TIN TỨC & SỰ KIỆN
Phiên bản Tiếng Việt 11:01:50 Ngày 19/04/2022 GMT+7
Sadhu Sadhu – Lành thay tri thức di sản
Tết của người Khmer năm 2022, tôi lên đường đến ngôi chùa màu xanh lá cây - một ngôi chùa giản dị ở Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh - thăm người bạn học là sư cả Hạnh. Tôi đã không chuẩn bị tinh thần cho những rực rỡ nguyên sơ trên hành trình di sản, mọi sự tiếp nạp đã đến một cách tự nhiên, và có những khi làm mình giác ngộ.

 

Ngày đầu tiên, khi bước chân trên con đường giữa rừng chò dẫn vào lò thiêu (một hình thức của hoá thân hoàn vũ được bao cấp) nằm ngay trong đất chùa, một lúc nào đó sư cả Hạnh nói về hạnh phúc, rằng trong đời chẳng phải mọi người đều làm mọi việc để mong được hạnh phúc đó sao. Nhưng làm sao để có được hạnh phúc? Có trí huệ thì mình sẽ đến gần với hạnh phúc. Điều này thì sư Hạnh đã nói không chỉ một lần. Có thể đó là lí do vì sao 11 tuổi cả Hạnh mới được đi học lớp 1, nhưng từ đó đến giờ, khi gần 40, là sư cả của một ngôi chùa đông sư tăng nhất Duyên Hải, sư Hạnh chưa từng ngừng học tập. Và thành ra chúng tôi được gặp nhau ở khoá thạc sĩ Di sản học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Ngày gần cuối, khi đến ngôi chùa cực kỳ lộng lẫy tại Trà Vinh, gặp một sư khác cũng trạc tuổi cả Hạnh, sư dẫn chúng tôi đi xem một tủ đầy kinh lá buông được bảo quản rất dân dã, để mô tả cụ thể cho khái niệm chúng tôi vẫn thường nghe nhưng hay lướt qua: Phật - Pháp - Tăng. Nghe sư nói, tôi đếm được rất nhiều lần chữ tri thức vang lên. Rồi khi đứng trước ngưỡng cửa vào chính điện, sư thầy kể chuyện bằng thứ tiếng Việt nhát gừng ít sử dụng. Một lúc nào đó, sư nói về niềm hạnh phúc khi được học và sự trân trọng dành cho những người tu hành không ngừng học lên cao. Và trong bối cảnh phần đông những người tu hành nơi đây là bước vào sự học từ trên lưng bò.

Khi được học về nhận diện di sản, điều mà tôi nhận diện được nhanh nhất chưa phải là di sản vì từ bài học đến thực tế là một khoảng cách đo bằng thời gian và lao động. Cái tôi nhận ra nhanh nhất chính là sự thiếu hụt của bản thân về tri thức di sản. Từ đó tôi nhận ra sự thiếu hụt của cộng đồng lớn hơn. Sự thiếu hụt này có thể ở dạng thức chưa biết, biết ít quá hoặc tưởng đã biết mà hoá ra biết chưa đúng.

Tri thức di sản như tôi đang muốn đề cập đến là những tri thức giúp ta có thể nhận diện được rõ nét hoặc cảm nhận được thậm chí rất ban sơ về di sản. Tri thức di sản cũng là dạng tri thức mà từ nó ta có thể vận dụng hiểu biết của nhiều ngành khoa học khác nhau, áp dụng kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau với cùng mục đích là cảm thụ, nhận diện, bảo tồn và phát huy di sản. 

Trong một thời gian ngắn, khi tập trung vào chủ đề di sản, tôi đã nhận ra sự thiếu hụt tri thức di sản có thể dẫn đến những hiện trạng dễ thấy như: nứt vỡ ban đầu tưởng rất nhỏ, nhưng ở những trường hợp khác thì thậm chí là đổ vỡ lớn không sao khắc phục nổi. Chúng ta càng sống trên, sống trong, sống cùng với khối lượng di sản khổng lồ, thì khả năng chúng ta phải chứng kiến di sản bị xâm hại, chúng ta vô tình - hữu ý tham gia vào sự vận hành xâm hại... lại càng cao.

Giờ ví dụ về những di sản kiến trúc đi, chúng ta có thể nhận thấy tần suất các "vụ án" di sản là cực kỳ dày đặc.

Hôm nay là một công trình kiến trúc bị đập xong mới có lệnh dừng để nghiên cứu, khúc mắc chính ở chỗ nhận diện nó là gì? Liệu có phải một di sản cần được ghi danh? Muộn mất rồi! Chúng ta làm gì tiếp nhỉ? Ngày hôm qua có thể là những di tích có tuổi đời hàng thế kỷ, với lớp trầm tích văn hoá đã được ghi danh, chỉ sau một cơn trùng tu sửa chữa đã mới coóng hiện ra như công trình lên vài tháng tuổi. Ngày hôm kia có thể là những ngôi chùa sau khi đại gia đổ tiền vào tu bổ thì bỗng xuất hiện 4 bề bảng biển khổng lồ kèm ảnh chụp, phù điêu cả gia đình nhà đại gia luôn... Ngày trước nữa có thể là một cơ sở đóng tàu chứng kiến 3 chặng lớn trong lịch sử lập quốc của Việt Nam mà nếu ở nước ngoài, ắt hẳn đã là di sản công nghiệp cỡ bự, rồi thành bảo tàng, thành không gian sáng tạo... trong khi ở ta chúng được biến thành chung cư hạng sang với mật độ xây dựng như Hongkong 4 thập kỉ trước. Trong khi đó khái niệm di sản công nghiệp vẫn còn là những từ ngữ gây tranh cãi trong các bài viết của chuyên gia.

Di sản đang bị xâm hại, đang kêu cứu hoặc đang sống một đời sống mong manh ngay cả khi đã được nhận diện và ghi danh... là tình trạng không hiếm gặp ở nước ta. Sự bối rối trong ứng xử của xã hội với di sản, sự chậm trễ trong hành động của các phía với di sản, sự cố và tai nạn trong bảo tồn di sản... Sự lãng phí tài nguyên di sản, việc khai thác di sản vì mục tiêu kinh tế thiếu bền vững đang diễn ra ồ ạt... Sự chạy đua để được ghi danh di sản và ở chiều ngược lại là sự tháo chạy khỏi bảng ghi danh khi không thể chịu đựng nổi những phiền hà...

Tất cả có thể bắt nguồn từ những lí do đan xen và phức tạp nhưng không thể phủ nhận. Một trong những lý do quan trọng và gốc rễ đó chính là nhận thức về di sản đang chưa tốt. Có nghĩa là tri thức di sản đang chưa được coi trọng, thậm chí còn là dạng tri thức khá xa lạ với cộng đồng phổ thông. Mà đặc thù ở Việt Nam - một quốc gia nhìn đâu cũng ra di sản thì cộng đồng phổ thông ấy thực ra gần như luôn có mối liên hệ cụ thể, gần gũi với cộng đồng chủ nhân di sản, thực hành di sản vốn dĩ rất đông đảo.

Đối mặt với sự thiếu hụt tri thức đó, có rất nhiều phương cách để nâng cao nhận thức về di sản cho cộng đồng, từ những cách hết sức chuyên nghiệp đến những cách ơ kìa hơn. Nhưng trao truyền tri thức cũng đòi hỏi những niêm luật riêng của nó, chứ nếu không, việc học hành không vì tri thức, không cầu vọng đến vẻ đẹp của sự học mà chỉ chú tâm vào cấp bằng, cấp chứng chỉ thì trong nhiều trường hợp còn gây ra hậu quả lâu dài cho di sản nói riêng và đời sống nói chung.

Tôi thậm chí đã nảy sinh suy nghĩ tiêu cực rằng, tri thức di sản cũng như kinh phật vậy, thỉnh được nhưng phải có tâm để ngộ được, còn bằng như mang tiếng là giáo dục di sản đấy, truyền thông di sản đấy nhưng do không đủ trung thực, không đủ kỉ luật, thì những bằng cấp dễ dãi, những chiến dịch truyền thông thiếu chân xác lại vô tình bồi đắp thêm những định kiến - ngộ nhận - ý chí sai lầm trong nhận diện di sản, và thực hành thực tế liên quan đến di sản sau này.

Một cộng đồng bền vững sẽ xây nên một xã hội phát triển bền vững và trong xã hội đó sẽ luôn có chỗ cho di sản - cho những giá trị tinh thần và vật chất của văn hoá quốc gia, nói rộng ra là văn hoá - văn minh nhân loại. Rất nhiều vấn đề tưởng bất khả thi sẽ có thể giải quyết được khi nhận thức của cộng đồng được nâng cao. Điều này viết ra không khó, nhưng thực hành được nó thì không dễ.

Tôi trở lại với tour Di Sản Kể Chuyện mà mình may mắn được tham gia, để nhắc nhớ về phước lành mà tri thức mang đến cho tất cả chúng ta. Ở góc hẹp hơn, cho chuyên ngành di sản học, ta có thể nói rằng khi đặt lòng tin và tình yêu vào tri thức di sản, đó là khi ta đang thầm reo lên Sadhu Sadhu - Lành thay lành thay!

----------------------------

Trong bài viết có sử dụng ảnh chụp của Trần Trung Tín và Minh Thảo.

*Di Sản Kể Chuyện là sáng kiến của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và được thực hiện bởi Ơ Kìa Hà Nội trong giai đoạn từ 2020-2021. Đã bị gián đoạn do covid19. Bước sang năm 2022 dự án tiếp tục được nghiên cứu và phát triển bởi nhóm học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Di sản học, thuộc Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS). “Di sản kể chuyện” được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản thông qua hình thức giáo dục và truyền thông di sản.

 Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ