TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 08/12/2016 GMT+7
Họp báo Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 - Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” sẽ được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/12/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Đây là thông tin được Trưởng Ban tổ chức Hội thảo - Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức thông tin tới các phóng viên, tại buổi họp báo do ĐHQGHN phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, 8/12/2016.

Cùng chủ trì Họp báo có ông Nguyễn Thành Chung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐHQGHN Vũ Minh Giang - Trưởng Tiểu ban 2 Nguồn lực văn hóa.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến đơn vị tổ chức, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, ĐHQGHN là đơn vị đầu mối tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại diện các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trên đã tham gia Ban chỉ đạo của Hội thảo.

Bên cạnh nội dung học thuật, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu; hướng tới việc quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu.

Nội dung của Hội thảo lần này tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn. Cụ thể là: Tiểu ban 1 - Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 - Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 - Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 - Chuyển giao tri thức và công nghệ;  Tiểu ban 5 - Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 - Biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các kết quả về chuyên môn sâu thuần túy, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình thì thông qua hội thảo sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lí của Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ có các buổi làm việc và bàn giao kết quả của hội thảo với các bộ, ban, ngành và cơ quan trung ương có liên quan.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho tổ chức Hội thảo về cơ bản đã hoàn tất. Ban Tổ chức Hội thảo nhận được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ trên 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự.

Trong khi các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học “truyền thống” thì Hội thảo lần này đã đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu. Càng ngày chúng ta càng nhận rõ vai trò của công nghệ và khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.

Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 này bố trí thành 6 tiểu ban nội dung, tập trung vào các nhóm lĩnh vực. Ban tổ chức giao cho 8 đơn vị thành viên của ĐHQGHN gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Kinh tế, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển và Viện Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tập hợp, tổ chức các “tiểu” hội thảo chuyên ngành này. Đây là các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín và có sự hợp tác quốc tế sâu rộng.

Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học Việt Nam học lần V, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở khắp năm châu đến trình bày các nghiên cứu của mình về Việt Nam, là sự kết nối và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đồng thời chia sẻ, ở trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40 nghìn bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Có nghĩa là các nhà khoa học trên thế giới có quan tâm đến các đối tượng nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu và giải pháp cho Việt Nam rất nhiều.

Đây là các lý do mà ĐHQGHN muốn tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.

Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta cũng tự tin vì trong top 10 các đơn vị nghiên cứu mạnh về Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất đã có tên 5 cơ sở của Việt Nam, lần lượt là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, Đại học Cần Thơ và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, 3 đơn vị đứng đầu Việt Nam là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch đề ra, các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.

Trong khuôn khổ của buổi họp báo, các nhà khoa học là trưởng các tiểu ban của hội thảo đã trả lời các câu hỏi của nhà báo. Dưới đây là một số thông tin được trao đổi:

GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Trưởng tiểu ban Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế (Tiểu ban 1) cho biết những chủ đề nổi bật sẽ thảo luận tại hội thảo như: Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực, Ngoại giao văn hóa, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương…

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT ĐHQGHN, thành viên Ban chỉ đạo Hội thảo, Trưởng tiểu ban Nguồn lực Văn hóa (Tiểu ban 2): Tiểu ban đã nhận được gần 200 bài nghiên cứu của các học giả đến từ nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Úc, Đức, Thái Lan. GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh, để nguồn lực văn hóa làm tốt vai trò động lực trong phát triển bền vững cần có sự tham gia, đóng góp trí tuệ của các nhà Việt Nam học ngoài nước, cũng như trong nước đồng thời thu hút sự đóng góp của các nhà Việt Nam học là người Việt Nam sống ở nước ngoài.

PGS.TS Lê Kim Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Trưởng tiểu ban Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (Tiểu ban 3): Tiểu ban đã nhận được gần 150 bài báo khoa học và sẽ tập trung thảo luận ở các chủ đề chính như: Chính sách và nguồn nhân lực giáo dục, Hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia và năng lực hội nhập của nguồn nhân lực, Giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, Công nghệ cho giáo dục tích hợp, Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và Xây dựng xã hội học tập. PGS.TS Lê Kim Long nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước với việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống quốc gia để kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; xử lý việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực trên phạm vi cả nước, bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối là một trong nhiều vấn đề sẽ được thảo luận tại hội thảo.

Tiểu ban Chuyển giao tri thức và công nghệ (Tiểu ban 4) do PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ làm Trưởng tiểu ban cho biết, chủ đề của tiểu ban là một trong những điểm mới của Hội thảo năm nay, Tiểu ban 4 đã thu hút được rất nhiều báo cáo của các chuyên gia đến từ các bộ ngành, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các tổ chức phi chính phủ. Các báo cáo tập trung vào việc đánh giá thực trạng phát triển của Việt Nam, so sánh với các nước trong khu vực và những nước có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển trong các lĩnh vực: Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), Hệ thống đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, Chuyển giao công nghệ, Sở hữu trí tuệĐào tạo nguồn nhân lực. Sự xuất hiện của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và công nghệ sản xuất trong tương lai là vấn đề “nóng” hiện nay đòi hỏi những chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng một số công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc cách mạng này; cũng như những chính sách, chương trình đào tạo, nghiên cứu và chiến lược về phát triển các lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ nano, vật liệu mới, năng lượng và tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học sẽ được các nhà khoa học đề cập đến trong hội thảo.

Tiểu ban Kinh tế và Sinh kế (Tiểu ban 5) do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế làm Trưởng tiểu ban đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế ở trong và ngoài nước cũng như một số bộ, ngành của Việt Nam. Tiểu ban đã nhận được 270 bài tóm tắt, 220 bài nghiên cứu toàn văn. Đặc biệt, trong số các diễn giả sẽ trình bày có các nhà khoa học nổi tiếng như GS. Hausmann đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ), GS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản), GS. Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore, GS. Ohno - Viện Sau đại học Quốc gia về Nghiên cứu chính sách  (GRIPS - Nhật Bản), PGS.TSKH Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…. Tiểu ban 5 còn có sự tham gia trình bày của các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực thực tiễn như Đại sứ Australia tại Việt Nam, TS. Claudio Dordi - Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), ông Phạm Hoàng Mai – chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ đề về Biến đổi khí hậu là tên của Tiểu ban 6 do GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN làm Trưởng tiểu ban. Nội dung thảo luận sẽ xoay quanh các vấn đề như: Đánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, chống chịu với thiên tai; kinh tế và các mô hình sinh kế thích ứng, đánh giá và dự báo phát thải khí nhà kính, các giải pháp, mô hình và kinh tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững. Tiểu ban 6 sẽ đón nhận các nhà khoa học nổi tiếng thế giới về Biến đổi khí hậu đến thảo luận trong suốt 2 ngày hội thảo.

 

 

  

 

 

 

 

 

>>> Các thông tin liên quan:

- Báo điện tử Tuyên Giáo: Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 sẽ diễn ra từ 15 - 16/12

- Nhân dân: Đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam

- Tiền phong: 700 nhà khoa học tham gia hội thảo quốc tế Việt Nam học

- Quân đội nhân dân: Đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam

- VOV: Hội thảo Việt Nam học thu hút hơn 800 nhà khoa học trong và ngoài nước

- Dân trí: Đã có 40.000 bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam

 Bùi Tuấn - Ngọc Diệp - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ