Tưởng nhớ Thầy, tôi xin được kể ra đây một số chuyện mà tôi nghĩ sẽ góp phần làm tăng lên tầm vóc của Thầy nhưng có thể nhiều người còn người chưa biết.
Hành trình vạn dặm của bộ giáo trình
Cuối năm 1975 tôi có may mắn được tham gia đoàn của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp vào công tác tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Khi ấy, trên danh nghĩa Miền Nam vẫn được điều hành bởi chính quyền quân quản các cấp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Phải nói dài dòng một chút như vậy mới thấy hết ý nghĩa của câu chuyện tôi muốn kế.
GS. Phan Huy Lê (bên phải) và GS. Vũ Minh Giang trong chuyến khảo sát đảo Lý Sơn năm 1977
Chuyện là thế này: Sau khi vào Sài Gòn, đoàn chúng tôi được bố trí ở ngay trong khuôn viên Trường Đại học Văn khoa. Tuy không lớn, nhưng trường có một tài sản quý được các thế hệ giáo sư và sinh viên rất tự hào là Thư viện. Chúng tôi được mời tới đó để thăm quan và làm thẻ đọc. Quả là một thư viện đáng ngưỡng mộ. Ở đây, lần đầu tiên tôi được thấy đầy đủ nguyên bộ các tập san như BEFEO (Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient), BAVH (Bulletin des Amis du Vieux Hué), BSEI (Bulletin de la Société d'Études Indochinoises)… Khi tới tủ đựng sách hiếm, đập ngay vào mắt tôi là hai quyển sách dày dặn với kích thước rất quen thuộc, được đóng bìa cứng cẩn thận. Tôi tới gần thì gần như không tin vào mắt mình khi đọc trên gáy hàng chữ Lịch sử chế độ phong kiến tập II mà tác giả là Phan Huy Lê. Cuốn kế bên là tập III cùng bộ do Thầy làm chủ biên. Tôi thắc mắc hỏi vị thủ thư, rằng Sài Gòn mới giải phóng, nhà trường vẫn còn chưa mở cửa trở lại, làm thế nào mà thư viện đã có được hai bộ giáo trình này nhanh như vậy?
Vị thủ thư cho biết những cuốn sách này đã hiện diện ở thư viện từ nhiều năm trước ngày Sài Gòn giải phóng. Như thấy được vẻ mặt ngạc nhiên và những cặp mắt tò mò của chúng tôi, thủ thư đã thong thả giải thích vì đâu mà tác phẩm của GS. Phan Huy Lê được đặt trong tủ sách quý của nhà trường sớm thế. Hóa ra đó là một câu chuyện dài và khá ly kì. Số là trong thời kỳ hai Miền còn bị chia cắt, mặc dù Trường Đại học Văn khoa hầu như không có liên hệ gì với Miền Bắc, nhưng một số giáo sư thường xuyên qua lại Pháp nên có dịp tiếp xúc và nhanh chóng nhận ra giá trị khoa học của những bộ sách này. Trường Đại học Văn khoa đã phải nhờ các học giả Pháp mua giúp một bộ qua đường Moskva.
Như vậy, bộ giáo trình của Thầy Lê đã vượt qua chặng đường gần 2 vạn km để từ Hà Nội đến được Sài Gòn vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Sự kiện này tự nó đã nói lên giá trị đặc sắc của công trình.
Có lẽ vì tên tuổi của GS. Phan Huy Lê đã vượt qua mọi ngăn cách đến với giới sử học Miền Nam sớm như vậy nên khi Thầy vào dạy ở Trường Đại học Văn khoa lần đầu tiên, thầy và trò nhà trường đã bày tỏ những thiện cảm đặc biệt. Duy chỉ có điều, theo như một giáo chức nói với tôi, là GS. Lê trẻ hơn rất nhiều so với hình dung của họ trước đó.
Lăng Hoàng đế cũng là sáng tạo của nhân dân
Có một câu chuyên hy hữu tôi cũng muốn kể ra đây để đông đảo mọi người hiểu thêm về cốt cách, trí tuệ và tài thuyết phục của GS. Phan Huy Lê. Tôi nhớ vào khoảng năm 1977, tôi làm phụ tá cho Thầy trong một chuyến khảo sát và giúp sinh viên năm cuối lấy tư liệu làm khóa luận tốt nghiệp ở Bình Trị Thiên. Đồng chí Trưởng ty Văn hóa tỉnh mời Thầy tới nhà ăn cơm. Trong câu chuyện, đồng chí đứng đầu ngành đề cập đến một vấn đề mà tỉnh đang hết sức khó xử. Đó là việc tu bổ các di tích liên quan đến triều Nguyễn. Trải qua thời gian và tác động của chiến tranh, nhiều hạng mục di tích (thành quách, đền miếu, lăng tẩm…) bị hư hại, xuống cấp thậm chí đổ nát, nhưng không được chính quyền ưu tiên giải quyết. Trong thời kỳ ấy điều này được coi là bình thường. Vừa bước ra khỏi chiến tranh chính quyền còn có trăm nghìn công việc cần phải xử lý.
Đúng lúc đó, tố chức UNESCO có nhã ý dành cho Huế một ngân khoản để khắc phục khẩn cấp tình trạng trầm trọng của một số di tích, trong đó có lăng hoàng đế Gia Long. Tưởng rằng đây là một cơ may, nào ngờ điều đó lại trở thành một tình huống khó xử. Có một vài đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh kiên quyết không đồng ý chủ trương nhận tiền tu bổ di tích với lý do: khi tỉnh còn đang phải giải quyết muôn vàn khó khăn thì không phải là lúc đi sửa chữa mồ mả cho vua quan phong kiến, nhất là vị vua đã từng “cõng rắn cắn gà nhà” (ý muốn nói vua Gia Long).
Trong tình thế khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, đồng chí Trưởng ty nảy ra sáng kiến nhờ GS. Lê thuyết phục các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Thầy đã nhận lời. Tôi không nhớ chính xác đến từng câu chữ, nhưng đại thể lập luận của Thầy như sau:
- Có thể chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo về việc không ưu tiên tu sửa di tích trong khi tỉnh còn vô vàn công việc cấp bách khác cần phải giải quyết, nhưng bảo tồn, tôn tạo di tích sớm muộn cũng phải làm. Tính chất gấp gáp của công việc như Ty Văn hóa đề xuất, không phải ở tính chất mà do mức độ khẩn cấp của công việc. Các di tích này nếu không có những biện pháp gia cố kịp thời có thể bị sập đổ, sẽ mất đi vĩnh viễn. Mai sau con cháu có thể trách cứ chúng ta về việc này.
- Thành quách, đền miếu, lăng tẩm của vua quan nhưng lại là kết tinh sức lao động của của những nguời thợ thủ công cả nước. Tôn tạo những di tích chính là giữ gìn những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật của dân tộc, những thành quả lao động của nhân dân.
- Chủ nhân những lăng tẩm kia bất kể là ai, đều là những nhân vật lịch sử. Công tội sẽ được lịch sử phán xét, nhưng dù có là nhân vật phản diện thì việc giữ lại được những di tích vật chất sẽ tốt hơn rất nhiều cho việc giáo dục so với việc sau này chỉ nói xuông…
- Tuy cần kíp như vậy, nhưng trong lúc tỉnh đang gặp khó khăn (nhất là dân còn đang thiếu ăn) cũng không thể ưu tiên kinh phí cho công việc này. Đây là khoản tiền của UNESCO tài trợ, không thể dùng vào việc khác. Nếu không nhận thì chúng ta sẽ bị đánh giá không tốt về nhận thức văn hóa.
Hiệu quả thật bất ngờ. Lập luận của GS. Phan Huy Lê đã thuyết phục được các vị lãnh đạo khó tính nhất. Tỉnh đã đồng ý nhận khoản kinh phí để kịp thời tu bổ cho những di tích đang dột nát. Câu chuyện này được đồng chí Trưởng ty, sau trở thành một cán bộ cao cấp[i], nhắc lại nhiều lần.
Những học trò Thầy không biết mặt
Trong cuộc đời làm thầy hơn nửa thế kỷ GS. Phan Huy Lê đã đào tạo biết bao thế hệ học trò. Dẫu nhiều như vậy nhưng khi gặp lại, dường như ai cũng có cảm giác Thầy vẫn nhớ mình. Chỉ cần nhắc một đặc điểm nào đó về lớp là Thầy liền nói hàng loạt những kỷ niệm gắn với tập thể ấy. Chẳng hạn, một sinh viên cũa K13 chỉ cần nói “em học lớp Trại Chuối” (địa điểm lớp sơ tán thời chiến tranh) là Thầy nhắc ngay đến việc “các cậu là lớp mình từng dạy trong chùa ở Cao Viên, Bình Đà”… Vậy mà có chuyện Thầy không “nhớ mặt” học trò.
GS Phan Huy Lê và GS Vũ Minh Giang tại Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Trong một lần đi công tác cùng Thầy, tôi được chứng kiến một cuộc hội ngộ khá lý thú. Đó là lần lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mời Thầy tới để tham vấn việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đô thị cổ Hội An. Trong buổi gặp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp đón rất nồng nhiệt, gọi thầy xưng em như thể là một sinh viên cũ. Mặc dù luôn tỏ ra rất lịch thiệp nhưng Thầy không có những cử chỉ khi gặp lại các sinh viên cũ ở các địa phương mà tôi thường thấy. Nhìn nét mặt tôi không khó để nhận ra rằng Thầy chưa từng gặp đồng chí này. Có vẻ cũng nhận ra sự lúng túng của Thầy và như chợt nghĩ ra điều gì, đồng chí Bí thư mới nhẹ nhàng nhắc lại hoàn cảnh đặc biệt của lớp học mà Thầy đã giảng. Đó là thời kỳ còn chiến tranh, đồng chí Bí thư khi ấy đang hoạt động bí mật trong nội thành nên khi ra Bắc học tập, mỗi khi lên lớp đều phải trùm kín mặt bằng một bao bố chỉ hở hai con mắt để xung quanh (kể cả giảng viên) không nhận ra. Nghe xong tôi thấy Thầy “À” lên một tiếng và câu chuyện trở nên thân thiết lạ thường. Qua câu chuyện có phần tình cờ này tôi mới biết Thầy từng được Học viện Nguyễn Ái Quốc mời giảng bài cho các lớp chính trị cao cấp, bao gồm cả những học viên đang hoạt động bí mật trong các thành phố. Đồng chí Bí thư là một trong số đó[ii]
Công việc của Thầy không chỉ là những gì mọi người thường thấy, mà còn cả những nhiệm vụ đặc biệt như thế.
“Cuộc chiến” ở Tasken
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Moskva thì có một đoàn học giả cao cấp của Việt Nam, trong đó có GS. Phan Huy Lê, sang Liên Xô tham dự một sự kiện khoa học quan trọng. Tôi đến thăm Thầy ở khách sạn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thì được biết mục đích đoàn sang lần này là tham dự một hội thảo quan trọng về vấn đề dân tộc sẽ tổ chức tại Tasken.
GS. Phan Huy Lê (bên trái) và GS. Vũ Minh Giang (bên phải) trước chuyến công tác Tasken
Thời kỳ ấy hệ thống lý luận trong giới học thuật ở các nước XHCN chủ yếu dựa vào các tác phẩm kinh điển của K.Marx, F.Engel, V.Lenin và G.Stalin. Về vấn đề dân tộc thì định nghĩa được Stalin nêu trong cuốn Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc với bốn tiêu chí “chung” là ngôn ngữ chung, lãnh thổ chung, sinh hoạt kinh tế chung và hình thái tâm lý chung biểu hiện ở trong một nền văn hoá chung được coi là chuẩn mực. Luận điểm quan trọng của Stalin trong định nghĩa này là nếu thiếu một trong bốn tiêu chí nêu trên sẽ không đủ điều kiện để trở thành dân tộc, mà sinh hoạt kinh tế chung phải gắn với thị trường toàn quốc, gắn với chủ nghĩa nghĩa tư bản. Nói cách khác, dân tộc không thể ra đời trước chủ nghĩa tư bản. Chiểu theo định nghĩa này thì Việt nam chưa có dân tộc theo đúng nghĩa của nó. Đây là điều giới học giả Việt Nam khó có thể chấp nhận. Điều khó khăn là giới học giả Liên Xô coi định nghĩa này là kim chỉ nam, nghĩa là nếu khác đi sẽ đồng nghĩa với “xét lại” lý luận kinh điển. Họ mời các học giả hàng đầu của Việt nam sang thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan để với lực lượng hùng hậu và bằng thực tế lịch sử của một nước chấu Á khá điển hình, thuyết phục các học giả Việt Nam thừa nhận “quy luật phổ biến”.
Khi gặp lại ở Moskva sau “chiến dịch Tasken” tôi thấy Thầy hồ hởi khác thường. Thầy kể cho tôi nghe diễn biến gay cấn suốt trong thời gian hội nghị và cuối cùng, các học giả Liên Xô đã bị thuyết phục ngược trở lại, rằng ở Việt Nam dân tộc ra đời sớm, ý thức dân tộc đã trưởng thành từ khi chưa có chủ nghĩa tư bản. GS. Phan Huy Lê đã có một tham luận rất quan trọng góp phần làm nên “chiến công học thuật”, nhưng có ý nghĩa chính trị to lớn này. Lập luận cơ bản của Thầy là dựa vào thực tế lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học cho các chuyên đề, bài viết và những quan điểm chủ đạo trong các công trình lớn về sự hình thành dân tộc Việt Nam.
Cần phải tiếp tục nghiên cứu về triều Nguyễn
Xin nói ngay đây không phải là lời GS. Phan Huy Lê mà là ý của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong buổi làm việc với Thầy.
Vào tháng 10 năm 2008 có một sự kiện từng thu hút sự quan tâm đặc biệt cả trong và ngoài nước. Đó là Hội thảo cấp quốc gia Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức. Với sự tham gia của hơn 600 đại biểu, trong đó có cả một số Việt kiều, Hội thảo đã nâng nhận thức khoa học về thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn lên một tầm cao mới. Đặc biệt, bài tổng kết Hội thảo sâu sắc và có tầm của GS. Phan Huy Lê đã ngay lập tức đã trở thành chỗ dựa cho những công trình nghiên cứu và bài giảng về thời kỳ lịch sử này.
GS Phan Huy Lê và GS Vũ Minh Giang trong cuộc khảo sát VQG Cát Tiên
Thế nhưng, ngay sau Hội thảo cũng bắt đầu xuất hiện một số ý kiến phản ứng gay gắt cho rằng những đánh giá về nhà Nguyễn, một triều đại phản động đã bị cách mạng lật đổ cần phải lên án là quan điểm có tính nguyên tắc. Ai nói khác đi hoặc đánh giá lại nhà Nguyễn là vi phạm nguyên tắc này và cần phải phê phán. Với cách đặt vấn đề như vậy, một số người đã viết bài xuyên tạc kết quả Hội thảo, đả kích GS. Phan Huy Lê, người được coi là linh hồn của Hội thảo. Không dừng lại ở đó, họ còn viết thư dưới danh nghĩa “tố cáo”, “kiến nghị” gửi lên các cấp quản lý và một số đồng chí lãnh đạo lãnh, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trong một chuyến công tác cùng Thầy ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận được điện thoại của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Không rõ ai đã tác động và tác động đến mức độ nào mà đồng chí nguyên Tổng Bí thư tỏ ra hết sức bức xúc. Sau một hồi suy nghĩ, Thầy quyết định phải trực tiếp gặp nguyên Tổng Bí thư. Tôi đã được cùng Thầy tới cuộc làm việc này.
Đúng như dự đoán, nguyên Tổng Bí thư đã phê phán rất gay gắt những quan điểm, những cách làm (không biết do ai đã cung cấp) nhằm “tìm cách chạy tội cho vua quan nhà Nguyễn”. Sau khi nghe ý kiến của đồng chí Đỗ Mười, GS. Phan Huy Lê đã trình bày với lời lẽ hết sức ôn tồn, bình tĩnh. Không một lời phê phán ngược trở lại những ý kiến phản ánh không đúng về Hội thảo hay tranh luận về quan điểm, Thầy tập trung nói ba ý:
- Nếu nhìn từ quan điểm duy vật lịch sử thì bất kỳ triều đại phong kiến nào cũng có thể chỉ ra những đóng góp với lịch sử và tìm ra những hạn chế (hay còn gọi theo cách dân gian là “công và tội”). Điều này hãy để cho lịch sử phán xét.
- Nhận thức là một quá trình mà lịch sử cũng không nằm ngoài quy luật này. Khi lịch sử lùi càng xa, nhìn nhân vật, sự kiện sẽ càng rõ hơn. Theo quan điểm đó, trên tinh thần Đổi mới của Đảng, nhiều vấn đề của lịch sử cần được xem xét lại một cách khách quan, khoa học hơn. Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX là một trong những giai đoạn có rất nhiều kết quả nghiên cứu mới cần được tổng kết và định hướng cho việc nghiên cứu tiếp theo. Hội thảo vừa tổ chức nhằm mục đích như vậy.
- Về đánh giá vai trò của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn thì những gì, nhưng ai có hạn chế, có có “tội” với dân tộc thì họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Phán xét của lịch sử luôn công bằng, không ai có thể bào chữa hay chạy tội cho họ được. Tuy nhiên, không thể vì những hạn chế mà phủ nhận mọi đóng góp. Công lao của các chúa Nguyễn trong việc tổ chức khai phá và xác lập chủ quyền trên vùng đất phía Nam là vô cùng to lớn. Nhà Nguyễn xây dựng một quốc gia thống nhất sau bao năm chia cắt và để lại một di sản văn hóa đồ sộ cho dân tộc là những đóng góp không hề nhỏ. Đặc biệt, sự nghiệp khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, nhất là dưới thời hai hoàng đế Gia Long và Minh Mạng, là hết sức lớn lao. Nếu hạ thấp vai trò lịch sử của các chính quyền này vô hình chung sẽ làm giảm giá trị những tư liệu lịch sử và pháp lý về chủ quyền của chúng ta.
Bằng thái độ khách quan khoa học và lập luận vững vàng, Thầy Lê đã hoàn toàn thuyết phục nguyên Tổng Bí thư khiến ông trở lại vẻ hồn hậu vốn có, cười và nói: Vậy thì các đồng chí cần phải tiếp tục nghiên cứu về triều Nguyễn.
*
* *
GS Phan Huy Lê là nhà sư phạm, nhà khoa học mang tầm vóc quốc gia và có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Để thấy hết những công lao và cống hiến của Thầy với đất nước, với nền sử học nước nhà và uy tín trong giới học giả quốc tế cần phải có những công trình nghiên cứu xứng tầm. Những mẩu chuyện trên đây chỉ là những góp nhặt trong một số lần được tháp tùng Thầy trong suốt 50 năm qua, tôi kể ra với hy vọng góp một vài chi tiết nhỏ giúp mọi người hiểu thêm về cốt cách, trí tuệ và đóng góp của Thầy trong những thời khắc và hoàn cảnh không phải ai cũng biết.
[i] Vị cán bộ cao cấp này là cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Trần Hoàn
[ii] Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng khi ấy là đồng chí Nguyễn Văn Chi.
>>> Các tin tức liên quan:
- Hàng ngàn người tiễn đưa Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê
- ĐHQGHN tiếp nối truyền thống đại học dân tộc từ ngàn xưa
- GS. Phan Huy Lê: người kiến tạo nhịp cầu giao lưu học thuật và văn hóa
- GS. Phan Huy Lê được bầu là thông tín viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp)
- Sách mới: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa – Tư liệu và sự thật lịch sử
- Công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – tiếp cận bộ phận” - bước đột phá về lý luận và phương pháp nghiên cứu KHXH&NV
- Hai công trình khoa học của ĐHQGHN nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ
- GS Phan Huy Lê tiết lộ chuyện phát hiện bản thảo 112 năm ở thư viện Pháp
- Pháp vinh danh giáo sư Sử học Phan Huy Lê
- GS Phan Huy Lê giành giải lớn “Vì tình yêu Hà Nội”
- Người phụ nữ phía sau GS Phan Huy Lê |