Viện Trần Nhân Tông ĐHQGHN là đơn vị khoa học phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đồng tổ chức hội thảo.
PGS.TS Lại Quốc Khánh – Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông ĐHQGHN đã tham gia trả lời các câu hỏi của báo chí và cho biết, hội thảo nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học trong và ngoài nước nhằm thảo luận, làm rõ thêm, đồng thời khai thác, phát huy những nội dung, giá trị đặc sắc trong di sản tư tưởng, văn hóa của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, đặt trong dòng chảy liên tục của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và định hướng tương lai, với không gian mở rộng từ dân tộc đến nhân loại, với tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, nghiên cứu trường hợp và nghiên cứu so sánh, v.v..
PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông trả lời các câu hỏi của nhà báo
Hội thảo thu hút được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học trong và ngoài nước, với 135 tham luận, trong đó có 34 tham luận của các học giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các tham luận tập trung vào các chủ đề:
- Hành trạng, đặc sắc tư tưởng, văn hoá của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm; vai trò, ảnh hưởng trong lịch sử, hiện tại và xu hướng tương lai.
- Phật giáo tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới - tiếp cận địa văn hoá và nghiên cứu so sánh.
- Phật giáo và các vấn đề đời sống con người đương đại.
Trong 2 ngày 6 và 7/11/2018, nhân 760 năm ngày đản sinh và 710 năm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đồng thời thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và kế hoạch tổ chức năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh và Viện Trân Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội trang trọng tổ chức một số hoạt động tưởng niệm, hội thảo khoa học nhằm góp phần vào việc nghiên cứu, khai thác và phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.
Đức vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị Hoàng đế thứ 3 triều đại nhà Trần, là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, là nhà tư tưởng, nhà văn hóa xuất sắc được hậu thế tôn vinh là Phật Hoàng. Ông là vị Hoàng đế lãnh đạo quân, dân Đại Việt hai lần đánh bại quân xâm lược Mông Nguyên, bảo vệ quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc, xây dựng vương triều nhà Trần và quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Ông còn là nhà tu hành chứng Đạo, để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc, có đóng góp to lớn cho lịch sử Phật giáo nói riêng, lịch sử văn hóa dân tộc nói chung, xây dựng Giáo hội Phật giáo thống nhất toàn quốc đầu tiên, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức, phục vụ Đại lễ đang được Ban tổ thực hiện đúng kế hoạch. Ban tổ chức Đại lễ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kết hợp với Viện Trần Nhân Tông - Đại học quốc gia Hà Nội, các cơ quan ban, ngành tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Uông Bí, UBND thị xã Đông Triều triển khai các nội dung tổ chức phục vụ Đại lễ như: công tác chuẩn bị nội dung hội thảo, trang trí khánh tiết, hậu cần phục vụ ăn, nghỉ, bảo vệ an ninh - trật tự, phòng chống cháy nổ, công tác chỉnh trang di tích, vệ sinh môi trường - an toàn thực phẩm, công tác thông tin tuyên truyền, ….
Trước đó, tháng 12 năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công Đại lễ tưởng niệm 700 năm nhập Niết Bàn của Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, từ đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nghị quyết lấy ngày 01/11 âm lịch hàng năm, ngày Nhập Niết Bàn của Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông là Đại lễ giỗ chung của Phật giáo Việt Nam.
Viện Trần Nhân Tông ĐHQGHN thành lập năm 2016 và thông qua các các công trình nghiên cứu chuyên sâu để khơi dòng chân đạo của Phật giáo, làm sáng tỏ thêm và đầy đủ thêm di sản tinh thần của Trần Nhân Tông, văn hóa đời Trần, thiền Trúc Lâm và văn hóa truyền thống Việt Nam. Thông qua hoạt động đào tạo, chủ yếu ở bậc Tiến sĩ, Viện sẽ đào tạo những người tu hành tài năng làm hạt nhân phát triển Phật học mang tính nhân văn. Viện sẽ tích cực hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa, học thuật trong và ngoài nước để củng cố đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
|
>>> Tin bài liên quan:
- Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”
- ĐHQGHN tổ chức Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông |