Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội- tiền thân của ĐHQGHN (ảnh bên trái) và cuốn sách Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người
Những ngày đầu xuân Ất Mùi 2015, tôi vinh dự được GS, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức tặng hai cuốn sách, đó là "Tác phẩm Hồ Chí Minh - cẩm nang của cách mạng Việt Nam" và "Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người" xuất bản cuối năm 2014.
Nâng niu cuốn sách trên tay, tôi chia sẻ: “Vậy là thầy ra sách đúng dịp kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh của Bác Hồ, thật có ý nghĩa”. Ông thủng thẳng: “Năm nay, tôi đã ở tuổi 80 rồi, dự định làm hai cuốn sách này có cách đây khoảng 10 năm, nên cũng tìm mọi cách cố dấn cho hoàn thành bởi sợ nay mai sức khỏe không cho phép…”.
Cuốn "Tác phẩm Hồ Chí Minh - cẩm nang của cách mạng Việt Nam" là chuyên luận, tập hợp các bài viết của GS Hà Minh Đức trong khoảng hơn mười năm trở lại đây. Từ các bài báo đăng trên tờ "Người cùng khổ" qua "Bản án chế độ thực dân Pháp", khi Người còn hoạt động ở nước ngoài đến những bài nói, bài viết chính luận khi Hồ Chủ tịch về nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện hai cuộc kháng chiến vĩ đại, như "Tuyên ngôn độc lập", "Dân vận", "Sửa đổi lối làm việc", "Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân"…
GS Hà Minh Đức luận giải một cách khoa học tác phẩm Hồ Chí Minh là sự tổng kết bằng lý luận và thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng hơn nửa thế kỷ của Người. Hồ Chí Minh từng xem chủ nghĩa Lê-nin là “cái cẩm nang thần kỳ” và đến lượt các thế hệ cách mạng Việt Nam lại xem tác phẩm Hồ Chí Minh là “cẩm nang” lớn cho mọi thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước.
Còn trong "Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người", với vốn kiến thức phong phú, có hệ thống cùng với khả năng phân tích sắc sảo, chọn lọc tư liệu từ nhiều nguồn, GS Hà Minh Đức giúp người đọc cảm nhận về tầm thời đại của Hồ Chí Minh. Đó là quãng đời ba mươi năm bôn ba qua các châu lục mà xuất phát điểm là người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng, năm 1911, "lênh đênh bốn biển một con tàu" để tìm đường cứu nước. Chính cuộc đời "sóng gió trong than, bụi" của Bác nhằm "tìm khắp bóng cờ Châu Mỹ, Châu Phi, những đất tự do, những trời nô lệ…". Tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao ghềnh thác, không ngoài mục đích hướng tới mục tiêu: độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của đồng bào… đã làm nên tầm cao Hồ Chí Minh. Cống hiến toàn bộ cuộc đời cho dân tộc và nhân loại, với tầm cao văn hóa và sự thông tuệ có sức lan tỏa rộng lớn, Hồ Chí Minh đã được Tổ chức UNESCO vinh danh là "Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới" (năm 1990)…
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ hai từ trái qua) chủ tọa buổi khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam
tiền thân của ĐHQGHN ngày 15/11/1945 tại giảng đường lịch sử số 19 Lê Thánh Tông
Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đã được các GS Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Xuân Nhị khởi xướng. Nhưng, làm một cách có hệ thống trên nhiều phương diện về Bác phải kể đến GS Hà Minh Đức. Đến nay, sau hơn 35 năm giành tâm sức, trí tuệ, ông đã có gần mười đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoạt động giảng dạy ở bậc đại học (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), rồi giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn học, GS Hà Minh Đức có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu một cách sâu sắc về Bác với tư cách một nhà thơ, nhà văn.
Sau nhiều năm tích lũy tư liệu và nghiền ngẫm, năm 1979, GS Hà Minh Đức xuất bản cuốn "Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà thơ lớn của dân tộc" (trong cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã tái bản sáu lần). Đến năm 1985, ông viết tiếp công trình "Tác phẩm Văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh", (cũng đã tái bản năm lần).
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức (Ảnh: Bùi Tuấn)
Bằng sự cảm nhận và phân tích tinh tế, GS Hà Minh Đức đã chỉ ra tư tưởng xuyên suốt và nổi bật trong thơ, văn của Bác là tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do". Đây cũng chính là chủ nghĩa yêu nước của thời đại mới, là truyền thống anh hùng của dân tộc được phát huy cao độ và được vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam đúc kết thành chân lý. Bởi vậy, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trách nhiệm của văn nghệ phải là "vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà", rằng "Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"… vẫn là bài học thời sự hiện nay.
Mười năm làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), trong bộn bề công việc, năm 2000, GS Hà Minh Đức cho ra đời cuốn sách "Báo chí Hồ Chí Minh - chuyên luận và tuyển chọn" (cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh). Trên cơ sở xử lý hàng nghìn trang tư liệu tác phẩm báo chí của Người, kể từ những bài báo đầu tiên đăng trên tờ "Người cùng khổ" đến bài cuối cùng "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng" ký T.L (ngày 1-6-1969 trên báo Nhân dân). GS Hà Minh Đức khẳng định, Hồ Chí Minh không những đặt nền móng cho báo chí cách mạng mà Người còn là bậc thầy của các thế hệ làm báo cách mạng Việt Nam. Bởi, hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh đã tạo hiệu quả và tác động lớn lao đến tinh thần yêu nước của quần chúng; kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết chống phong kiến, đế quốc và loại trừ cái xấu, cái lạc hậu. Những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp được tính thời sự nhạy bén với khả năng bền vững trước thử thách của thời gian, và hàm chứa giá trị nhiều mặt… Một tư duy sắc sảo, một ngòi bút tài năng, một vốn tri thức giàu có và bản lĩnh vững vàng đã góp phần tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh - một phong cách độc đáo, giàu tính sáng tạo của báo chí thời kỳ hiện đại.
Đầu tháng 5 này, GS Hà Minh Đức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, ông tâm sự: Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ Tịch vẫn là đề tài chưa thể nào vơi cạn. Hy vọng, những người nghiên cứu và sáng tác trẻ, nay mai sẽ có thêm các công trình làm sâu sắc hơn tầm vóc Hồ Chí Minh…
|