Trên 50% cán bộ có học vị tiến sĩ Đây là con số ấn tượng trong lĩnh vực phát triển đội ngũ cán bộ, khi mà chuẩn hoá đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đạt chuẩn đã trở thành một trong 4 chương trình hành động lớn của Nhà trường trong những năm vừa qua. Với 17 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 14 giảng viên được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trong năm 2014, tổng số cán bộ giảng viên có học vị tiến sĩ trở lên đã đạt tỷ lệ trên 50%, trong đó 25% cán bộ giảng dạy có chức danh GS, PGS. Kết quả đạt được một phần là nhờ những hỗ trợ cụ thể từ các chính sách, quản lí của Trường đối với các cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ đang làm nghiên cứu sinh hoặc các cán bộ trẻ có bằng tiến sĩ nhưng chưa có chức danh PGS. Các cán bộ trẻ dành cho những người đang học NCS được giảm số giờ, hỗ trợ một phần học phí, kinh phí để làm luận án, luận văn. Bên cạnh việc mở rộng hoạt động giao lưu khoa học, các cán bộ trẻ được Nhà trường hỗ trợ kinh phí khi đi nghiên cứu ở nước ngoài hoặc có bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế. Với kết quả này, Nhà trường đang góp phần giải quyết áp lực thiếu hụt đội ngũ cán bộ khoa học kế cận, từng bước bồi dưỡng tiềm lực khoa học mạnh, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ khoa học lớn. Bên cạnh đó, Đề án phát triển đội ngũ nhà khoa học và quản lí trình độ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng được hoàn thành, làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong thời gian tới. Những bước đi vững chắc trong NCKH Trên cơ sở tiềm lực về đội ngũ cán bộ khoa học ngày càng mạnh, tiếp tục đà phát triển từ những năm trước, Trường đã tổ chức đấu thầu thành công, hiện đang chủ trì 14 nhiệm vụ khoa học lớn (đề tài cấp nhà nước và các nghị định thư), 17 đề tài thuộc quỹ Nafosted, hàng chục đề tài cấp ĐHQGHN, cấp Bộ, cấp tỉnh thành trên cả nước. Cán bộ của trường đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ các cấp, trong đó có 03 công trình đạt giải công trình KH&CN tiêu biểu ĐHQGHN, có 02 nhóm nghiên cứu được công nhận là nhóm NC mạnh cấp ĐHQGHN. Năm nay, công bố quốc tế có bước phát triển mạnh với số lượng công trình công bố tăng gần gấp đôi. Trong năm học 2013-2014, cán bộ của Trường đã công bố 44 công trình ở nước ngoài, tăng gấp đôi so với năm trước (23 công bố quốc tế trong năm học 2012-2013), trong đó có 05 bài báo công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus. Đây là một trong những chỉ số quan trọng nâng cao vị trí xếp hạng đại học nghiên cứu của Nhà trường. Thành công trong việc xây dựng và triển khai các đề tài cấp NN trong một số năm gần đây do nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự quan tâm của lãnh đạo Trường và các đơn vị; sự chủ động tích cực của các nhà khoa học trong việc tìm kiếm các nguồn đề tài từ quỹ KHCN, quỹ NC cơ bản, danh mục KH cấp NN; sự linh hoạt, mềm dẻo trong hoạt động quản lí theo hướng phát huy và hỗ trợ tối đa các cá nhân và tập thể trong hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc mở rộng quan hệ hợp tác liên kết với các địa phương, ngành trong cả nước cũng giúp tăng các cơ hội trong hợp tác nghiên cứu.
Năm 2014 tiếp tục là năm “được mùa” các hội thảo khoa học, đặc biệt là các hội thảo, toạ đàm quốc tế kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước. Có khoảng 30 hội thảo, trong đó có 50% là hội thảo quốc tế với những hội thảo có tiếng vang lớn như “Việt Nam trong lịch sử thế giới”, “60 năm Việt Nam - Pháp - EU”, “Lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc: thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”, “Từ Điện Biên Phủ đến Geneve, nhìn từ góc độ quốc tế”, “Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp với các ngành khoa học xã hội nhân văn Việt Nam”… Với uy tín và vị thế khoa học của mình, Trường luôn là điểm đến của giới khoa học trong nước và quốc tế, kết nối và chia sẻ những vấn đề khoa học mới và cấp thiết hiện nay. Hoạt động đào tạo - tiếp đà đổi mới Một dấu ấn trong hoạt động đào tạo năm vừa qua là việc hoàn thành Đề án Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Trường đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Trường có 38 chuyên ngành ĐT thạc sĩ và 32 chuyên ngành ĐT tiến sĩ. Dựa trên khảo sát cụ thể về nhu cầu xã hội và năng lực đào tạo của từng đơn vị, Đề án đặt ra lộ trình xây dựng các ngành, chuyên ngành ĐT mới nhằm đảm bảo sự phát triển hợp lí và bền vững của Trường trong tương lai. Trường hoàn thành đánh giá chương trình cử nhân ngành Ngôn ngữ học theo chuẩn của Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á (AUN). Với sự kiện này, Trường ĐHKHXH&NV đã tiến một bước trong hoạt động đánh giá bài giảng của giảng viên và kiểm định chất lượng đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế. Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng và văn hoá chất lượng đã trở thành những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường. Lần đầu tiên Trường thí điểm tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực hệ đào tạo chất lượng cao, các chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế và chuyên ngành Thạc sĩ Công tác xã hội. Cách thi này đảm bảo đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh một cách chính xác, toàn diện; đồng thời thúc đẩy đổi mới dạy và học theo hướng nâng cao chất lượng và phát huy khả năng sáng tạo của người học. Dự kiến, cách thi này sẽ được triển khai chính thức trong năm 2015. Trường tiếp tục tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc mở các ngành, chuyên ngành mới phục vụ nhu cầu xã hội trên nền tảng các ngành khoa học cơ bản mạnh của Trường. Một số chuyên ngành đào tạo sau đại học mới được triển khai như Tôn giáo học, Quan hệ quốc tế, Việt Nam học, Lịch sử tôn giáo Việt Nam… Bên cạnh đó, Trường tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo liên kết quốc tế có uy tín như: Thạc sĩ Tâm lí học Phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, Thạc sĩ Quản lí hành chính Công và doanh nghiệp (với ĐH Toulouse II, Cộng hoà Pháp), Thạc sĩ Quản trị truyền thông (với ĐH Stirling, Anh)… Đến nay, Trường có 22 ngành đào tạo cử nhân, 57 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Nghị định mới của Chính phủ về ĐHQGHN (11/2013) đã trao thêm nhiều quyền tự chủ cho các đơn vị thành viên, trong đó Hiệu trưởng các trường thành viên có quyền cấp và trao bằng tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh hoàn thành khoá học theo yêu cẩu của Nhà trường và ĐHQGHN. Cuối năm 2014, 46 tân tiến sĩ đầu tiên của Trường ĐHKHXH&NV đã nhận bằng do Nhà trường cấp. Cùng với đó, quy mô tuyển sinh bậc tiến sĩ tăng gấp hơn 2 lần. Với chủ trương giữ vững quy mô đào tạo ĐH và mở rộng quy mô đào tạo SĐH, Nhà trường tiệm cận dần các tiêu chí của một ĐH định hướng nghiên cứu, nâng dần hàm lượng nghiên cứu trong các hoạt động, đẩy mạnh sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu. |