TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức & Sự kiện 12:42:31 Ngày 21/05/2019 GMT+7
Chương trình Tây Bắc: các dự án khoa học công nghệ đi sâu vào giải quyết các nhu cầu thực tiễn của địa phương
Ngày 17/5/2019, đoàn công tác của ĐHQGHN do Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Mai Trọng Nhuận, chủ nhiệm đề tài "Luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững vùng tây Bắc gia đoạn 2019-2025; mã số KHCN-TB.27X/13-18" dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện các đơn vị liên quan của tỉnh Yên Bái để đánh giá hiệu quả và đóng góp của chương trình Tây Bắc đối với tỉnh trong giai đoạn 2013 – 2018.

Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Yên Bái, mỗi năm, tỉnh này dùng 70% tổng kinh phí cho sự nghiệp khoa học để dành cho công tác nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Trong đó, các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm phục vụ mục tiêu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, trong những năm qua còn có nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các chương trình, đề án do Trung ương, các Bộ, Ngành và các tổ chức hỗ trợ triển khai trên địa bàn, trong đó có chương trình Tây Bắc. Mặc dù vậy, các đề tài do Tỉnh đề xuất vào chương trình và được tuyển chọn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn.

Đoàn công tác từ ĐHQGHN làm việc với các Sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái về chương trình Tây Bắc

Trong giai đoạn từ 2013 đến 2018, có ba đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc đã và đang được triển khai trực tiếp tại tỉnh Yên Bái, đó là: Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc do PGS.TS. Nguyễn Văn Vượng, Trường ĐH KHTN, ĐHQGHN chủ nhiệm (đã nghiệm thu năm 2015); Thử nghiệm sản xuất trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu do TS. Trần Ngọc Hưng – Viện Máy và dụng cụ công nghiệp chủ nghiệm (chưa nghiệm thu) và đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc do PGS.TS. Lê Kim Long, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN chủ nhiệm (chưa nghiệm thu).  

Sở KH&CN tỉnh Yên Bái đánh giá các dự án, đề tài nêu trên còn có thể có tác động rõ nét hơn nữa nếu đảm bảo được sự thông suốt thông tin về quá trình tổ chức thực hiện giữa cơ quan chủ trì các đề tài và UBND cũng như các sở ngành liên quan của tỉnh.

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Hợi phát biểu tại buổi làm việc

Chính vì vậy, nhằm phát huy hiệu quả và đạt được mục tiêu của Chương trình Tây Bắc đề ra trong những năm tới, Sở KH&CN mong muốn ĐHQGHN phối hợp với các Sở, Ban, ngành của tỉnh trong việc quản lý quá trình triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh Yên Bái đề nghị ĐHQGHN nghiên cứu và cố vấn để các đề tài, dự án của tỉnh đề xuất có thể đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn để được phê duyệt triển khai.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Mai Trọng Nhuận ghi nhận ý kiến đóng góp của tỉnh về việc các đề tài của chương trình Tây Bắc cần phải được đảm bảo thông tin đầy đủ đến các đơn vị liên quan và theo dõi hiệu quả sử dụng của các sản phẩm từ đề tài khi áp dụng tại địa phương. Mặt khác, liên quan đến số lượng đề tài do tỉnh đề xuất để được phê duyệt thực hiện còn hạn chế, GS. Nhuận cho rằng để các đề xuất thật sự đúng và trúng thì quan trọng là cần phát hiện những nhu cầu đích thực của thực tiễn cần tới sự giải quyết của khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2 tới đây, GS. Mai Trọng Nhuận gợi ý các đề tài có thể bàn giao sản phẩm theo tiến độ từng phần, không để tới khi nghiệm thu mới bàn giao toàn bộ. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Bắc có thể tạo liên kết vùng để đề xuất các đề tài, dự án khoa học, tạo thành một nguồn ý tưởng chung mà các tỉnh có thể sử dụng nếu thấy phù hợp với địa bàn của mình. Ngoài ra, để tăng tính thực tiễn, các tỉnh có thể phối hợp với các nhóm đề tài và các doanh nghiệp có khả năng để nghiên cứu và đề xuất đề tài, bám sát với nhu cầu của tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc Mai Trọng Nhuận phát biểu tại buổi làm việc

Những ý kiến trao đổi trong buổi làm việc này sẽ là cơ sở để Chương trình Tây Bắc xây dựng “Luận cứ khoa học và thực tiễn, đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2019 – 2025”.

Trước đó, đoàn công tác đã đến thăm mô hình dây chuyền chế biến trà và bột dinh dưỡng từ cây chùm ngây và cây táo mèo ứng dụng công nghệ sấy hồng ngoại tại thôn Giàng B, xã suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đây là đề tài được thực hiện từ năm 2017 đến nay, theo công văn đặt hàng số 1159/UBND-VX của tỉnh Yên Bái.

 

 

 

Đoàn công tác đến thăm mô hình dây chuyền chế biến trà và bột dinh dưỡng từ chùm ngây và táo mèo ứng dụng công nghệ sấy hồng ngoại

>>> Các tin bài liên quan:

VNU-YÊN BÁI. Chung tay phát triển bền vững Tây Bắc

Chương trình Tây Bắc: chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ lần thứ nhất

Tưới nước bằng năng lượng mặt trời

Chung sức phát triển bền vững Tây Bắc

 

 Thùy Trang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ