Cần giải pháp cấp bách và lâu dài
Năm 2009, Ban Chỉ đạo Tây Bắc xác định 3 khâu đột phá chiến lược của toàn vùng, trong đó “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là đổi mới cơ bản công tác giáo dục và đào tạo, dạy nghề cho người lao động, nhất là thanh niên” là một đột phá vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài nhằm đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, trình độ tay nghề, từng bước hình thành đội ngũ lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước.
Kết quả từ sự đầu tư đúng hướng
Trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng và Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục.
Đối với vùng Tây Bắc, triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có bước phát triển. Hệ thống trường, lớp ở vùng cao được quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp. Số trường, lớp học tăng lên đáng kể; trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng ngày một hoàn chỉnh, khang trang, phủ kín các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú đang được quan tâm đầu tư; mạng lưới các cơ sở đào tạo có bước phát triển nhanh.
Một buổi sinh hoạt cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số Hà Giang
Công tác phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo được chú trọng. Các tỉnh đã chỉ đạo triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học; tích cực triển khai cuộc vận động “hai không”, phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong ngành giáo dục - đào tạo. Năm học 2012-2013, học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở các tỉnh đều đạt cao, với tỷ lệ toàn vùng trên 95%; số lượng học sinh trong vùng trúng tuyển hệ chính quy các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tăng bình quân 25%/năm.
Dạy nghề cho lao động được quan tâm và có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 của toàn vùng đạt 30,49% (đạt mục tiêu Nghị quyết 37-NQ/TW đề ra là 25 - 30%), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 25%, tăng 12% so với năm 2004.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh trong vùng đã và đang xây dựng, triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực địa phương, trong đó rất chú trọng đến việc xác định nhu cầu đào tạo và liên kết với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực.
Năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Với quan điểm phát triển dựa vào đại học và khoa học công nghệ, phát triển xanh và phát triển dựa vào tri thức, Thủ tướng Chính phủ đã giao Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức, triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Trong năm 2012, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai khởi động đề án về phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc tại 5 tỉnh (Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ).
Bà con vùng cao Tây Bắc còn nhiều khó khăn trong duy trì cuộc sống
Những khó khăn, bất cập cần tập trung giải quyết
Chính sách ban hành nhiều, dù đã có tác động tích cực đến công tác giáo dục, nhất là đối với vùng miền núi Tây Bắc, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do các văn bản ban hành để hướng dẫn rất chậm, không kịp thời; nguồn lực thiếu. Đơn cử: Đối với Quyết định 27/2008/QĐ-TTg ngày 5/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung: “Học sinh dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện học ở trường nội trú mà tham dự học ở các trường công lập, bán công thì được cấp học bổng bằng 50% số học bổng của học sinh nội trú”; song không có văn bản hướng dẫn về nguồn kinh phí, đến khi văn bản hết hiệu lực, một số địa phương vẫn chưa thực hiện được. Một số quyết định thiếu nguồn vốn chi trả như: Quyết định 239/2010/QĐ-TTg, ngày 9/2/2010 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011 - 2015; Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn…; Một số quyết định chậm ban hành thông tư hướng dẫn như: Quyết định 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 - 2015.
Chính sách ban hành nhưng nhiều đầu mối quản lý, khó thực hiện, nhiều khi gây lãng phí. Đơn cử: Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49 của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010-2011 đến hết năm học 2014 - 2015 (nội dung cấp học phí thì ngành giáo dục đào tạo thực hiện, hỗ trợ chi phí học tập thì ngành Lao động - Thương binh & Xã hội thực hiện nên không đáp ứng kịp thời cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập). Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó có việc xây dựng mới các trung tâm dạy nghề, trong khi các huyện đã có các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề thuộc ngành giáo dục và đào tạo quản lý, có sẵn nguồn giáo viên, đội ngũ dạy nghề, hướng nghiệp… nên chăng cần có sự phối hợp tránh lãng phí?
Đất canh tác eo hẹp của bà con tỉnh Hà Giang
Kết quả giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong vùng vẫn còn thấp xa so với yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Hệ thống trường lớp tuy đã được tập trung đầu tư, nhưng tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm bợ, dột nát vẫn cần được khắc phục, nhất là đối với bậc học mầm non. Tình trạng thiếu thiết bị dạy học, thiếu nước sạch, công trình vệ sinh của cơ sở giáo dục đào tạo ở vùng cao vẫn còn phổ biến; hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học còn nhiều hạn chế. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được bổ sung, nhưng cơ cấu vẫn còn nhiều bất cập, vừa thiếu, vừa thừa. Đời sống giáo viên vùng cao còn hết sức khó khăn, chất lượng dạy học còn hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống trẻ em trong độ tuổi đến trường còn rất vất vả, nên khả năng theo học hết sức khó khăn. Những bất cập về ngôn ngữ, chương trình giáo dục, đào tạo đang tác động không nhỏ đến kết quả học tập. Tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn lớn. Cơ cấu ngành và chất lượng đào tạo, dạy nghề chưa phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tỷ lệ lao động có việc làm và thu nhập theo ngành nghề đào tạo còn thấp.
Và những giải pháp lâu dài
Để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo trên các địa bàn đặc biệt khó khăn, trong đó có vùng Tây Bắc, thiết nghĩ trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Nụ cười của thiếu nữ dân tộc Lô Lô
Nghiên cứu, đánh giá sát đúng tình hình giáo dục, đào tạo tại các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn; trên cơ sở đó, tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần làm cho phát triển nguồn nhân lực có bước chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa bàn vùng cao.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án: Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9 tháng 2 năm 2010; đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú”; Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người”. Đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; Trong đó, cần lưu ý các chính sách, giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngăn chặn tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học.
Hướng dẫn các địa phương trong vùng tập trung đầu tư đồng bộ cho hệ thống giáo dục và đào tạo; coi phát triển giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp bám sát yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn để tổ chức tuyển sinh, đào tạo một cách thiết thực và hiệu quả, gắn với địa chỉ sử dụng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về các nội dung: Nhu cầu kinh phí chi thường xuyên, định mức biên chế, suất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo tại các tỉnh miền núi dân tộc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, để phát triển nguồn nhân lực cho vùng, cần có chính sách đủ mạnh để thu hút sinh viên sư phạm (đối với ngành giáo dục và đào tạo) vì nếu có sinh viên giỏi thì mới có thể có giáo viên giỏi;
Cần tiếp tục đầu tư cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở các địa phương để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực; nâng cấp hoặc thành lập phân hiệu, thành lập mới các trường đại học ở một số địa phương trong vùng (nếu đủ điều kiện) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế;
Cần có dự báo về nguồn nhân lực để đào tạo đáp ứng với sử dụng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Trong đó, các địa phương cần xác định nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở các ngành, các lĩnh vực, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ đại học và sau đại học… để liên kết với các trường đại học cấp quốc gia trong việc đào tạo nhân lực cho địa phương.
|