Chính vì thế, trong thời gian tới Kênh sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ là giáo viên và cán bộ quản lí từ giáo dục mầm non lên giáo dục phổ thông. Như vậy, để thuận lợi cho việc truyền thông, quảng bá Kênh đến được với đông đảo đối tượng giáo viên trong cả nước, từ nay Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục tiểu học sẽ được đổi tên thành Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông. Kênh hoạt động trên tinh thần phi lợi nhuận, thể hiện trách nhiệm xã hội của Đại học Quốc Gia Hà Nội trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực đổi mới giáo dục để hội nhập và phát triển. ĐHQGHN ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học vào ngày 15/09/2021 Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về quá trình xây dựng và vận hành Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông và định hướng phát triển Kênh trong giai đoạn tới. - Thưa GS, Ngày 15 tháng 9 năm 2021 Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục tiểu học. Tới nay, có thể nói Kênh đã gây được tiếng vang lớn đối với cộng đồng giáo viên tiểu học trong cả nước. Vậy lí do nào mà ở thời điểm này Kênh được quyết định đổi tên thành Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông? GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Năm học 2021 là năm có nhiều biến động đặc biệt với sự bùng phát làn sóng dịch Covid lần thứ 4. Ở thời điểm đó, câu chuyện dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học vẫn còn nhiều tranh luận. Phụ huynh và xã hội còn nhiều băn khoăn, lo lắng và cả hoài nghi vào phương thức dạy học này. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học lớn của cả nước, với xứ mệnh dẫn dắt xu thế giáo dục nước nhà luôn tìm kiếm những đường hướng, phương thức đổi mới giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Từ đó, Đại học Quốc Gia Hà Nội xây dựng Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục tiểu học nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn của nhà trường và giáo viên tiểu học trong bối cảnh giáo dục thích ứng với đại dịch Covid 19. Đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Đến thời điểm này, Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục tiểu học đã bước đầu gặt hái được những thành công và những hiệu ứng của kênh mạng lại có sức lan tỏa không chỉ đối với giáo viên và cán bộ quản lí cấp tiểu học mà cả đối với các cấp học khác. Chính vì thế, trong thời gian tới Kênh sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ là giáo viên và cán bộ quản lí từ giáo dục mầm non lên giáo dục phổ thông. Như vậy, để thuận lợi cho việc truyền thông, quảng bá Kênh đến được với đông đảo đối tượng giáo viên trong cả nước, từ nay Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục tiểu học sẽ được đổi tên thành Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông. Kênh hoạt động trên tinh thần phi lợi nhuận, thể hiện trách nhiệm xã hội của Đại học Quốc Gia Hà Nội trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực đổi mới giáo dục để hội nhập và phát triển. GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN - Xin Giáo sư cho biết đối tượng thụ hưởng của Kênh là những ai? GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Đối tượng Kênh tập trung hỗ trợ là cán bộ quản lí và giáo viên từ bậc Giáo dục mầm non tới Giáo dục phổ thông. Nội dung hỗ trợ tập trung chủ yếu vào phương thức thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục nhằm phát triển toàn diện học sinh. Ngoài ra, trên Kênh còn có những nội dung hướng trực tiếp vào đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển của học sinh. Những nội dung này được xây dựng thành các video giáo dục về nhiều lĩnh vực khoa học, ngôn ngữ, toán học, nghệ thuật, thể chất, kĩ năng xã hội... Bên cạnh đó, trên Kênh còn có những chuyên mục, bài viết dành cho cha mẹ học sinh, nhằm giúp họ có thêm các thông tin và kiến thức bổ ích liên quan tới việc giáo dục con trẻ trong bối cảnh bùng nổ thông tin và tri thức ngày nay. - Giáo sư có thể chia sẻ về những hoạt động của Kênh thời gian vừa qua. GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Thời gian vừa qua, Kênh đã xây dựng được một kho tư liệu khá phong phú để hỗ trợ cho giáo viên và nhà trường phổ thông trong việc thiết kế và tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Bao gồm hệ thống Tài liệu dạy học trực tuyến các môn học ở tiểu học, Cẩm nang giáo dục trực tuyến ở tiểu học, Cẩm nang sử dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến, Đánh giá trong dạy học trực tuyến, Cẩm nang hỗ trợ cha mẹ đồng hành cùng con… Kênh cũng đã xây dựng và phát triển được hàng trăm video giáo dục để giáo viên và cha mẹ có thể khai thác phục vụ việc giáo dục con trẻ. Đặc biệt, qua Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông, chúng tôi đã tổ chức được hàng chục buổi livestream hỗ trợ trực tuyến giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Các buổi livestream này có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về giáo dục đến từ Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và từ nhiều trường đại học lớn trong cả nước và quốc tế. Mỗi buổi livestream thu hút được sự tham gia của hàng chục nghìn giáo viên trong cả nước. Có thể nói, những hoạt động được tổ chức trên Kênh trong thời gian vừa qua đã tạo được tiếng vang lớn và hiệu ứng giáo dục rất tích cực, góp phần không nhỏ trong công cuộc đổi mới giáo dục, hỗ trợ nhà trường phổ thông thực hiện giáo dục trong bối cảnh bùng phát đại dịch Covid 19 và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam. - Thưa GS, trong quá trình xây dựng và vận hành Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông đã gặp phải những khó khăn nào? GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Trong giai đoạn ban đầu xây dựng Kênh, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Thứ nhất, là vấn đề nền tảng công nghệ để xây dựng Kênh và để tổ chức các buổi livestream với sự tham gia của hàng vạn giáo viên tiểu học trong cả nước. Thứ hai, là việc huy động đội ngũ chuyên gia để tham gia xây dựng nội dung Kênh. Thứ ba là vấn đề truyền thông để nhiều giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tiếp cận được với Kênh, khai thác được nguồn tư liệu mà chúng tôi đã dạy công xây dựng trên Kênh. Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên chỉ là những khó khăn ban đầu. Chúng tôi đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia và những khó khăn đó nhanh chóng được tháo gỡ. Chẳng hạn về vấn đề công nghệ, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất đắc lực từ tập đoàn Công nghệ bưu chính, viễn thông VNPT. Trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã nhanh chóng xây dựng hỗ trợ Đại học Quốc gia một nền tảng công nghệ đủ tốt để phục vụ cho hoạt động của Kênh. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hàng đầu về giáo dục không chỉ trong Đại học Quốc gia mà bao gồm cả các tác giả của Chương trình GDPT, Sách giáo khoa mới đến từ các viện nghiên cứu về khoa học giáo dục, đến từ các trường đại học uy tín trong cả nước. Về vấn đề truyền thông để Kênh đến được với nhà trường và giáo viên mầm non, phổ thông nhất là những vùng khó khăn, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng từ các Sở Giáo dục và Đào tạo. Đã có nhiều khóa học chúng tôi chúng tôi xây dựng trên Kênh chính là đơn đặt hàng của giáo viên ở các địa phương trong cả nước. - Giáo sư có thể chia sẻ về kì vọng của mình đối với Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay? GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Chúng ta đã biết, Việt Nam đang trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Vì thế, giai đoạn hiện nay chúng ta có rất nhiều việc phải làm để đồng hành cùng với ngành giáo dục, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới giáo dục. Khi Kênh ra mắt ở giai đoạn đầu, chúng tôi kì vọng góp phần tháo gỡ khó khăn của nhà trường và giáo viên trong bối cảnh dạy học trực tuyến để thích ứng với sự bùng phát của đại dịch Covid 19. Còn giai đoạn hiện nay, việc mở rộng Kênh để hỗ trợ trực tuyến cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, chúng tôi mong muốn đem đến những hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo từ mầm non tới phổ thông, để trước măt họ thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới giáo dục giai đoạn hiện nay. Xa hơn nữa, Kênh dần trở thành người bạn đồng hành với đội ngũ nhà giáo, để hỗ trợ họ trong suốt chặng đượng nghề nghiệp của mình. Trân trọng cảm ơn GS.TS Nguyễn Quý Thanh đã có những chia sẻ về Kênh trực tuyến Hỗ trợ giáo dục mầm non và phổ thông cùng những định hướng phát triển Kênh trong thời gian tới. |