TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 21/09/2016 GMT+7
TS. Trịnh Thành Trung: Whitmore - Bệnh không hiếm gặp như lầm tưởng
Melioidosis (hay còn gọi là bệnh whitmore) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống chỉ sau 48 giờ nhập viện. Tỉ lệ tử vong khi nhiễm bệnh rất cao, từ 40 đến 100% tùy thuộc từng vùng.

TS. Trịnh Thành Trung (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp trong nước và Quốc tế tại Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu năm 2016 tại Cebu, Philippine

TS. Trịnh Thành Trung – Trưởng nhóm nghiên cứu vi khuẩn và Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN, một nhà khoa học vừa tham dự và báo cáo tại Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu lần thứ 8, tổ chức tại Cebu, Philippine chia sẻ, có những dự báo gây sốc tại hội thảo này. Báo cáo của TS. Direk Limmathurotsakul dự báo rằng “mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh whitmore và khoảng 4.703 ca tử vong”.

- Rõ ràng đây là những con số đáng báo động, thưa ông. Là người đã có trên 10 năm nghiên cứu về bệnh whitmore, ông nói gì về điều này?

Tôi thấy dự báo của các nhà khoa học rất đáng lưu tâm. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu hơn 10 năm và dựa trên dữ liệu công bố từ các nước trong khu vực, tôi chắc chắn một điều là bệnh whitmore không hiếm gặp như nhiều người lầm tưởng. Đây là một loại bệnh phổ biến ở một số vùng của Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị whitmore lần thứ 8 tại Cebu vừa qua, TS. Direk Limmathurotsakul cho biết, bằng việc sử dụng các thuật toán khoa học để dự báo về sự phân bố của vi khuẩn whitmore ở các lục địa và dự đoán số lượng người nhiễm khuẩn trên toàn thế giới, ông cảnh báo “bệnh whitmore đã có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người”.

Quang cảnh Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu năm 2016 tại Cebu, Philippine

- Theo kết quả nghiên cứu trước đây của TS., khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm bùng phát, gia tăng đột biến bệnh whitmore tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Đúng là theo ghi nhận của nhóm các nhà khoa học chúng tôi khoảng 70% số lượng ca whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.

Vài trăm ca bệnh whitmore đã được phát hiện chỉ sau một thời gian ngắn triển khai quy trình xét nghiệm bệnh tại các bệnh viện trong mạng lưới. Đa số bệnh nhân là nông dân, có độ tuổi từ 50 đến 70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mãn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi khi nhập viện.

Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian tháng 9, 10 và 11 là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới vì số lượng ca bệnh whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm.

- Sắp tới “mùa dịch whitmore 2016”, TS. có khuyến cáo gì về căn bệnh này tới cộng đồng?

Mùa dịch bệnh whitmore đang tới, những ai có triệu chứng về căn bệnh này cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có đủ năng lực xét nghiệm vi khuẩn whitmore để được chỉ định làm xét nghiệm. Tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ hướng dẫn.

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Tuy nhiên, ngay cả khi được chẩn đoán chính xác, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Đến nay bệnh whitmore vẫn chưa có văcxin phòng bệnh.

- Triệu chứng lâm sàng của whitmore biểu hiện cụ thể ra sao, thưa ông?

Thực tế, nhiễm khuẩn whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng và phức tạp, không có dấu hiệu đặc trưng và bác sĩ khó có thể chẩn đoán được bệnh dựa trên các dấu hiệu lâm sàng. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu mà bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân nhiễm bệnh và tiến hành lấy mẫu để gửi xét nghiệm vi sinh.

Mới đây, theo bác sĩ Ngô Thị Phương Nhung, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 11/8, bệnh nhân C. V. T. (Thanh Hóa) vào khoa trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, rét run, có biểu hiện suy gan, vùng phổi bị tổn thương nhiều, xuất hiện các ổ áp xe. Bệnh nhân 25 tuổi có tiền sử viêm cầu thận, nhập viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt và chân phải sưng to. Các bác sĩ tiến hành cấy máu, cấy dịch khớp gối phải để chẩn đoán bệnh. Hai lần đầu kết quả âm tính, đến lần cấy máu thứ 3 mới có kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh whitmore.

Còn TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, khoa đã tiếp nhận một số ca bệnh whitmore. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

Trong số các ca mắc bệnh whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa trong số họ có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

- Bệnh whitmore đến từ đâu, thưa ông?

Bệnh whitmore (hay còn gọi bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn sống ở trong đất hoặc trong nước bề mặt, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước trầy da khi tiếp xúc hoặc do hít phải các hạt bụi có vi khuẩn, hít phải nước nhiễm khuẩn khi bơi/đuối nước ở ao, hồ, sông và suối.

Bệnh whitmore đang bị "bỏ quên" tại Việt Nam bởi rất ít người để ý đến bệnh hay xét nghiệm phát hiện ra vi khuẩn.

- Theo ông, việc nhiều cơ sở y tế không xét nghiệm được bệnh whitmore này là do đâu?

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu hơn 10 năm và dựa trên dữ liệu công bố từ các nước trong khu vực, tôi chắc chắn whitmore không phải là bệnh hiếm gặp mà là một loại bệnh phổ biến ở một số vùng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế không xét nghiệm được bệnh này là do 3 lý do chính sau đây:

Một là, bệnh không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng điển hình gì trên lâm sàng, dẫn đến khó chẩn đoán được bệnh. Nhiều bác sĩ không có phản xạ nghi ngờ ca bệnh, nên không gửi mẫu xét nghiệm vi sinh, dẫn đến bỏ sót ca bệnh.

Hai là, chẩn đoán bệnh phải dựa trên xét nghiệm vi sinh. Tuy nhiên, nhiều cán bộ xét nghiệm vi sinh vẫn chưa có kinh nghiệm trong xét nghiệm vi khuẩn whitmore hoặc chưa được đào tạo phương pháp xét nghiệm vi khuẩn whitmore, dẫn đến bỏ sót ca bệnh.

Ba là, các thiết bị định danh vi khuẩn trong bệnh viện hiện nay như kít API, máy Vitek và máy Phoenix thường định danh nhầm vi khuẩn whitmore thành vi khuẩn khác, dẫn đến trả sai kết quả xét nghiệm, từ đó không định hướng được điều trị đúng.

- Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2019, với sự đăng cai tổ chức của Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN. Kế hoạch dự kiến sẽ tiến hành ra sao?

Tại Cebu vừa qua, Hội đồng Khoa học Quốc tế đã chính thức công bố Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2019. Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN và Viện Vệ sinh, Vi sinh và Môi trường Y học, Đại học Y khoa Graz, Áo sẽ là 2 cơ quan đồng tổ chức.

Cùng phối hợp tổ chức với chúng tôi là các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh trong cả nước.

Dự kiến Hội nghị sẽ có khoảng 400 nhà khoa học đến từ hơn 20 quốc gia tham dự và báo cáo.

TS. Trịnh Thành Trung trình bày kế hoạch tổ chức Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu năm 2019 tại Hà Nội

- Ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị lần thứ 9 tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu lần thứ 9 được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội cho các nhà khoa học, bác sĩ, cán bộ xét nghiệm vi sinh trong cả nước cập nhật các thông tin mới nhất về các tiến bộ của khoa học trong phát triển các kỹ thuật chẩn đoán nhanh, điều trị và phòng trừ bệnh whitmore.

Hội nghị bệnh whitmore toàn cầu lần thứ 9 là dịp để các nhà quản lý có cách nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn nữa về căn bệnh này, từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp cho nghiên cứu bệnh whitmore tại Việt Nam cũng như hỗ trợ các bệnh nhân bị nhiễm bệnh whitmore, vì đa phần bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore là nông dân nghèo.

- Trên phương diện nội dung, Ban tổ chức trù tính những gì cho hội nghị này, thưa ông?

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN tôi xin chia sẻ một số thông tin về hội nghị, trên phương diện khoa học như sau: Dự kiến Hội nghị sẽ chia ra làm 2 phần chính.

Phần 1 là workshop sẽ tổ chức 2 ngày, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia quốc tế đến giảng bài về các đặc điểm lâm sàng, cập nhật phương pháp mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh, hoặc báo cáo các ca bệnh điển hình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ giảng các bài liên quan đến phương pháp thực hành an toàn sinh học. Người tham dự sẽ có cơ hội thực hành các kỹ thuật mới trong xét nghiệm.

Phần 2 là phần hội nghị chính sẽ tổ chức 3 ngày, các nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế sẽ trình bày báo cáo mới nhất về các thành tựu khoa học đạt được trong các khía cạnh lâm sàng, dịch tễ học, xét nghiệm chẩn đoán, genomics và proteomics, bệnh học, miễn dịch học, vắc xin, sinh thái học và môi trường phân bố vi khuẩn.  

- Là nhà khoa học gắn bó với whitmore, ông thấy cần phải làm gì để khắc phục căn bệnh này?

Với 11 năm kinh nghiệm nghiên cứu bệnh whitmore, nhóm nghiên cứu của chúng tôi thấy được các “lỗ hổng” trong việc xét nghiệm tìm ra bệnh whitmore và xác định được một số giải pháp khắc phục điều ấy.

Điều thật sự cấp thiết hiện nay là ngành y tế cần phải đào tạo, trang bị và cập nhật những kiến thức cho đội ngũ cán bộ tuyến trung ương và địa phương để đảm bảo việc xét nghiệm và chẩn đoán chính xác bệnh whitmore, không bỏ sót ca bệnh.

Qua chẩn đoán chính xác bác sĩ sẽ điều trị bệnh theo đúng phác đồ kháng sinh khuyến cáo nhằm cứu sống bệnh nhân, giải quyết tốt hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trân trọng cảm ơn TS. về cuộc trao đổi vừa qua.

>>> Các công bố của TS. Trịnh Thành Trung về Whitmore trên các tạp chí quốc tế

- Highly sensitive direct detection and quantification of Burkholderia pseudomallei bacteria in environmental soil samples by using real-time PCR.

Trung TT, Hetzer A, Göhler A, Topfstedt E, Wuthiekanun V, Limmathurotsakul D, Peacock SJ, Steinmetz I.

- Improved culture-based detection and quantification of Burkholderia pseudomallei from soil.

Trung TT, Hetzer A, Topfstedt E, Göhler A, Limmathurotsakul D, Wuthiekanun V, Peacock SJ, Steinmetz I.

- Clinical and microbiological features of melioidosis in northern Vietnam.

>>> Các tin bài liên quan:

- Nâng cao cảnh giác trong xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh melioidosis

- TS. Trịnh Thành Trung: Whitmore - bệnh cũ bị bỏ quên

  Đỗ Ngọc Diệp (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ