Nông nghiệp – lợi thế kinh tế căn bản của Việt Nam Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP. Đây là ngành có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và có lợi thế cạnh tranh số một của Việt Nam. Hiện nay, nhu cầu nông sản của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới không chỉ tăng về số lượng mà còn yêu cầu nghiêm ngặt hơn về chất lượng trong khi nguồn lực ngày càng khan hiếm. Dự đoán đến năm 2050, ước tính nhu cầu lương thực thực phẩm của người Việt Nam tăng 62%. Trong khi đó, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam chiếm 42% nhưng chỉ đóng góp khoảng 25% GDP. Nước ta được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện và thế mạnh về nông nghiệp. Tuy nhiên, theo các đánh giá, chúng ta chưa tận dụng được các thế mạnh này. Để phát triển nông nghiệp cần phát triển đồng bộ chuỗi cung ứng: canh tác, bảo quản, chế biến, logistics và marketing. Trong khi đó, nền nông nghiệp Việt Nam mới chú trọng chủ yếu vào khâu canh tác, các khâu còn lại chưa được quan tâm phát triển đúng mức nên giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Chính vì vậy, lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài chưa được như kỳ vọng. Nông nghiệp công nghệ cao – xu thế tất yếu của kỷ nguyên số Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ thông tin, điều khiển tự động hóa, truyền thông, công nghệ viễn thám, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học… trong lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nhằm góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị cao, an toàn và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Công nghệ nông nghiệp có thể được ứng dụng trên cánh đồng hoặc trong chuỗi cung ứng nông sản. Đặc trưng của nền nông nghiệp thông minh là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trường, vận chuyển, chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật; ứng dụng kết hợp các công nghệ điều hành, điều khiển, công nghệ vật liệu và công nghệ sinh học trong tổ chức nông trường; tự động hóa và thông minh hóa các hệ thống điều hành hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản từ nông trại đến bàn ăn để đảm bảo cho chuỗi thực phẩm nông sản diễn ra liên tục hiệu quả và bền vững. Các xu hướng công nghệ được nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp thông minh là: Quản lý nông nghiệp (quản lý chuỗi thực phẩm nông sản thông minh, ứng dụng phân tích dữ liệu và điện toán đám mây…), quản lý thiên nhiên và môi trường (công nghệ viễn thám, dự báo thời tiết và cảnh báo sớm thiên tai…), thủy lợi (công nghệ tưới nhỏ giọt theo nhu cầu), trồng trọt (hệ thống nhà màng điều khiển tự động, cảm biến…), chăn nuôi (gắn thiết bị cảm biến lên từng vật nuôi để theo dõi, xử lý chuồng trại bằng công nghệ cao)… Cùng với xu hướng chung của thế giới trong công cuộc phát triển nền nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, triển vọng và mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp 4.0 Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, nhân lực khối ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, có khả năng ứng dụng các công nghệ cao cũng như có hiểu biết và kỹ năng cả về công nghệ, nông nghiệp và quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐHQGHN đã phê duyệt và giao Trường ĐH Công nghệ mở chương trình đào tạo kỹ sư Công nghệ nông nghiệp bắt đầu tư kỳ tuyển sinh đại học năm 2019 với 60 chỉ tiêu. Chương trình đào tạo kéo dài trong vòng 4.5 năm nhằm đào tạo các kỹ sư công nghệ với các chuyên môn: công nghệ số, công nghệ điện tử, tự động hóa, công nghệ viễn thám, công nghệ nano, công nghệ sinh học… có các hiểu biết cần thiết về các lĩnh vực nông nghiệp – cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Ngành Công nghệ nông nghiệp được thiết kế với định hướng phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị cao, an toàn và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Kỹ sư ngành Công nghệ nông nghiệp có khả năng: Thiết kế, chế tạo, khai thác, vận hành, bảo trì các hệ thống thiết bị công nghệ sử dụng trong nông nghiệp và quản lý hệ thống nông nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng kỹ thuật điều khiển, công nghệ thông tin, truyền thông và tự động hóa; Phát triển và ứng dụng các quy trình công nghệ cho nuôi trồng đối với các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; phát triển các chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp; Hiểu biết về chuỗi giá trị nông nghiệp, thị trường công nghệ nông nghiệp trong nước và quốc tế, có khả năng quản lý các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống sản xuất nông sản và chất lượng nông sản. Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Nông nghiệp có thể đảm nhận các vị trí như: Kỹ sư công nghệ nông nghiệp kỹ thuật số tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao; Kỹ sư công nghệ sinh học nông nghiệp; Cán bộ quản lý dự án và tư vấn chính sách về nông nghiệp công nghệ cao ở các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Sở/Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở/Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nghiên cứu viên và giảng viên về lĩnh vực công nghệ và công nghệ nông nghiệp tại các cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp và công nghệ; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ nông nghiệp; các vị trí khác liên quan đến lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động và Công nghệ sinh học. Các chương trình thực tập sinh, thực tập nghề công nghệ nông nghiệp hưởng lương và việc làm quốc tế thu nhập cao tại các tổ chức quốc tế về Công nghệ nông nghiệp: Mỹ, Nhật, Israel …cũng đang khan hiếm nguồn lao động từ các khối ngành công nghệ nông nghiệp. Với cơ hội việc làm rộng mở, ngành Công nghệ nông nghiệp sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn và khả năng thích ứng nghề nghiệp hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. >>> Các tin tức liên quan: - Đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ nông nghiệp - Cổng Thông tin tuyển sinh ĐHQGHN - Thông tin tuyển sinh ĐHCQ năm 2019 của ĐHQGHN - [Infographic] Thông tin tuyển sinh đại học chính quy 2019 - [Infographic] Thông tin ký túc xá ĐHQGHN - [Infographic] Bảng quy đổi điểm các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế - Tuyển sinh 2019: ĐHQGHN mở mới 12 ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động - Tuyển sinh 2019: 20% sinh viên ngành Vật lý nhận học bổng và thực tập nước ngoài - [Infographic] Thông tin tuyển sinh ĐHCQ của Trường ĐH Công nghệ |