Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cùng Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì hội thảo; cùng tham gia chủ trì có Vụ trưởng Vụ Đại học Nguyễn Thị Phụng.
Hội thảo là một trong nhiều hoạt động nhằm triển khai Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 08/6/2017 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương tình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và thực hiện Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 11/8/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kì khóa XIV.
Hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học thu hút sự đóng góp ý kiến sôi nổi của đại diện các trường đại học khu vực phía Bắc, trong đó có 3 đại diện đến từ ĐHQGHN.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN Nguyễn Văn Nội đánh giá Dự thảo đã có nhiều điểm tích cực liên quan đến đổi mới quản lí nhà nước, quản trị đại học, đào tạo, … Đóng góp cho nội dung dự thảo về Hội đồng trường thì ông đề xuất Hội đồng trường tổ chức thực hiện qui trình bầu Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Phương án này có tính kế thừa và sẽ không lạc hậu. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng cần tăng thêm số lượng các giảng viên đến từ các Khoa trong trường trong Hội đồng Trường. Cùng với đó, ông đề xuất tỉ lệ các thành viên bên ngoài Trường chỉ nên ở mức 20%, ...
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nội đề xuất cần sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến hoạt động KHCN của các trường đại học trong dự thảo luật theo hướng đánh giá đúng những đóng góp của các đại học đối với sự phát triển KHCN của đất nước. Đối với ĐH cần có cả việc xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm và các phòng thí nghiệm khác.
Đồng tình với quan điểm của Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN Vũ Văn Tích cho rằng, cần gia tăng thêm các nội dung KHCN trong dự thảo. Về nội dung Hội đồng trường, ông Tích cho rằng cần qui định chi tiết về qui trình thành lập Hội đồng Trường.
Trưởng ban Vũ Văn Tích nêu ý kiến, cùng với căn cứ điều kiện đảm bảo chất lượng thì chỉ tiêu tuyển sinh của các đại học nên dựa trên căn cứ việc xếp hạng đại học. Bên cạnh đó, việc quản lí công tác tuyển sinh theo chất lượng đầu ra, dựa trên các yếu tố: số lượng đề tài khoa học công nghệ chuyển giao, đánh giá của doanh nghiệp và số lượng công bố quốc tế.
Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức cho rằng Dự thảo sửa đổi, bổ sung có một số sự thay đổi cơ bản so với luật hiện hành, theo hướng tích cực, có sự gắn kết với thực tiễn giáo dục đại học hiện nay. Ông đồng thời nêu góp ý đối với Ban soạn thảo cần chỉnh sửa và hoàn thiện lại định nghĩa về đại học, không nên định nghĩa theo hướng tiếp cận từ cơ cấu như hiện nay nêu trong dự thảo.Về phân tầng và xếp hạng đại học: cần quan tâm làm rõ khái niệm phân tầng, định hướng để xây dựng mục tiêu phát triển của các trường. Bên cạnh đó, Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức đề xuất, dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này cần tính đến mô hình đại học và trường đại học trong mối liên hệ với vấn đề tự chủ đại học; sự khác biệt của Hội đồng trường trong đại học 2 cấp. Ông Đức cũng đề xuất chỉ nên giới hạn thời gian đào tạo chuẩn tối thiểu để nâng cao tính chủ động của các trường, nhằm phù hợp với thực tiễn công tác đào tạo hiện nay.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các ý kiến đại biểu góp tập trung nhiều vào các vấn đề liên quan đến quy định giảng viên cơ hữu; nghiên cứu khoa học; mở ngành; đào tạo tiến sĩ; phân tầng, xếp hạng đại học; chính sách đầu tư; xã hội hóa giáo dục; văn bằng; thời gian đào tạo; cơ cấu tổ chức bên trong của đại học, trường đại học; quản lý đào tạo; sử dụng tài sản, tài chính của nhà trường.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học là một yêu cầu cấp thiết để kịp thời thể chế hóa những vấn đề của hệ thống giáo dục đại học, tạo động lực, bước phát triển mới cho các cơ sở giáo dục đại học (ĐH).
4 nội dung chính sách lớn tập trung trong Dự thảo (mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tăng cường tự chủ của các trường ĐH), Ban soạn thảo cũng đã tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, tiến hành điều chỉnh, bổ sung tổng cộng 36 Điều trên tổng số 73 Điều của Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, tinh thần chung là tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết: Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, cân nhắc, xem xét kỹ để xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung khả thi, đi vào cuộc sống, hiệu quả; tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế… Ban soạn thảo tiếp tục đón nhận, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, cũng tại ĐHQGHN, đã diễn ra Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với sự tham gia của đại diện 14 tỉnh, thành, địa phương khu vực đồng bằng Sông Hồng. |