GS.TS Trương Việt Dũng - Chủ nhiệm khoa Y Dược, PGS.TS Trần Quốc Bình – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương và PGS.TS Lê Thị Luyến – Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế đã đồng chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo còn có đông đảo các cán bộ khoa học đến từ các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu và các công ty dược phẩm. Hội thảo được tổ chức với sự tài trợ của CTCP Sao Thái Dương và CTCP Trapaco.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo. Ông cho rằng, Hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với những nhà khoa học, các công ty sản xuất dược phẩm mà còn có ý nghĩa đối với những nhà quản lí của ĐHQGHN. Hội thảo là cơ hội để mạng lưới vệ tinh giàu tiềm năng gặp gỡ, trao đổi và tăng cường sự hợp tác với Khoa Y – Dược, ĐHQGHN.
Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức cho rằng, “Thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm từ thiên nhiên: yêu cầu khoa học và thực tiễn” gắn với giá trị cốt lõi của ĐHQGHN là thể hiện trách nhiệm xã hội cao, thực hiện các hoạt động khoa học vị nhân sinh. Bên cạnh việc thể hiện trách nhiệm cao đối với những hoạt động của mình ĐHQGHN đồng thời phải thể hiện trách nhiệm đối với sản phẩm, các vấn đề xã hội khác. Hội thảo là một hoạt động cụ thể, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền, thiết thực triển khai thực Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW).
Hiện nay, ĐHQGHN quan tâm đến hướng nghiên cứu tin – sinh - dược. Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức đề nghị Khoa Y Dược tập hợp các đề xuất có tính khả thi cao để có thể triển khai sớm trong năm 2015. Cùng với đó, Khoa rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, trang thiết bị để xây dựng các phương án về tăng cường các nguồn lực tạo đà cho Khoa phát triển mạnh mẽ.
ĐHQGHN đang rất chú trọng tới hợp tác đại học - doanh nghiệp – địa phương, để cùng đề xuất và giải quyết các bài toán đúng và trúng, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phó Giám đốc đề nghị, việc xây dựng phòng thí nghiệm phối thuộc giữa doanh nghiệp – đại học sẽ là một hướng đi hữu ích cho cả 2 bên và Khoa Y Dược cần quan tâm nghiên cứu phương án và chính thức hóa hợp tác của Khoa với các doanh nghiệp, để xây dựng mạng lưới thực tập cho sinh viên của Khoa.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tiềm năng, định hướng phát triển của Khoa Y – Dược, ĐHQGHN; Phương pháp in silico trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ thiên nhiên; Nghiên cứu phát triển sản phẩm từ thiên nhiên: Góc nhìn của Traphaco; Nano Curcumin và câu chuyện phát triển sản phẩm dựa trên bằng chứng khoa học; Kinh nghiệm từ thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương và các thông tin khái quát về thử nghiệm lâm sàng thuốc từ thảo dược và hoạt động hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng.
ThS. Nguyễn Huy Văn – Phó Tổng Giám đốc CTCP Trapaco cho biết, việc thử nghiệm lâm sàng các sản phẩm từ thiên nhiên là một nhu cầu thiết yếu hiện nay. Việt Nam có trên 4000 loại thực vật, nấm và hàng ngìn loài sinh vật biển có công dụng làm thuốc. Đây là kho vô tận để phát triển sản phẩm, phát triển thuốc mới.
Ông Huy Văn cho biết, theo đánh giá của WHO, 70 – 95% dân số các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đông đảo các quốc gia tiếp tục gia tăng sử dụng thuốc cổ truyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhằm phát triển sinh kế cho người dân bản địa; tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe,… Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc cổ truyền ngày càng được toàn cầu hóa song việc đào tạo, đánh giá chất lượng và các qui định hiện đang khác nhau ở các quốc gia đã vô tình tạo ra sức ép cho việc cần phải hòa hợp để đưa thuốc cổ truyền và các thực hành cổ truyền vào hệ thống y tế.
Đại diện của Trapaco nhấn mạnh, cần đầu tư nghiên cứu sàng lọc, đánh giá các bài thuốc cổ truyền, lựa chọn các bài thuốc tốt để đưa vào dược điển; cần nghiên cứu đưa ra những qui định chính thức về chuyển đổi công dụng của bài thuốc theo YHCT thành các tá dược dược lí hiện đại và cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu lâm sàng giữa đại học – bệnh viện và doanh nghiệp.
Trong khi đó, từ thực tiễn của Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, PGS.TS Trần Quốc Bình cho biết, trong công tác nghiên cứu khoa học – thử nghiệm lâm sàng thuốc hiện nay gặp một số khó khăn trong vấn đề kinh phí. Việc nghiên cứu chế phẩm đưa ra cộng đồng còn nhiều thủ tục hành chính về cấp phép, gia hạn.
PGS.TS Lê Thị Luyến cho biết, thử nghiệm lâm sàng là những nghiên cứu tiến cứu về can thiệp y sinh trên đối tượng con người (thuốc, phương pháp điều trị, thiết bị, hay cách mới để sử dụng thuốc, phương pháp điều trị hay thiết bị đã biết) nhằm xác định tính an toàn, hiệu lực và hiệu quả của can thiệp mới về y sinh hay hành vi.
Những qui định chặt chẽ trong nguyên tắc đạo đức và khoa học của việc thử nghiệm lâm sàng thuốc thảo dược đã đặt ra những thách thức cho nhiều bên liên quan. Việc thử nghiệm lâm sàng là cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu tiền lâm sàng và sản phẩm được đưa vào sử dụng. Khoa Y Dược – ĐHQGHN sẵn sàng cùng các đơn vị tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa, giải quyết các bài toán của doanh nghiệp và xã hội.
Trong khuôn khổ của hội thảo Chủ nhiệm Khoa Y Dược Trương Việt Dũng và Giám đốc Công ty Dược phẩm Thái Minh đã kí kết văn bản thỏa thuận trong hợp tác nghiên cứu khoa học.
|