TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 09/05/2017 GMT+7
Cựu học viên Khoa Toán – Cơ – Tin học giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017
PGS.TS Toán học Nguyễn Sum ( Trường Đại học Quy Nhơn) đã trở thành một trong hai chủ nhân mới của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

PGS.TS Nguyễn Sum nguyên là nghiên cứu sinh từ năm 1992 của Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Năm 1994, nghiên cứu sinh Nguyễn Sum bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (sau này là tiến sĩ) tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN với đề tài “Tác động của toán tử Steenrod trên các bất biến modula và ứng dụng để xây dựng đại số lambda”, dưới sự hướng dẫn chính của GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng và PGS.TS Huỳnh Mùi.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (bên phải) và PGS.TS Nguyễn Sum

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng – giảng viên hướng dẫn của NCS Nguyễn Sum cũng là nhà khoa học giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần đầu tiên, năm 2014.

Kể từ Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần 1 đến nay,  Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là đơn vị đào tạo đầu tiên trong hệ thống các đơn vị đào tạo và nghiên cứu cả nước, có cả giảng viên và người học đều là chủ nhân của Giải thưởng danh giá này.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là trường đại học duy nhất của cả nước trong 4 năm liền đều có nhà khoa học là giảng viên và cựu học viên sau đại học giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Tiếp theo Giải thưởng năm đầu tiên 2014 với GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng là GS.TSKH Đinh Dũng – Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN, người đã từng làm giảng viên của Khoa Toán – Cơ – Tin học, giành Giải thưởng năm 2015. Năm 2016 là PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – giảng viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Năm 2017 là cựu nghiên cứu sinh Nguyễn Sum.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên là giải thưởng đầu tiên của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm tôn vinh các cá nhân và tập thể nhà khoa học có các công trình nghiên cứu xuất sắc được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Phỏng theo cách nói của Abraham Lincoln, đây là một giải thưởng của các nhà khoa học, do các nhà khoa học và vì các nhà khoa học. Đây là giải thưởng khoa học duy nhất ở Việt Nam do chính các nhà khoa học chọn ra, thông qua hai vòng xét duyệt bởi đại diện của chính mình là các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Nafosted và các chuyên gia phản biện có uy tín trong nước và thế giới. Quy trình xét chọn giải thưởng nghiêm ngặt, minh bạch và công khai và công bằng.

Nhà khoa học thứ 2 giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 là GS.TS Phan Thanh Sơn Nam thuộc Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua bốn năm, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày càng có uy tín trong cộng đồng khoa học, được các nhà khoa học rất quan tâm và tạo nên sự chý ý nhất định của xã hội. Cùng với các chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản của Quỹ Nafosted, giải thưởng đang khích lệ, cổ vũ các nhà khoa học đạt được nhiều hơn nữa, xuất sắc hơn nữa các kết quả nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế, góp phần đưa nền khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn nữa, rộng hơn nữa. 

Trên báo điện tử Tia sáng, GS.TSKH Đinh Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 có viết về 2 nhà khoa học nhận Giải thưởng như sau:

PGS. TS Nguyễn Sum được trao giải thưởng vì một bài báo dài 57 trang được công bố năm 2105 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu trên thế giới. Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, được rút gọn từ một tiền ấn phẩm 240 trang. Công trình khoa học này đã giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Nó được thực hiện hoàn toàn trong nước bởi một tác giả duy nhất. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990. PGS.TS Nguyễn Sum đang làm việc tại Đại học Quy Nhơn, nơi không phải là một trung tâm toán học của Việt Nam. Ông đã không chạy theo số lượng công bố công trình khoa học (số bài báo đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín có thể đếm trên đầu ngón tay) mà kiên trì theo đuổi bảy năm liền giả thuyết “hit” là một bài toán mở rất khó chưa có lời giải trọn vẹn trong lĩnh vực tô pô đại số. Kết quả nghiên cứu và Giải thưởng Tạ Quang Bửu là phần thưởng xứng đáng cho sự quyết tâm và kiên trì của PGS.TS Nguyễn Sum.

Giải thưởng được trao cho GS. TS Phan Thanh Sơn Nam là Giải thưởng Tạ Quang Bửu đầu tiên của ngành hóa học. GS. TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực Hóa học Kỹ thuật.  Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Đây là một công trình khoa học được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam do năm tác giả là người Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm: bài báo đã được trích dẫn 21 lần. Là một trong những nhà khoa học được phong học hàm giáo sư trước 40 tuổi, từ năm 2010 GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh công bố được 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên. Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã ghi nhận sự đóng góp quan trọng của GS.TS Phan Thanh Sơn Nam và nhóm nghiên cứu do Giáo sư dẫn dắt cho ngành Hóa học Viêt Nam bằng kết quả nghiên cứu xuất sắc mang tầm quốc tế.

>>> Các tin bài liên quan:

- GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng: Sự kiên trì nghiên cứu đã đem lại thành công

- 3 năm liền các nhà khoa học ĐHQGHN nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu

- Rơm rạ - “mỏ” ka li và công bố quốc tế

 

 

 Ngọc Diệp (tổng hợp) - Internet
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ