Cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng CSVN có chủ trương nhất quán về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế cho nền kinh tế này. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN gồm hệ thống các bộ quy tắc kinh tế thị trường, được các chủ thể kinh tế thị trường khác nhau (gồm nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân…) vận hành với các cơ chế, cách thức được xác định rõ theo hướng vừa đảm bảo phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, vừa đảm bảo công bằng xã hội và phát huy vai trò tích cực trong hỗ trợ phát triển của Nhà nước pháp quyền XHCN. 1. Về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một vấn đề lý luận và thực tiễn khá mới mẻ và phức tạp, đã trải qua một quá trình nhận thức, phát triển cả về lý luận lẫn thực hiện trong thực tiễn từ thấp đến cao, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn, sâu sắc và hoàn thiện hơn. Cho đến nay, từ các văn kiện, nghị quyết Đảng đến chính sách của Nhà nước, các ngành các cấp và toàn thể xã hội hầu như đều thống nhất quan điểm: thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam được cấu thành bởi hệ thống các bộ phận khác nhau mà mỗi bộ phận cũng là một hệ thống phức tạp gồm nhiều yếu tố. Các bộ phận cơ bản của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam gồm: (1) Các luật lệ, quy tắc điều hành nền kinh tế; (2) Các chủ thể tham gia vào hoạt động trong nền kinh tế; (3) Cơ chế thực thi các luật, quy tắc và điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể; (4) Hệ thống thị trường (Đinh Văn Ân, 2006; Lê Xuân Bá, 2011; Lương Xuân Quỳ, 2009; Vũ Văn Phúc, 2013; Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh, 2014). Các luật, quy tắc điều chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta bao gồm khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành và các quy tắc, chuẩn mực xã hội khác như những quy định của các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Trong hệ thống quy tắc và chuẩn mực đó thì thể chế do nhà nước ban hành đóng vai trò quyết định đến các hành vi kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường, trong khi những quy tắc, chuẩn mực xã hội khác cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các chủ thể kinh tế. Các chủ thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân. Gần đây một số tài liệu xếp các tổ chức nghề nghiệp và hiệp hội vào nhóm các tổ chức xã hội dân sự. Cả ba nhóm chủ thể này đều có vai trò quan trọng trong quá trình vận hành, tồn tại và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó doanh nghiệp là trung tâm, nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, đề ra luật và các quy định, chuẩn mực buộc các chủ thể khác phải thực hiện đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các tổ chức xã hội dân sự và người dân có vai trò giám sát và phản biện cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cơ chế thực thi các quy tắc, chuẩn mực và điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN bao gồm các cơ chế vận hành của kinh tế thị trường và cơ chế quản lý của nhà nước như: cơ chế cạnh tranh thị trường, cơ chế phân cấp, cơ chế phối hợp và tham gia, cơ chế theo dõi và đánh giá, giải trình... Hệ thống thị trường bao gồm thị trường hàng hoá dịch vụ cuối cùng, thị trường yếu tố sản xuất (như thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ, bất động sản…). Các loại thị trường là nơi diễn ra tương tác giữa các chủ thể kinh tế. 2. Về quan hệ giữa nhà nước và thị trường Hầu hết các nghiên cứu về thể chế kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đều đề cập đến quan hệ giữa nhà nước với thị trường và cách thức giải quyết quan hệ nhà nước - thị trường. Nhìn nhận dưới góc độ thể chế kinh tế, nhà nước là một chủ thể trong số rất nhiều chủ thể tham gia thị trường. Đương nhiên, đây là một chủ thể quan trọng và đặc biệt vì chủ thể này có quyền đề ra “luật chơi” và giám sát việc thực hiện “luật chơi” đó của các chủ thể khác trong nền kinh tế. Trong thể chế kinh tế thị trường ở những nước phát triển, các nguyên tắc, quy tắc thị trường được thừa nhận và được luật hoá, được các chủ thể tham gia thị trường, kể cả nhà nước tuân thủ nghiêm minh (Đinh Văn Ân, chủ biên, 2006; Lê Xuân Bá, 2011). Một số nghiên cứu ở Việt Nam cũng làm rõ vai trò của nhà nước trong quá trình hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, coi thể chế kinh tế với tư cách vừa là một sản phẩm, vừa là công cụ sắc bén để Nhà nước thực hiện hiệu quả vai trò của mình trong quá trình chuyển nền kinh tế đất nước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế (Lương Xuân Quỳ, 2009). Nhiều nghiên cứu đồng thuận ở quan điểm cho rằng, nhà nước có hai nhóm chức năng chính là sửa chữa thất bại của thị trường và cải thiện công bằng. Nhà nước “không được giao” chức năng, hay nói cách khác là không nên tham gia vào hoạt động kinh tế, kinh doanh thuần tuý nếu không có những thất bại của thị trường, vì đây là việc của thị trường. Tuy nhiên, quy mô của nhà nước như thế nào lại là vấn đề còn nhiều luận giải và chưa thống nhất. Để sửa chữa thất bại của thị trường, có ý kiến cho rằng cần có một chính phủ lớn, trong khi ý kiến khác lại cho rằng chỉ cần một chính phủ ở quy mô vừa phải (Huỳnh Thế Du, 2013). Trên thực tế, ở bất kỳ quốc gia nào, nhà nước cũng đều tham gia vào hoạt động kinh tế, nước nào cũng có doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước luôn sử dụng một tỷ lệ nguồn lực xã hội lớn vào các khoản chi tiêu cho sửa chữa thất bại thị trường và đảm bảo công bằng xã hội. Về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong các mô hình thể chế kinh tế thị trường khác nhau, sự khác nhau không chỉ ở quy mô của nhà nước, mà quan trọng hơn là mục tiêu, công cụ và cách thức can thiệp của nhà nước, cách thức thực hiện vai trò của nhà nước. Tuy vậy, dù nhà nước can thiệp như thế nào thì cũng phải phù hợp với yêu cầu và quy luật của thị trường. Về các nội dung và nguyên tắc cơ bản cần thực hiện để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, các nghiên cứu cũng đi đến một nhận thức chung là cần hoàn thiện thể chế trên tất cả các yếu tố cấu thành, trong đó tôn trọng và vận dụng đầy đủ các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đảm bảo định hướng XHCN. Cần bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, giữa các yếu tố thị trường và các loại thị trường, giữa thể chế kinh tế với thể chế chính trị, xã hội; gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá và bảo vệ môi trường. Cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình hoàn thiện thể cế kinh tế thị trường định hướng XHCN. 3. Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và phát triển thêm Thông qua các văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách của nhà nước và nhận thức chung được thể hiện trong các nghiên cứu về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, đặc trưng, bản chất, cơ chế vận hành, các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đã được thống nhất cơ bản. Tuy nhiên, nhìn nhận sâu hơn có thể thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ: Một là, về tổng thể, lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa được định hình một cách có hệ thống, các đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa được xác định thật rõ và có được sự nhất trí cao, đặc biệt là tính định hướng XHCN của mô hình thể chế này mặc dù đã có một số nhận thức chung cơ bản. Cần tiếp tục cụ thể hoá những nội dung phản ánh định hướng XHCN trong phát triển kinh tế đất nước nói chung, và trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nói riêng để đưa công tác lý luận theo kịp và ngang tầm với sự phát triển của thực tiễn. Hai là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc; thu hút mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Song trước đó, nên tập trung hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hiện đại hoá đất nước gắn với từng bước phát triển kinh tế số, dựa chủ yếu trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cần được xem là thể chế giữ vai trò quyết định trong thể chế phát triển. Ba là, cần làm rõ hơn những công cụ để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa đối với thể chế kinh tế thị trường. Cho đến nay nhận thức về công cụ định hướng XHCN được hiểu là chính sách, pháp luật để tái phân phối kết quả tăng trưởng, sử dụng nguồn lực nhà nước để thực hiện các mục tiêu xã hội… Bên cạnh đó là quan niệm cho rằng doanh nghiệp nhà nước là công cụ vật chất để định hướng XHCN với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vậy có thể dùng những công cụ gì đảm bảo định hướng XHCN đối với kinh tế thị trường? Doanh nghiệp nhà nước có phải là/nên là công cụ đảm bảo định hướng XHCN không? Bốn là, trong các chủ trương, chính sách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng luôn quán triệt quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo. Vậy cần hiểu như thế nào là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước? phải chăng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước chính là khả năng duy trì định hướng phát triển đã lựa chọn? Kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo bằng cách nào, thông qua công cụ gì là phù hợp để không chèn lấn và làm giảm không gian kinh tế của khu vực tư nhân? Cần thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế liên quan chặt chẽ với nhau, hợp thành nền kinh tế quốc dân thống nhất, song kinh tế nhà nước nên giữ vai trò dẫn dắt, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố, phát triển, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Năm là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Đồng thời cần tiếp tục khuyến khích và tạo môi trường thể chế thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển thành một động lực chính trong nền kinh tế. Tóm lại, từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường thế giới và thực tiễn hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam, có thể thấy rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng một thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tương thích với nó là một quá trình hoàn thiện, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn. Những thiết kế cụ thể để tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện quá độ đi lên CNXH của Việt Nam là những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu. |