TIN TỨC & SỰ KIỆN
Phiên bản Tiếng Việt 16:18:53 Ngày 28/02/2025 GMT+7
Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN đồng hành cùng Ninh Bình trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hành cung Vũ Lâm thời Trần
Ngày 27/2/2025, tại Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình, Sở du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo Khoa học nghiên cứu về Hành cung Vũ Lâm thời Trần.

Với chủ đề “Hành cung Vũ Lâm thời Trần - Vai trò lịch sử và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị”, hội thảo đã công bố, thảo luận chuyên sâu về các kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học sau chương trình nghiên cứu được diễn ra xuyên suốt trong năm 2024, nhằm làm rõ vai trò lịch sử hành cung Vũ Lâm, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1057 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2025), 800 năm Vương triều Trần thành lập (1226-2026). 

Tham dự hội thảo, về phía tỉnh Ninh Bình còn có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang; Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn; Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN Nguyễn Tiến Vinh; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng; Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh đồng chủ trì hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học sẽ tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến nghiên cứu các đặc trưng giá trị lịch sử văn hoá riêng biệt, khẳng định vị trí, vai trò của Hành cung Vũ Lâm trong di sản văn hoá thời Trần. Đồng thời làm rõ chuỗi lịch sử Đinh - Lê - Lý - Trần cùng các dấu ấn quan trọng trong quần thể danh thắng Tràng An; thu thập các thông tin và hệ thống tư liệu về lịch sử Hành cung Vũ Lâm thời Trần, sử liệu, khảo cổ học, mỹ thuật, kiến trúc, … về các di tích thời kì này. Ông cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức xã hội chung tay đầu tư, phát triển công nghiệp văn hoá theo hướng bền vững, phát triển hoạt động văn hoá, phục dựng lễ hội,…

Hành cung Vũ Lâm, lúc đầu được xây dựng với mục đích làm nơi nghỉ dưỡng để Thượng hoàng Trần Thái Tông chuẩn bị cho sự nghiệp tu hành. Tuy nhiên, khi cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của nhà Nguyên đang cận kề thì Hành cung Vũ Lâm trở thành nơi đặt đại bản doanh kháng chiến của triều đình nhà Trần. Khi cả triều đình tạm rút về Trường Yên thì hành cung Vũ Lâm trở thành nơi thiết triều, là an toàn khu với việc bảo vệ an toàn cho hoàng tộc và triều đình,…mà dấu vết của các hoạt động này đã được khảo cổ học phát hiện qua các dấu vết cư trú, sản xuất gốm được để lại từ nguyên liệu làm gốm, vật liệu kiến trúc như gạch ngói thời Trần.

Bên cạnh đó, vua Trần Thái Tông cũng cho xây dựng một số cơ sở tự viện, mà ngày nay còn được lưu truyền như chùa Sở, chùa Thông ở thôn Vân Lâm, xã Ninh Hải; chùa Khả Lương, chùa Khai Phúc ở xã Ninh Thắng; chùa A Nậu thuộc thành phố Hoa Lư. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đất Trường Yên đã trở thành một trung tâm Phật giáo thời Trần. Từ hành cung Vũ Lâm, vua quan nhà Trần và người địa phương tiếp tục xây dựng tự viện ngoài phạm vi hành cung, nơi có thắng cảnh đẹp, tiêu biểu như núi Non Nước, núi Động Sơn, núi Cánh Diều, núi Địch Lộng,... 

Đặc biệt là, sau khi lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân giặc Nguyên Mông thắng lợi, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông lên làm Thái thượng hoàng và trở về hành cung Vũ Lâm xuất gia. Chính từ Hành cung Vũ Lâm, Trần Nhân Tông trở về kinh sư để truyền giới Bồ tát cho vua Trần Anh Tông và quần thần. Bức thư họa "Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn chi đồ" cũng phản ánh rõ sự kiện này.

Trình bày Báo cáo đề dẫn, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHNN Nguyễn Tiến Vinh cho biết: Hội thảo khoa học “Hành cung Vũ Lâm thời Trần” với chủ đề vai trò lịch sử và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu, nỗ lực gắn bó thực địa lâu dài và công phu của các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau đối với hành cung Vũ Lâm nói riêng và vùng đất địa linh nhân kiệt Tràng An - Hoa Lư nói chung. Những nghiên cứu khoa học này đã đem lại những nhận thức mới vô cùng quan trọng không chỉ về một địa danh, mà còn đóng góp cho những nghiên cứu về dòng chảy Phật giáo Việt Nam nói chung, đặc biệt dưới thời nhà Trần, từ đó đặt tiền đề cho những nghiên cứu tiếp sau, là cơ sở cho những đề xuất quy hoạch, phát triển, khai thác giá trị của hành cung Vũ Lâm và cả vùng Hoa Lư - Tràng An hiện nay. Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông bày tỏ mong muốn hội thảo sẽ nhận được nhiều nghiên cứu, thảo luận của các đại biểu, nhằm đóng góp, giải đáp các vấn đề, giả thuyết chưa có lời giải, từ đó phát huy các giá trị nghiên cứu, góp phần định hướng phát triển thành phố Hoa Lư, Ninh Bình với tư cách khu vực di sản quốc gia và quốc tế. 

Hội thảo đã nhận được 50 bài viết của các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cả trung ương và địa phương. Nội dung bài viết được chia làm 2 phần chính, trong đó có 20 bài tham luận tiêu biểu được chọn lọc trình bày tại hội thảo. Các tham luận tập trung giới thiệu khái quát về địa hình, địa thế, dấu tích vị trí hành cung Vũ Lâm qua tài liệu khảo cổ học và tài liệu địa chỉ, lịch sử. Các báo cáo đều chỉ ra rằng, trung tâm hành cung Vũ Lâm xưa chính là khu vực Đền Thái Vi ngày nay. Khu vực này hiện còn lưu truyền hai địa danh là Nền Triều và Núi Triều, nơi nhà Trần từng thiết triều trước đây. 

Tại hội thảo, các chuyên gia đã có những phiên tham luận, thảo luận vô cùng sôi nổi, làm rõ quá trình hình thành, diện mạo và vai trò của Hành cung Vũ Lâm trong dòng chảy lịch sử, đặc biệt là địa thế, dấu tích, vị trí,… trong khảo cổ học và tài liệu địa chí, lịch sử.

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 

>>> Các tin bài liên quan:

[Video] Phim ngắn “Trôi” đạt giải cao nhất tại cuộc thi “Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc”

Dấu ấn của Đệ tam tổ Thiền phái Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả với Phật giáo Việt Nam

 

 Ngọc Anh, ảnh: Bình Lê - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ