TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 17:10:18 Ngày 22/04/2019 GMT+7
Chương trình Tây Bắc: Ứng dụng công nghệ Nano trong canh tác cây ngô tại tỉnh Sơn La
Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây màu quan trọng nhất được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, đa dạng về mùa vụ gieo trồng và hệ thống canh tác. Cây ngô không chỉ cung cấp lương thực cho người, vật nuôi mà còn là cây trồng xóa đói giảm nghèo tại các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn.

 

Thực trạng cây ngô được trồng tại vùng Tây Bắc

Nhận thấy sự quan trọng của cây lương thực này, nhóm các nhà khoa học, do PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu công nghệ xử lý hạt ngô giống bằng một số nano kim loại để tăng năng suất thu hoạch của cây ngô tại một số địa phương vùng Tây Bắc.

Nhóm đề tài đã tham khảo và nghiên cứu trên nhiều tài liệu ở các nước khác nhau và đúc rút rằng, các nhà khoa học thuộc các nước phương Tây coi hoạt tính sinh học của các hạt nano được xác định bởi các tính chất vật lý và hóa sinh đặc trưng của chúng do hiệu ứng kích thước nano tạo ra, các nhà khoa học Nga xem các hạt nano kim loại như những hạt năng lượng, có khả năng tác động kích thích các tổ chức bên trong tế bào trong quá trình phát triển của thực vật. Nano sẽ kích thích hạt giống trước khi gieo trồng, cách tiếp cận đó đã cho phép các nhà khoa học nhóm đề tài sử dụng các liều lượng cực thấp của bột kim loại kích thước nano để kích thích hạt giống ngô trước khi gieo trồng.

Nắm bắt được tính ưu việt của nano kim loại, PGS.TS Hoàng Anh Sơn chủ nhiệm đề tài cho rằng, đây là công nghệ mới được ứng dụng trong việc xử lý hạt giống trước khi đưa ra trồng ngoài ruộng nương, nhằm kích thích nảy mầm, phát triển rễ, thân lá và tăng khả năng sinh trưởng, tăng năng suất cây trồng. Kết quả cho thấy các công thức được xử lý bởi nano kim loại giúp cây ngô sinh trưởng phát triển tốt.

PGS.TS Hoàng Anh Sơn chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện trong 2 năm vừa qua

Có thể nói, bước đầu ứng dụng của đề tài tăng năng suất thu hoạch của cây ngô tại một số địa phương vùng Tây Bắc, nhóm đề tài đã triển khai mô hình thực địa trên nhiều địa bàn khác nhau và đạt kết quả hạt giống xử lý nano kim loại đồng cho năng suất cao hơn đối chứng là gần 12%.

Sau thời gian triển khai 02 năm từ 2016 -2018, ngày 10/4/2019, tại Hà Nội, Văn phòng chương trình Tây Bắc, ĐHQGHN đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý hạt ngô giống bằng một số nano kim loại để tăng năng suất thu hoạch của cây ngô tại một số địa phương vùng Tây Bắc”. Đề tài do PGS.TS Hoàng Anh Sơn làm chủ nhiệm, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan chủ trì.

Đến dự buổi Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước gồm 9 thành viên do GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm chủ tịch. Cùng đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, Văn phòng chương trình Tây Bắc, ĐHQGHN và các đơn vị liên quan.

Các ý kiến trong Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, đánh giá đạt các tiêu chí, bám sát và cụ thể hoá định hướng mục tiêu theo đặt hàng, đây là đề tài mang tính đột phá trong ngành nông nghiệp.

Thông qua buổi nghiệm thu các ý kiến của các chuyên gia đánh giá cho rằng, đề tài đã đạt hiệu quả và có thể sớm chuyển giao nhân rộng.

Đại diện đơn vị đặt hàng, ông Nguyễn Minh Đức, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho rằng: đề tài đã thực hiện theo chu trình khép kín, tạo ra sản phẩm hiệu quả đem lại lợi ích nhất định cho ngành nông nghiệp nói chung và bà con tỉnh Sơn La nói riêng.

Ông chia sẻ, đề tài cần sớm chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp để triển khai nhân rộng mô hình này. Qua quá trình nghiệm thu sản phẩm, các chuyên gia đánh giá, đề tài đã ứng dụng khoa học công nghệ với chế độ canh tác hợp lý trên nền thổ nhưỡng của địa phương. Theo khảo sát thực tế, hiệu quả sử dụng công nghệ nano giúp Ngô tăng năng suất gần 20% so với mô hình cách gieo giống truyền thống của địa phương. 

Bên cạnh đó, Hội đồng đánh giá nghiệm thu kiến nghị nhóm thực hiện đề tài cần cập nhật chính xác số liệu thống kê khoa học liên quan, làm rõ phương pháp bố trí thí nghiệm. Đề tài nên triển khai trong thời gian 3 -5 năm để theo dõi kết quả ổn định về chất lượng sản phẩm, năng suất và hàm lượng tinh bột. Hiện nay, đề tài đã có nhiều địa phương đặt hàng trong đó có tỉnh Cao Bằng, tiếp tục thí nghiệm với các giống cây trồng khác như gừng, nghệ…, mở rộng phát triển sản phẩm nghiên cứu mang tính quốc tế.

Chương trình Khoa học và Công nghệ Phát triển bền vững vùng Tây Bắc (Chương trình Tây Bắc) là chương trình có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.

Đại học Quốc gia Hà Nội được giao làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chương trình từ năm 2013 đến năm 2018. Ban Chủ nhiệm Chương trình gồm 11 người do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN - làm Chủ nhiệm.

Giai đoạn 2013 – 2018, có 58 đề tài, dự án đã và đang triển khai 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

 

 Thùy Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ