GS Nguyễn Hữu Đức
|
Hệ thống này còn cung cấp thông tin về năng suất và chất lượng công bố trong nước của cá nhân các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN. Đây cũng là kênh thống kê hỗ trợ công tác quản lý KH&CN và đánh giá chất lượng của các tạp chí khoa học. Dân trí có trao đổi với GS. Nguyễn Hữu Đức – PGĐ ĐHQGHN, người dẫn dắt triển khai ý tưởng này.
Phóng viên: Thưa GS, xuất phát từ nhu cầu nào mà ĐHQGHN xây dựng hệ thống chỉ số trích dẫn này?
GS Nguyễn Hữu Đức: Mục tiêu đầu tiên là xây dựng một thư viện số, cung cấp tất cả các bài nghiên cứu công bố trên hệ thống tạp chí khoa học online của Việt Nam phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu.
Tuy nhiên, chúng tôi còn có một mong muốn xa hơn là thông qua hệ thống CSDL này và các công cụ trắc nghiệm phù hợp, có thể thực hiện các phân tích, thống kê phục vụ công tác quản lý khoa học.
Chúng ta biết rằng, quản lý nghiên cứu khoa học hiện nay, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đang thực hiện chủ yếu theo tiếp cận từ dưới lên (bottom up), chỉ dựa vào hồ sơ do các nhà khoa học cung cấp và ý kiến phản biện, đánh giá của các chuyên gia. Cách làm truyền thống này đảm bảo được tự do học thuật nhưng bị chi phối nhiều bởi các yếu tố chủ quan, tính minh bạch hạn chế.
Để khắc phục các bất cập đó, ngay từ năm 1955, thế giới đã có phương pháp đánh giá định lượng năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học bằng phân tích trắc lượng chỉ số trích dẫn. Phương pháp này rất hữu hiệu, khách quan và minh bạch, hỗ trợ chứng cứ cho phương pháp chuyên gia, tuy nhiên, cần phải có CSDL khoa học đầy đủ.
Với một CSDL khoa học như vậy, ngoài việc có thể đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của cá nhân các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN, còn cho phép phân tích, phát hiện các lĩnh vực, chủ đề nghiên cứu thời sự trên thế giới, dự báo xu hướng phát triển KH&CN tương lai.
Phóng viên: Theo cách tiếp cận đó, tình hình hiện nay trên thế giới ra sao thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đã và đang được xây dựng, phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia với quy mô đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và quản lý trong phạm vi một quốc gia mà đã vươn ra toàn cầu như hệ thống CSDL của ISI, Scopus, PubMed, Google Scholar.... Các quốc gia châu Á và nhiều nước Asean cũng đang xây dựng hệ thống chỉ số này (ASEAN Citation Index - ACI).
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống không chỉ dừng ở việc quản lý CSDL mà đã tích hợp nhiều công cụ phân tích thông tin tiện ích cho phép thống kê và đánh giá chất lượng, mức độ tác động, ảnh hưởng của công trình khoa học đã công bố, tạp chí khoa học, năng suất và chất lượng công bố của cá nhân nhà khoa học và cơ sở khoa học, thậm chí cả các chỉ số phát triển khoa học cơ bản của một quốc gia.
Phóng viên: GS có thể nêu một ví dụ về lợi ích của hệ thống các CSDL này đối với Việt Nam?
GS Nguyễn Hữu Đức: Công năng của chúng thì rất nhiều, nhất là đối với các nhà khoa học. Riêng đối với các nhà quản lý và cộng đồng thì thời gian vừa rồi chúng ta cũng đã được nghe nói đến nhiều rồi đấy. Nhờ hệ thống này mà chúng ta có thể thống kê được mỗi năm Việt Nam chúng ta có tổng cộng bao nhiêu bài báo khoa học công bố quốc tế.
Trong đó lĩnh vực này, đơn vị nọ, nhà khoa học kia có số lượng là bao nhiêu, trong những vấn đề gì. Rõ ràng và minh bạch lắm. Như con số vừa công bố năm 2015 Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 3000 bài báo quốc tế/năm chẳng hạn.
Vừa rồi chúng tôi cũng đã sử dụng CSDL này để phân tích 100 hướng nghiên cứu đang thời sự của thế giới và dự báo được 10 thành tựu KHCN của thế giới vào năm 2025 như: Khả năng giải quyết vấn đề an ninh lương thực dựa vào công nghệ ánh sáng và kỹ thuật hình ảnh; khả năng quản lý rủi ro bệnh tật dựa vào bản đồ ADN lúc mới sinh; cải thiện bệnh suy giảm mất trí nhớ nhờ nghiên cứu bộ gen người; Ngăn chặn bệnh tiểu đường loại I bằng kỹ thuật gen; phương pháp điều trị hướng đích giúp việc điều trị ung thư; giao thông hàng không sử dụng năng lượng điện mặt trời; kỹ thuật viễn tải lượng tử…
Phóng viên: Các vấn đề quốc tế thì chúng ta có khả năng tiếp cận, nhưng hình như đang có một nghịch lý nào đó trong chủ đề câu chuyện hôm nay, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Đúng rồi!. Nghịch lý đó là ở chỗ trong khi các bài báo khoa học của nhà khoa học Việt Nam công bố trong hệ thống tạp chí quốc tế có thể được thống kê, phân tích đầy đủ thì số bài báo công bố trong hệ thống tạp chí khoa học trong nước - một tài nguyên nội sinh, “của nhà trồng được” - thì đang bỏ ngỏ. Tài nguyên này chưa được hệ thống hóa và thống kê và phân tích một cách toàn diện, do đó việc đánh giá chất lượng công bố khoa học và chất lượng tạp chí khoa học trong nước trở nên rất hạn chế.
Với tình trạng không có một cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ cùng với những công cụ phân tích trắc lượng khoa học, khó đánh giá được năng lực nhà khoa học, chất lượng công trình khoa học, năng lực khoa học – công nghệ của một cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học.
Trong khi đó, Luật Khoa học và Công nghệ đã có quy định về đánh giá, xếp hạng tổ chức khoa học và công nghệ. Luật Giáo dục đại học cũng quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, trong thời gian tới, các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học đều phải triển khai thực hiện phân tầng và xếp hạng nên rất cần có CSDL để đánh giá.
Đồng thời, ĐHQGHN chúng tôi có Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia. Khi tiến hành đánh giá ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh số liệu về công bố khoa học ở trong nước.
Phóng viên: Vậy chức năng của hệ thống CSDL chỉ số trích dẫn Việt Nam là gì, thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Đức: Nói chung đây sẽ là hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp các bài báo (tóm tắt hoặc/và toàn văn) của các Tạp chí Khoa học Việt Nam xuất bản online. Phần mềm của hệ thống cho phép thực hiện các tìm kiếm, phân tích thống kê và trích xuất thông tin khoa học ở các cấp độ khác nhau, từ tác giả đến đơn vị; chủ đề đến lĩnh vực, nhóm lĩnh vực; thời gian xuất bản đến mức độ hợp tác nghiên cứu…
Bên cạnh mục đích học thuật, hệ thống còn cho phép xây dựng và công bố báo cáo thường niên về tình hình công bố khoa học trong nước; năng lực nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học; các định hướng khoa học đang được quan tâm ưu tiên…, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển.
Hệ thống cơ sở dữ liệu này cũng là thông tin hỗ trợ cho các Cơ quan tài trợ nghiên cứu xét chọn và đánh giá về mức độ trùng lặp của đề tài nghiên cứu và năng lực, thành tích nghiên cứu của ứng viên.
Chỉ số trích dẫn Việt Nam cũng có thể hỗ trợ Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nói riêng và các hội đồng nhân sự khoa học nói chung triển khai tin học hóa các quy trình tuyển chọn.
Ở một khía cạnh khác, thông qua chỉ số trích dẫn, chất lượng các Tạp chí Khoa học của Việt nam cũng sẽ được so sánh, đánh giá công khai và bình đẳng.
Phóng viên: Thưa GS hiện nay, CSDL này đang được tích hợp từ các nguồn nào?
GS Nguyễn Hữu Đức: Chúng tôi đang ưu tiên tích hợp CSDL của hệ thống hơn 300 tạp chí khoa học trong nước đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tính điểm công trình.
Sắp tới, chúng tôi cũng có kế hoạch tích hợp đến hệ thống tạp chí khoa học còn lại, nhưng có phân nhóm. Cũng phải nói rằng, hiện nay, đánh giá chất lượng và điểm của các tạp chí trong nước cũng đang hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp chuyên gia. Về cơ bản, các tạp chí của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo lớn, có truyền thống được đánh giá cao, còn các tạp chí của các đơn vị nhỏ, mới thì chưa có được sự tin cậy cao.
Chúng tôi hy vọng với cách tiếp cận mới này, cũng sẽ góp thêm phương pháp đánh giá định lượng hơn về chất lượng của các tạp chí khoa học trong nước. Tất cả các tạp chí đều phải nỗ lực đổi mới. Các tạp chí mới, của các đơn vị nhỏ nhưng có chỉ số trích dẫn tốt sẽ khuyến khích và đánh giá đúng.
Phóng viên: Thưa GS, khi nào thì CSDL chỉ số trích dẫn Việt Nam – VCI bắt đầu hoạt động chính thức?
GS Nguyễn Hữu Đức: Hiện nay, CSDL của gần 200 tạp chí trong nước đã được tích hợp trên hệ thống này. Cán bộ và sinh viên của ĐHQGHN đã bắt đầu có thể sử dụng CSDL này phục vụ tra cứu, phục vụ học tập và nghiên cứu.
Tuy nhiên, để xây dựng các báo cáo thường niên cần phải xử lý thêm một số khâu kỹ thuật do hệ thống website của các tạp chí khoa học trong nước đang áp dụng các chuẩn công nghệ rất khác nhau, thiếu đồng bộ và chuyên nghiệp. Kể cả cách thức trình bày, mức độ số hóa, xuất bản online cũng chưa đầy đủ.
Để có CSDL tốt cho cả giai đoạn từ 1970 đến nay, chúng tôi cũng rất cần sự hợp tác của các tạp chí khoa học trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang gấp rút chuẩn bị, trao đổi ý kiến chuyên gia để vào đầu năm học mới có thể công bố báo cáo thử nghiệm đầu tiên về số liệu bài báo xuất bản trong nước xuất bản online trong năm 2015 của các trường đại học Việt Nam.
Vietnam Citation Index mong nhận được sự chia sẻ, hợp tác và tham gia của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và đặc biệt của hệ thống Tạp chí Khoa học trong nước để phát triển và hỗ trợ sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam
Xin trân trọng cám ơn GS!
|