công nghệ quân sự , nay là Viện Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng vv.... để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội.
Đặc biệt, tháng 2 năm 2009 ĐHQGHN đã ký kết văn bản hợp tác toàn diện với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học về các lĩnh vực liên quan đến khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ sự nghiệp CHNH, HĐH đất nước, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu những tác động tiêu cực, xây dựng mô thức thích ứng tối ưu với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu vv...
Tháng 6 năm 2009 ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Đại học - Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động KHCN theo định hướng thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Các văn bản hợp tác giữa ĐHQGHN, Viện KHCN quân sự, Bộ Quốc phòng, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vv... đã được ký kết.
Đặc biệt, trong quan hệ hợp tác với ĐHQG TP. HCM, ĐHQGHN đã ký kết văn bản hợp tác giữa 2 ĐHQG về khoa học và công nghệ. Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị được giao, 2 ĐHQG đã xác định các lĩnh vực hợp tác trong KH&CN, bao gồm:
- Cùng khai thác sử dụng nguồn lực KHCN: đội ngũ cán bộ khoa học, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị,...
- Hợp tác xây dựng và triển khai các đề tài NCKH mà hai bên cùng quan tâm.
- Hợp tác NCKH trong đào tạo sau đại học gắn với NCKH.
- Cùng tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế.
- Hợp tác trong quản lý các hoạt động KHCN: trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các thông tin về KH&CN...
Trên cơ sở các định hướng đã xác định, các đơn vị của hai ĐHQG đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác về lĩnh vực KHXHNV và công nghệ điện tử.
- Trong lĩnh vực khoa học XHNV - hai bên cùng nhau thực hiện các đề tài (6 đề tài) thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ’’ ;Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức và quản lý Nhà nước đặc thù của các đô thị trực thuộc trung ương ở nước ta, mã số KX02-03/06-10do Viện Việt Nam học và KHPT(ĐHQGHN) chủ trì.
- Hợp tác về KH&CN Nano được triển khai chủ yếu giữa Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) và. PTN Công nghệ Nano (LNT) thuộc ĐHQG-HCM đồng tổ chức hội thảo quốc tế về Công nghệ Nano và các ứng dụng (International Workshop on Nanotechnology and Applications) , giữa Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ĐHQG-HCM) hợp tác thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và thực thi thử nghiệm bộ mã hóa tín hiệu video, ứng dụng trong các thiết bị đa phương tiện thế hệ mới”,
Bên cạnh đó còn có hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu do các trường, các khoa, các viện, các trung tâm thực hiện theo nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghê, khoa học xã hội và nhân văn... trực tiếp góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa do thực tiễn phát triển của đất nước đặt ra.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: