TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 31/10/2014 GMT+7
PTT Nguyễn Xuân Phúc: Tin tưởng vào thành công của Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc tại hội thảo "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" diễn ra vào ngày 18/10/2014 tại ĐHQGHN.

Hội thảo này là một nội dung quan trọng trong kế hoạch của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2013-2018: "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc", do ĐHQGHN làm Cơ quan Chủ trì và Giám đốc ĐHQGHN làm Chủ nhiệm Chương trình.

Đến dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, các bộ, ngành hữu quan và đại diện lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc cùng đông đảo các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXHVN và các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ ở vùng Tây Bắc.

Mục đích của Hội thảo là trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học đang tham gia thực hiện Chương trình Tây Bắc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và các bộ ngành hữu quan, trên cơ sở đó thống nhất về phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình.

Kết quả của 05 đề tài nghiên cứu trong giai đoạn I đã được công bố tại hội thảo, gồm: Khung cấu trúc hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Xây dựng và đề xuất ứng dụng khung năng lực vào phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc; Khung phân tích đánh giá sự phù hợp của các chính sách đang còn hiệu lực trên địa bàn Tây Bắc; Khung đánh giá tác động của các Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo tại vùng Tây Bắc; Khung phân tích rà soát và đánh giá sự phù hợp, hiệu lực thực thi của các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tại vùng Tây Bắc giai đoạn 2001-2015.

Sau khi nghe các báo cáo trên cùng ý kiến trao đổi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số ý kiến chỉ đạo quan trọng tại hội thảo.

Phó Thủ tướng đánh giá: Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là địa bàn sinh sống của hơn 11,6 triệu người thuộc 34 dân tộc của Việt Nam. Dù có vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng to lớn và đa dạng nhưng Tây Bắc vẫn là vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các nguồn lực phát triển bền vững của vùng Tây Bắc chưa thực sự được khơi dậy và phát huy đúng mức, có hiệu quả, trong đó có nguồn lực KH&CN.

Trong bối cảnh đó, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giao cho ĐHQGHN triển khai được kỳ vọng sẽ là một CT nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, cung cấp các luận cứ, giải pháp khoa học nhằm góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa và những kết quả nghiên cứu ban đầu được trình bày tại hội thảo. Là cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu, nơi tập trung đông đảo nhất cả nước đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, ĐHQGHN đã thể hiện sự nghiêm túc và công phu, cùng quyết tâm cao trong việc triển khai thành công các mục tiêu nghiên cứu.

Phó Thủ tướng nói: “Tôi hoan nghênh tinh thần dám nghĩ, dám làm của ĐHQGHN, đây là tinh thần của cách mạng, của đổi mới. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã dám lao vào thực tế khó khăn để đưa lý thuyết, phương pháp khoa học ứng dụng vào thực tiễn, qua đó thể hiện được vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu căn bản của Chương trình nghiên cứu phát triển bền vững Tây Bắc là tính hiệu quả, thực tiễn: “Sản phẩm nghiên cứu không được nặng tính hàn lâm mà phải phù hợp với thực tế phát triển của từng địa phương. Hiệu quả của Chương trình phải là hiệu quả chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn”.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình này, Phó Thủ tướng yêu cầu:

Một là ĐHQGHN tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ngành, các cơ quan khoa học và các địa phương trong Vùng để tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình theo đúng tinh thần thiết thực, khả thi, hiệu quả. Văn phòng Chính phủ, BCĐ Tây Bắc, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cần theo dõi sát sao lộ trình triển khai Chương trình, kịp thời kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp ĐHQGHN triển khai thành công Chương trình.

Hai là các nhà khoa học tham gia Chương trình cần nâng cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ và tâm huyết để gải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn của Tây Bắc. Kết quả của từng đề tài, dự án phải trả lời được câu hỏi: sẽ đóng góp được gì và ở mức độ nào để giúp Tây Bắc phát triển bền vững và đời sống của đồng bào bớt khó khăn ?

Ba là Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh trong Vùng phải thường xuyên phối hợp với ĐHQGHN trong triển khai các nhiệm vụ của Chương trình. Bởi các địa phương trong Vùng chính là người “đặt hàng”, đề xuất và đưa ra các nhiệm vụ mà Chương trình cần nghiên cứu, đồng thời cũng là người thụ hưởng các kết quả của Chương trình. Việc phối hợp với ĐHQGHN cũng sẽ giúp năng lực khoa học và công nghệ của các địa phương được từng bước nâng cao.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Tôi tin tưởng rằng Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc sẽ được triển khai thành công, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đáp ứng lòng mong đợi của hàng chục triệu người dân các dân tộc vùng Tây Bắc”.

Cũng tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ thêm những kết quả mà Chương trình đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại.

Thứ nhất, ĐHQGHN đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tổng thể Chương trình trên cơ sở mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm đã được Bộ KH&CN phê duyệt.

Thứ hai, ĐHQGHN đã thành lập Hội đồng tư vấn là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương trong Vùng để tổ chức tư vấn xác định nhiệm vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương và phối hợp chỉ đạo triển khai để tránh trùng lặp với các nhiệm vụ KH&CN đã và đang triển khai ở các Bộ, ngành.

Thứ ba, tổ chức triển khai 5 đề tài đầu tiên của Chương trình, trong đó tập trung vào việc xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành và rà soát, phân tích, đánh giá hệ thống chính sách và chương trình mục tiêu đang được triển khai ở Tây Bắc. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp giúp cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương có cái nhìn khách quan, sát thực về tính hiệu quả, những ưu điểm cũng như những bất cập của công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước tại vùng Tây Bắc.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN và các đơn vị chủ trì đề tài đã tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, UBND các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang… trong việc xác định và phối hợp triển khai một số nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn của địa phương như: phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với các di sản thiên nhiên ở Tây Bắc; khai thác năng lượng địa nhiệt ở Tuyên Quang và Điện Biên; khai thác dược liệu để phát triển thuốc; phát triển liên kết vùng trên cơ sở chuỗi giá trị hàng hóa cũng như xác định các vấn đề mang tính điểm nóng liên quan tới văn hóa và xã hội...

 Trong năm 2014 và các năm tiếp theo, Ban chủ nhiệm Chương trình tập trung tổ chức nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để khai thác tiềm năng và thế mạnh của Vùng, từ đó xây dựng các quy trình công nghệ và một số mô hình sinh kế cho đồng bào, phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương trong Vùng; đồng thời, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm có cơ sở khoa học và các giải pháp tổng thể góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định: “ĐHQGHN quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình này bởi ý thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình trước Đảng, Chính phủ, trước các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, đặc biệt là tình cảm và trách nhiệm trước đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc”.

>>> (Ảnh) Hội thảo cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc

>>> Tin tức về hội thảo trên báo chí:

- Báo Nhân dân: Bảo đảm kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn phát triển bền vững vùng Tây Bắc

- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảm bảo hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển vùng Tây Bắc

- Vietnamnet: Nghiên cứu về Tây Bắc phải hướng tới hiệu quả, thực tiễn

- Báo Quân đội Nhân dân: Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành vùng Tây Bắc hiệu quả cao

- Báo điện tử Chính phủ: Ứng dụng KHCN vùng Tây Bắc: Phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả, thiết thực

- Báo Dân trí: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sản phẩm nghiên cứu phải phù hợp với thực tế phát triển”

- Báo Tuyên giáo: Hội thảo khoa học "Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc"

- Báo Thanh tra: Ứng dụng KH&CN vùng Tây Bắc phải thiết thực, hiệu quả

- Báo Tin tức: Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu liên ngành vùng Tây Bắc thiết thực, khả thi và hiệu quả

Tiếp tục cập nhật 

 

 

 Thanh Hà - Ảnh: Bùi Tuấn - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ