TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 17/04/2014 GMT+7
Giao lưu trực tuyến "Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5: Khoa học - Công nghệ với cuộc sống"
Sáng 16/4/2014, tại trụ sở báo điện tử Đại biểu nhân dân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5: Khoa học – Công nghệ với cuộc sống”.

Tham gia buổi giao lưu có nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường TSKH. Nghiêm Vũ Khải; Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội PGS.TS Phạm Thành Huy.

Chương trình giao lưu do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng với báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức. Chương trình nhằm hướng đến Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trên qui mô toàn quốc 18/5/2014.
Website ĐHQGHN trích đăng một số câu hỏi của độc giả báo điện tử Đại biểu nhân dân và trả lời của Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức tại buổi giao lưu trực tuyến này:
 
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Phòng thí nghiệm Micro và Nano,
Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN
- Là nhà quản lí – nhà khoa học, ông có thể chia sẻ một vài suy nghĩ về Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 tới? Trần Phương Anh (48 tuổi – Ba Đình, Hà Nội)
GS.TS Nguyến Hữu Đức: Từ khởi thuỷ, nghiên cứu khoa học đã có sứ mệnh phát hiện ra các tri thức mới và truyền bá các tri thức đó cho nhân loại. Cách truyền bá rất phong phú, có thể thông qua các bài giảng ở các trường học, đặc biệt là trường đại học; xuất bản các ấn phẩm (chủ yếu là sách và các bài báo trên tạp chí) và tổ chức hội thảo, hội nghị... Trong xã hội thông tin như hiện nay, thông tin qua học còn được phổ cập nhanh qua internet. Vài chục năm qua, để tuyên truyền về khoa học, thu hút, kêu gọi giới trẻ và công chúng đến với khoa học, chia sẻ tri thức và tăng cường sự giao lưu giữa các nhà khoa học và cộng đồng, các tổ chức và các quốc gia trên thế giới còn tổ chức ngày khoa học và công nghệ quốc gia. Ví dụ như ở Ấn độ, từ năm 1986, Ngày Khoa học Quốc gia (National Science Day) đã được tổ chức vào ngày 28/2 hàng năm. Ở Pháp ngày Hội Khoa học (La Fête de la Science hay còn gọi Science en fête) được tổ chức hàng năm từ 1992. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều ngày hội khoa học cũng đã được tổ chức. Ví dụ như năm 2005, để tôn vinh nhà bác học Einstein và tuyên truyền về ngành vật lý, thu hút, kêu gọi giới trẻ và công chúng đến với vật lý, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 2005 là năm Vật lý quốc tế (the World Year of Physics). Tôi đã có dịp 2 lần trực tiếp mở cửa một phòng thí nghiệm ở Pháp để đón phụ huynh và học sinh đến thăm khu nghiên cứu ở Grenoble, 01 lần cùng với các đồng nghiệp tham quan các hoạt động trong ngày hội khoa học ở Paris. Đặc biệt năm 2005, tôi đã cùng thảo luận với một số nhà khoa học ở Hội Vật lý Hàn Quốc trong việc triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm quốc tế vật lý. Tôi thực sự thấy rằng, các hoạt động này cóảnh hưởng và hiệu quả rất tốt trong việc kết nối các nhà khoa học với cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ.
Ở nước ta, sinh thời, tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963, trong bài phát biểu quan trọng về khoa học và công nghệ của mình Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân,...”.Ngoài các ý nghĩa đã nói ở trên, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam phần nào cũng phản ánh tinh thần đó. Các nhà khoa học Việt Nam, ngoài việc thực hiện tốt tinh thần khoa học vị nhân sinh, cũng muốn tuyên truyền, quảng bá và chuyển giao tiềm lực khoa học công nghệ đến cộng đồng. Tôi cho rằng, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam trong đó có các nhà khoa học của ĐHQGHN cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào khi Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam được xã hội và đông đảo cộng đồng quan tâm. Đó sẽ là cái được của quốc gia khi càng có nhiều người thấu hiểu và nỗ lực phấn đấu cho sự phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách phát triển dựa vào khoa học và đào tạo.
- Là một cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu hàng đầu của cả nước, những hoạt động cụ thể của ĐH Quốc gia Hà Nội nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014 là gì, thưa ông? Đinh Khánh An, 31 tuổi, email: khanhanhn@yahoo.com
GS.TS Nguyến Hữu Đức: Từ cuối năm 2013, đã tổ chức Triển lãm và Hội nghị Thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ. Năm nay, các hoạt động giới thiệu tiềm lực KH&CN của ĐHQGHN có sự đổi mới với nhiều hoạt động cụ thể, trong đó có hoạt động có qui mô trên toàn ĐHQGHN và có những hoạt động cấp đơn vị thành viên. Mục đích của chúng tôi là tổ chức các hoạt động nhiều cấp, tạo ra được hiệu ứng, khơi dậy được sức sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học ĐHQGHN và tầng lớp thanh, thiếu niên đang học tập ở trong và ngoài ĐHQGHN. 
Có thể điểm qua một số hoạt động cụ thể như sau:
Thứ nhất, ĐHQGHN sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết về “Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN” và công bố khen thưởng các nhóm nghiên cứu KH&CN tiêu biểu ĐHQGHN năm 2014 vào Thứ Bảy, ngày 10/5/2014 (từ 8h30 đến 12h00) ở Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại Hội nghị này, ngoài việc đánh giá và đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trường phái khoa học, ĐHQGHN cũng tổ chức giới thiệu tiềm lực và các sản phẩm KHCN của các nhóm nghiên cứu này. Được biết, các nhóm nghiên cứu mạnh được khen thưởng lần này có các đặc trưng rất đa dạng: từ nghiên cứu cơ bản, đến phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức…
Thứ hai, cũng vào thời gian trên, Đoàn TNCS HCM ĐHQGHN sẽ tổ chức Festival KH&CN Trẻ. Tại Festival này, các nhà khoa học trẻ sẽ giới thiệu các sản phẩm sáng tạo thanh niên và các câu lạc bộ khoa học.
Thứ ba, trường đại học và nghiên cứu thành viên trong ĐHQGHN tổ chức mở cửa phòng thí nghiệm, bảo tàng, thư viện để đón sinh viên, học sinh và cộng đồng đến tham quan và giao lưu và ngày Thứ Bảy, ngày 17/5/2014 (từ 8h30 đến 16h30). Tại đây, người xem có thể tham quan Máy gia tốc Tandem Pelletron 5SDH-2, Phòng thí nghiệm Trọng điểm công nghệ Enzim và Protein, Kính hiển điện tử truyền qua ở Trường ĐHKH Tự nhiên, PTN Công nghệ micrô – nanô, PTN thiết kế chip của Trường ĐH Công nghệ, Bảo tàng Nhân học, Trung tâm Báo chí và Truyền thông của Trường ĐHKH xã hội & Nhân văn, Bảo tàng gen của Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học…
Thứ tư, giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học trẻ về tiềm năng, cơ hội và thách thức trong các nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân được tổ chức qua Toạ đàm “KH&CN phục vụ phát triển KT-XH: tiềm năng, cơ hội và thách thức”. Thời gian: 14h00 ngày 17/05/2014 tại trường ĐH Kinh tế,…
 
- Ông có thể cho biết đến một số kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật của ĐHQGHN trong thời gian vừa qua? Nguyễn Hoàng Minh 39 tuổi ( Thái Thụy – Thái Bình)
GS.TS Nguyến Hữu Đức: Có thể một số bạn chưa hiểu hết, cứ nghĩ trường đại học chỉ là cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, theo Luật KH&CN thì các trường đại học đồng thời là một tổ chức khoa học và công nghệ. ĐHQGHN đã và đang phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, tích hợp chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học ở ĐHQGHN đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
Trước hết, các hoạt động KH&CN đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của hệ chuẩn, tạo điều kiện để phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, đạt chuẩn quốc tế, phát triển một số ngành, chuyên ngành học mới chưa từng có ở Việt nam như: Vật liệu và linh kiện nanô, Biến đổi khí hậu, Khoa học bền vững, An ninh phi truyền thống,… Đặc biệt, nhờ nghiên cứu khoa học trình độ cao, đào tạo tiến sĩ đã đạt chất lượng khá tốt: hơn 50% NCS tốt nghiệp tiến sĩ có bài báo ISI đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đây cũng chính là lý do tại sao, sinh viên tốt nghiệp ở ĐHQGHN có rất nhiều cơ hội tiếp tục học tập và làm việc ở tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ hai, là một trung tâm đào tạo có truyền thống về khoa học cơ bản, hàng năm các nhà khoa học ĐHQGHN đã công bố gần 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế, chiếm gần 15% tổng số công bố quốc tế của cả nước, trong đó có công trình được đăng trên tạp chí Nature số một thế giới, có kết quả xây dựng bản đồ gen người Việt…
Thứ ba, khoa học xã hội và nhân văn là một ưu thế cạnh tranh của ĐHQGHN, nhiều công trình nghiên cứu đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Gần đây, nghiên cứu về KHXH&NV đã góp phần tư vấn chính sách cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia…
Thứ tư, nhiều sản phẩn hoàn chỉnh đã được chuyển giao ứng dụng trong thực tế như: Công nghệ sạch sản xuất diesel sinh học chất lượng cao, Thiết bị lọc nước uống trực tiếp, Màng lọc máu Diamond, Bộ sinh khối nấm linh chi Ganoderma lucidum, Hệ thống công nghệ xử lý nước thải với khả năng tái sử dụng nước, Công nghệ dự báo thời tiết và thủy văn biển đông, Hệ đo các thông số bệnh nhân từ xa, Cảm biến đo từ trường và đo góc độ nhậy cao, Khối tổ hợp công suất phát 8 đường dung cho máy phát nhận biết mã chủ quyền quốc gia, Thiết kế và phát triển một bộ mã hoá tín hiệu video theo chuẩn tiên tiến H.264/AVC.
Các kết quả nghiên cứu KH&CN trên đây đã góp trọng số đáng kể vào kết quả ĐHQGHN được xếp vào nhóm 250 các trường đại học hàng đầu của châu Á trong những năm vừa qua.
 
Nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Lưu Văn Bôi (Khoa Hóa học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) với sản phẩm nghiên cứu là diesel sinh học
-  Trách nhiệm kiến thiết, xây dựng đất nước đang đặt lên vai giới trẻ, và cần hơn nữa những cống hiến nhiệt tâm của họ. Vậy phải làm sao để thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho giới học sinh, sinh viên đam mê khoa học có điều kiện cống hiến, thưa ông? Đinh Dương Hiểu Khánh 27 tuổi (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)
GS.TS Nguyến Hữu Đức: Khoa học cơ bản là nền tảng của tri thức, văn hoá cũng như các phát triển công nghệ và do đó là nền tảng của phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản mang lại lợi ích lâu dài và quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đầu tư cho khoa học cơ bản dẫn đến những phát hiện to lớn có tác dụng thay đổi thế giới. Là một trung tâm đại học nồng cột và đầu tàu của hệ thống đại học cả nước, ĐHQGHN có sứ mệnh xây dựng và phát triển tiềm lực phát triển khoa học cơ bản. Nhiều chính sách giải pháp đã và đang được triển khai như:
- Từ năm 1997, ĐHQGHN đã mở các chương trình đào tạo tài năng và chất lượng cao, trong đó chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng đã thu hút được rất nhiều tài năng trẻ vào học. Từ năm 2007, ĐHQGHN còn triển khai đề án xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, làm cơ sở xây dựng một số khoa, trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế.
- Từ năm 2011, sinh viên học các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản về khoa học tự nhiên (toán học , vật lý, hoá học, sinh học, khoa học trái đất) và khoa học xã hội nhân văn (chính trị học, hán nôm, lịch sử, nhân học, tríet học, văn học…), ở các mức độ và hình thức khác nhau đã được hỗ trợ kinh phí học tập.
- Hàng năm, tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên, các câu lạc bộ khoa học và các Festival sang tạo tuổi trẻ để khuyến khích các hoạt động sáng tạo.
- Đặc biệt, phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, ĐHQGHN quan tâm phát triển quy mô và chất lượng đào tạo sau đại học, đào tạo trình độ cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản cho đất nước.
- Hệ thống 30 phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học cơ bản đã được đầu tư xây dựng khá hiện đại, đồng bộ và hoàn chỉnh, có thể tạo điều kiện để giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh triển khai các nghiên cứu trình độ cao, công bố các kết quả nghiên cứu ở trình độ quốc tế.
- Hiện nay, ĐHQGHN đang xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng cán bộ khoa học. Theo đề án này, ngoài việc phát triển nhóm các nhà học xuất sắc có khả năng chủ trì giải quyết các vấn đề khoa học cơ bản của thời đại, các vấn đề quan trọng của quốc gia, nhóm cán bộ khoa học đang có trình độ thác sĩ và cử nhân đặc biệt được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch để sơm đạt được các chuẩn về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, phục vụ tốt cho chiến lược phát triển của ĐHQGHN và của đất nước. Trong vòng 2-3 năm sau tuyển dụng, nhà khoa học trẻ sẽ được hỗ trợ tài chính, cơ chế để có hướng nghiên cứu riêng, có sản phẩm công bố hàng năm.
Xem thêm nội dung chi tiết chương trình giao lưu trực tuyến Khoa học – Công nghệ với cuộc sống”.





 Đỗ Ngọc Diệp - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ