Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại hội thảo. Cùng dự có Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim, Hội trưởng Hội Thoái khê học quốc tế Lee Kwang ho, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Ryu Hang Ha,… cùng hơn đông đảo học giả ở trong và ngoài nước. Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn trình bày 6 luận điểm về Nho giáo với cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho rằng cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại nhiều lợi ích cho đời sống nhưng lại đặt ra những thách thức lớn đối với vấn đề nhân dục. Trước bối cảnh đó, các nhà khoa học xã hội và nhân văn cần nhìn nhận Nho giáo trong bối cảnh hiện đại để có những cách thức hiệu quả nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của thời đại 4.0. Tại hội nghị, các học giả đã trình bày các báo cáo tham luận xoay quanh chủ đề “Tính phổ biến và tính đặc thù của văn hoá Nho giáo”. Trước đó, từ năm 1976 đến nay, Hội nghị Quốc tế về Triết học Lý Thoái Khê đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật,…Đây là hoạt động nhằm quảng bá tầm quan trọng của việc nghiên cứu tư tưởng Nho giáo trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo hướng Phương Tây hoá. Hội nghị không chỉ là dịp để giới nghiên cứu và học giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc công bố những thành tựu nghiên cứu mới mà còn là dịp để những người tham gia chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận về cuộc đời và triết lý của danh nhân văn hoá Hàn Quốc Lý Thoái Khê. Với việc lần đầu tiên tổ chức một Hội nghị về Nho giáo và đặc biệt là triết học Lý Thoái Khê tại ĐHQGHN, đơn vị tổ chức mong muốn Hội nghị sẽ là tiền đề cho nhưng hoạt động giao lưu hợp tác học thuật trong tương lai giữa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN với các trường đại học, Viện nghiên cứu và Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế Lý Thoái Khê của Hàn Quốc. |