TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 06/08/2018 GMT+7
Công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học áp dụng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo
Ngày 3/8/2018, tại Vĩnh Phúc, Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác đảm bảo chất lượng 6 tháng đầu năm 2018 dưới sự chủ trì của Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức và Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng, một số ban chức năng cùng toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Hội nghị tập trung vào các nội dung chính: sơ kết công tác xếp hạng; kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ nửa đầu năm 2018; các chỉ tiêu kế hoạch ĐBCL, đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng tại các đơn vị; các giải pháp thực hiện kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; Kiểm định chất lượng, thực hiện đánh giá, phân tầng các chương trình đào tạo…  để sinh viên sau khi ra trường được trang bị toàn diện cả kiến thức cơ bản và thực tế; Thảo luận, đề xuất các chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo chất lượng năm 2019.

Tại hội nghị, các chuyên gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học cùng các đại biểu đã thảo luận, phân tích, cập nhật hoạt động kiểm định chất lượng trong giáo dục ở các nước phát triển trên thế giới, gợi ý góc nhìn thực tế cho kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nói chung ĐHQGHN nói riêng có hướng đi mới toàn diện, đồng bộ hơn trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm, ĐHQGHN đã xây dựng và hoàn thiện các văn bản quản lý, điều hành quan trọng về công tác đảm bảo chất lượng, gồm: Quy định về ĐBCL giáo dục trong ĐHQGHN; Hướng dẫn Đánh giá chất lượng và KĐCL trong ĐHQGHN; Hướng dẫn Đánh giá chất lượng thông qua phản hồi từ các bên liên quan; Hướng dẫn So chuẩn chất lượng giáo dục.

Trong thời gian qua, các đơn vị thuộc ĐHQGHN đã củng cố và phát triển hoạt động của các trung tâm/ bộ phận đảm bảo chất lượng, bồi dưỡng năng lực, kĩ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng; 6 trường đại học thành viên và 3 Khoa trực thuộc hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo 05 tiêu chuẩn KĐCLGD của Việt Nam; Trường ĐHKHTN và Trường ĐHKHXH&NV hoàn thành 07 báo cáo tự đánh giá theo chuẩn AUN; các trường ĐH Công nghệ, Ngoại ngữ Khoa Quản trị Kinh sẽ hoàn thành trong quý 4 năm 2018 để chuẩn bị gửi cho Ban Thư ký AUN- QA. Viện đã tổ chức thực hiện đánh giá ngoài đồng cấp 5 chương trình đào tạo. 7 trường đại học và Khoa Luật đã thực hiện và báo cáo kết quả về các hoạt động cải tiến chất lượng hậu kiểm định ở cấp độ đơn vị đào tạo. Các hoạt động cải tiến chất lượng hậu kiểm định đều có minh chứng rõ ràng và có sự so sánh với giai đoạn trước kiểm định, đánh giá.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã thảo luận về việc triển khai và sử dụng ý kiến phản hồi của các bên liên quan như phản hồi của người học về giảng dạy học phần, về hoạt động hỗ trợ người học, về hoạt động hỗ trợ đào tạo và NCKH của Trung tâm Thông tin – Thư viện; các hoạt động liên quan đến xếp hạng QS,…

Điểm mới trong kỳ giao ban năm nay, hội nghị có đại diện ĐHQG Tp Hồ Chí Minh tham dự và trao đổi kinh nghiệm các vấn đề về Kiểm định chất lượng giáo dục mà ĐH này đã và đang thực hiện được có hiệu quả. TS.Nguyễn Quốc Chính ĐHQGH HCM chia sẻ: Việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học là xu thế tất yếu bắt kịp thời đại của cuộc cách mạng 4.0, theo công nghệ hóa, tin học hóa trong hoạt động. Đặc biệt trong đào tạo, các môn học online được đẩy mạnh; ở ĐHQGH HCM hiện nay, 20% tín chỉ dành cho online. Hệ thống Eleaning cho tất cả các môn học, tạo các forum, diễn đàn để sinh viên trao đổi online. Lấy số liệu đánh giá sinh viên, giảng viên bằng công nghệ. Mảng xếp hạng bằng số liệu qua hệ thống online, giúp các đơn vị giảm báo cáo. Khuyến khích các đơn vị tham gia kiểm định, tăng nghiên cứu sinh, tạo sức hút bằng cách, tăng học bổng, tạo nhiều đề tài nghiên cứu…..và nhất thiết phải có chính sách thu hút đầu tư để tăng cường nghiên cứu sinh.

Trao đổi chi tiết về vấn đề đổi mới sáng tạo trong kiểm định chất lượng giáo dục, Phó Giám đốc ĐHQGHN - Nguyễn Hữu Đức cho rằng: Công tác đảm bảo chất lượng nói chung và hoạt động kiểm định chất lượng nói riêng là hoạt động có tính phổ biến của hệ thống giáo dục đại học thế giới, khu vực và Việt Nam. Việc xây dựng các công cụ khảo sát ý kiến phản hồi phục vụ công tác kiểm định là việc làm cần thiết, song cần lưu ý thiết kế phiếu hỏi, chọn đối tượng lấy ý kiến, khâu triển khai để thu nhận được những ý kiến phản ảnh xác thực.

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh, trong thời gian tới, Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN, cũng như chuẩn quốc gia; Tăng cường các hoạt động mang tính nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng; Tiếp tục cải tiến, hoàn thiện đồng bộ các lĩnh vực chưa đạt chuẩn, tiếp tục thực hiện các nội dung hậu kiểm định; Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề quản lý chất chất lượng của các chương trình đào tạo sau đại học nhìn từ góc độ của công tác ĐBCL; Cần có những khảo sát học viên cao học, nghiên cứu sinh đa và đang học để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện các kế hoạch về đảm bảo chất lượng đã đề ra; Cải tiến đảm bảo chất lượng để phù hợp với thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đó là đổi mới sáng tạo trong giáo dục.

Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức khẳng định, trong bối cảnh thế giới bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức nghiên cứu, xác định định hướng phát triển thích ứng của các trường đại học. Đây được coi là giai đoạn đang trong thời kỳ chuyển đổi lớn. ĐHQGHN là đơn vị đi đầu trong công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, song cần tiếp tục có những quan tâm sâu sắc hơn nữa. ĐHQGHN phải tăng cường nội dung tập huấn cho kiểm định viên và đội ngũ cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng, có trách nhiệm để thực hiện đánh giá đúng chỉ tiêu của kế hoạch mà đại hội đảng đã đề ra.

Tại hội nghị, Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy đề xuất các giải pháp để hướng đến một ĐHQGHN có chất lượng ổn định, đồng bộ, có nhiều chương trình đào tạo mới phù hợp với thị trường lao động trong cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay. Trong công tác nghiên cứu cơ sở khoa học, xây dụng bộ tiêu chí và quy trình kiểm định chất lượng, xây dụng hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng, tiến hành kiểm định chất lượng, tổ chức đào tạo về đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục cho các đơn vị, tăng cường tập huấn xây dựng chất lượng giáo dục cho các đơn vị.

TS. Nghiêm Xuân Huy đặc biệt lưu ý tới các công tác hậu kiểm; các chương trình đào tạo cần phải có báo cáo cụ thể. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác đảm bảo chất lượng, các công cụ khảo sát và hướng dẫn triển khai sử dụng cho KĐCLGD của các đơn vị. Xây dựng tốt mạng lới cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, đối tác, nhà khoa học, nghiên cứu sinh có uy tín lớn; Xây dựng nội dung cho Website, thiết lập mạng lưới các đối tác để đặt liên kết đến các trang của ĐHQGHN.

ĐHQGHN đã và đang tiếp cận theo chuỗi kiến tạo, sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên, có thể mở các chương trình đào tạo mới, thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng các công nghệ lõi của CMCN 4.0. Trong nghiên cứu ĐHQGHN không chỉ quan tâm đến số lượng các công bố quốc tế nữa mà còn thúc đẩy việc đăng ký phát minh, sáng chế và đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của các nghiên cứu cơ bản đến các phát minh sáng chế thế nào.Trên cơ sở nền tảng đảm bảo chất lượng, các đơn vị phải chủ động thực hiện đáp ứng thích ứng với thế giới.  Theo đó, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo phải được thấm nhuần vào tất cả các bên liên quan (lãnh đạo, giảng viên, người học và người sử dụng lao động) để mang lại cho ĐHQGHN một đại học xứng tầm với cơ sở đào tạo định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực quy mô tiên tiến trên thế giới.

 Thùy Dương - Vũ Ngọc Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ