TIN TỨC & SỰ KIỆN
Phiên bản Tiếng Việt 23:56:09 Ngày 17/06/2020 GMT+7
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020: Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển
Ngày 17/6/2020, tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020.

 

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo ở các cơ quan Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và các trường đại học về kinh tế.

 

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2020

 

Bước sang năm thứ 12, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 tập trung vào chủ đề Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển. Sự chuyển hướng thương mại, dòng vốn đầu tư và đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, khiến viễn cảnh thế giới trở nên bất trắc hơn bao giờ hết, đồng thời đặt khu vực Đông Nam Á trước những bài toán lớn. Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài. Trên cơ sở đó, hệ thống thuế của Việt Nam có thể bị bào mòn nhanh chóng dưới áp lực cạnh tranh quốc tế.

 

Bên cạnh việc nhận định, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 đi sâu vào phân tích và đánh giá hệ thống thuế tại Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới, từ đó chỉ ra các cơ hội, thách thức của hệ thống tài khóa trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới.

 

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nhiều năm qua đã công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam - một sản phẩm khoa học uy tín, có đóng góp lớn cho việc họạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Phó Giám đốc tin tưởng rằng, Báo cáo năm nay sẽ tiếp tục là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hình thành chính sách để nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

 

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN Nguyễn Trúc Lê

 

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê gửi lời cảm ơn đến nhóm tác giả, Viện FNF đã nỗ lực làm việc để có được Báo cáo thường niên ngày hôm nay. Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế khẳng định: Với chiến lược trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng hàng đầu cả nước, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học tiêu biểu của Trường. Với Báo cáo năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ có một thảo luận cởi mở về điểm mạnh điểm yếu của thuế quan Việt Nam và đề xuất các chính sách cụ thể cho Nhà nước.

 

 

TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng VEPR trình bày tại hội thảo

 

Về tổng quan kinh tế Việt Nam 2019 tại báo cáo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng VEPR, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn chứng kiến các dấu hiệu tích cực trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

 

Kinh tế và thương mại thế giới đã bộc lộ những dấu hiệu chững lại trong năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn cầu từ đầu năm 2020. Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua nhiều khó khăn với những rủi ro từ địa chính trị, sự khó đoán định liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác, đặc biệt căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng sau các ảnh hưởng của đại dịch. Dự báo thương mại, đầu tư và tăng trưởng toàn cầu tiếp tục thu hẹp đáng kể trong năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo những hướng hoàn toàn mới. Giãn cách xã hội và làm việc từ xa có thể thay đổi thói quen làm việc của nhân loại và mang đến các động lực mới cho tăng trưởng dưới những hình thức mới.

 

Nhìn chung, nền kinh tế chứng kiến không ít những thành tựu, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra cho năm. Tuy nhiên, những thành công này đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu kinh tế còn thiếu vững chắc với khu vực doanh nghiệp tư nhân ở dưới mức tiềm năng và phải chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Chính sách tài khóa không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách không nhiều chuyển biến và khối tài sản nhà nước ngày càng thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thiếu đệm tài khóa" để đối phó với các cú sốc bên ngoài.

 

 

 PGS.TS Nguyễn Anh Thu điều hành phiên thảo luận

 

 

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực

 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến phản biện, nhiều ý kiến khác nhau đã được nhóm tác giả tiếp thu và trả lời một cách thẳng thắn… Nhóm chuyên gia phản biện có sự góp mặt của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế Bộ Tài chính; PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính.

 

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng khả năng dự phòng tài khoá của nước ta không cao, bằng chứng do ảnh hưởng của dịch Covid mà Chính phủ đề nghị chưa tăng lương công chức, viên chức từ ngày 1/7/2020. Ngược lại, số người phải trả thuế tài sản không cao, thậm chí có tính chưa đến 1% nhưng khi đề cập đến vấn đề thu thuế thì đại bộ phận người dân phải đối.

 

TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng nên minh bạch hơn về thuế ở nước ta, người dân cần được biết nhiều thông tin hơn về thuế từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu có thể nên có một báo cáo về tài khoá bền vững, chi tiết vào nhiều vấn đề hiện nay còn chưa rõ, nhiều cách hiểu. 

 

 

Tại Hội thảo, ông Wojciech Gerwel - Đại sứ Ba Lan đã chia sẻ kinh nghiệm về chống trốn thuế ở Ba Lan, theo đó 3 năm gần đây, Chính phủ Ba Lan đã thu thêm được 50% thuế, 40% VAT, từ nguồn thu này, Ba Lan đầu tư vào một chương trình phúc lợi xã hội quy mô toàn quốc, vì vậy cho thấy được ý nghĩa sâu sắc của việc thu thuế minh bạch, đầy đủ đó chính là một việc làm cần thiết với các quốc gia.

 

Đây là Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam lần thứ 12 của Viện VEPR, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Báo cáo được các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế đặc biệt quan tâm bởi hàm lượng khoa học độ xác tín cao. Trong tương lai, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục đầu tư để có những sản phẩm khoa học ứng dụng chất lượng cao, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội.

 

 

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đổng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các vấn đề liên quan. Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.

 

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 bao gồm 07 chương và Phụ lục:

Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới 2019

Chương 2: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2019 và triển vọng 2020

Chương 3: Đặc điểm thu ngân sách của việt nam trong quá trình hội nhập quốc tế

Chương 4: Sức ép cạnh tranh thuế trong khối asean: trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp

Chương 5: Ưu đãi chi qua thuế ở việt nam trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp

Chương 6: Trốn và tránh thuế ở việt nam trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp

Chương 7: Triển vọng kinh tế việt nam 2020 và hàm ý chính sách

 

Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam.

 

 

>>> Các tin tức liên quan trên báo chí:

Báo Dân trí: Việt Nam cần tránh nguy cơ bị Trung, Hàn làm “sân sau” xuất hàng qua Mỹ

Báo Tiền phong: Doanh nghiệp FDI có nguy cơ trốn tránh thuế cao nhất

Báo Hải quan: Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020

Vietnam Finance: VEPR: Việt Nam nên thận trọng, tránh trở thành sân sau của Trung, Hàn để xuất khẩu sang Mỹ

 

>>> Các tin tức liên quan trên website ĐHQGHN:

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018: Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước phát triển

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016: Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015: Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập

Thúc đẩy cải cách để gỡ bỏ các ràng buộc tăng trưởng

 Nguyễn Công - VNU UEB
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ