TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 31/10/2019 GMT+7
Cách mạng tháng Mười và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam
Nhận định về ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.”[1]

 Những lý tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga
được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa với nhiều
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo về Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu sâu sắc lịch sử của Cách mạng tháng Mười nhằm rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực cho cách mạng Việt Nam. Trong thời gian từ tháng 6 năm 1925 đến tháng 7 năm 1927, tại các lớp huấn luyện thế hệ cán bộ cách mạng đầu tiên chuẩn bị cho sự nghiệp Dựng Đảng – Cứu Quốc, Người đã phân tích kỹ lưỡng từng chặng đường của cuộc cách mạng ở Nga, so sánh với các cuộc cách mạng nổ ra trước đó ở Pháp và Mỹ. Bằng cách đó, Người đã giúp cho các học viên thấm sâu nhận thức, rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam.”[2] Và: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin.”[3]

Hơn chín thập kỷ đi theo Đường kách mệnh – con đường của Cách mạng tháng Mười do Hồ Chí Minh do chỉ dẫn, dân tộc ta đã vượt qua mọi thử thách khốc liệt của lịch sử, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.[4] Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật cũng như trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc Đổi mới, chính những bài học của Cách mạng tháng Mười được Hồ Chí Minh đúc kết đã soi tỏ con đường cho cách mạng Việt Nam.

Trước hết, đó chính là tôn chỉ là mục đích tối hậu của cuộc cách mạng, rằng phải làm cho cách mạng “thành công đến nơi”, tức là phải làm cho “dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”. Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, khi mà “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc”[5] thì Hồ Chí Minh đề cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhưng ngay lúc đó, Người cũng khẳng định rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn gắn bó khăng khít với cuộc đấu tranh giải phóng con người, giải phóng xã hội, bởi vì “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[6] Tại phiên họp đầu tiên của Lâm thời Chính phủ, ngày 3 tháng 9 năm 1945, bên cạnh đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Hồ Chí Minh đã phát động cuộc đấu tranh chống “giặc đói” và “giặc dốt”, đồng thời yêu cầu tổ chức ngay cuộc tổng tuyển cử để toàn dân bầu ra quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, chính là vì muốn chăm lo đến đời sống của nhân dân và đảm bảo quyền tự do, bình đẳng “thật” của nhân dân. Đây cũng là điều Hồ Chí Minh tâm niệm, đau đáu cả đời. Đó là “ham muốn tột bậc” của Người và cũng là ý chí chính trị của toàn Đảng, bởi “ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.[7]

Cùng với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc soi đường
đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Ảnh: TTXVN

Thứ hai, theo Hồ Chí Minh, thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười đã chỉ ra cho các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam thấy rõ những yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự toàn thắng của cuộc đấu tranh lâu dài, vô cùng gian nan, phức tạp, nhưng hết sức vẻ vang. Yếu tố cốt lõi hàng đầu là “dân chúng làm gốc”. Thoạt nhìn qua, đây tưởng chừng như không có gì mới đối với những người Việt Nam yêu nước, bởi lẽ từ thế kỷ 13, Hưng Đạo Đại Vương đã từng căn dặn vua Trần: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước vậy”[8] Tuy nhiên, xem xét kỹ thì sẽ thấy toát ra từ trong bài học lịch sử mà Hồ Chí Minh đã đúc kết từ cuộc Cách mạng Nga: dân chúng ở đây không còn trừu tượng, chung chung mà chính là quần chúng nhân dân lao động, nòng cốt là công nhân và nông dân. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định rất chắc chắn: “công nông là người chủ cách mệnh”; “công nông là gốc cách mệnh”.[9]

Trong bối cảnh lịch sử đất nước ta hồi những năm 1920-1930, luận điểm nói trên của Hồ Chí Minh được chiếu rọi từ Lênin và Cách mạng tháng Mười đã mang lại những nhận thức khai sáng có tính đột phá đối với thế hệ các nhà lãnh đạo mới của phong trào yêu nước và cách mạng. Tuyệt đại đa số họ đều là trí thức xuất thân từ tầng lớp trên, tuy nhiệt thành yêu nước, quả quyết xả thân cứu nước, nhưng họ đang say sưa với các mẫu hình anh hùng cá nhân, chưa nhận ra được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân lao động. Nhờ được khai mở bởi tư tưởng mới của Cách mạng Nga mà ngay trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã dấy lên làn sóng “vô sản hóa” vào cuối mùa hè năm 1928. Nhờ có phong trào này mà lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, sâu rễ bền gốc ở khắp cả nước. Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập vào đầu năm 1930 chính là thành quả trực tiếp từ những phong trào này.

Quan điểm “công nông là gốc cách mệnh” càng ngày càng được Đảng ta hoàn thiện, phát triển thành lý luận về chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân – cẩm nang của dân tộc ta để đánh thắng các đế quốc hùng mạnh và hung ác nhất thế giới trong thế kỷ 20.

Yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất, đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam – theo như cách nói của Hồ Chí Minh khi đúc rút kinh nghiệm từ Cách mạng tháng Mười, là “phải có đảng bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất.” Trả lời câu hỏi “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, Hồ Chí Minh đáp: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi.” Người nhấn mạnh: “Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.”[10]

Làm thế nào để “đảng vững”? Hồ Chí Minh cho rằng đảng cách mạng “phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất” và do đó, phải có lý luận cách mệnh. “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Và Hồ Chí Minh khẳng định quả quyết, từ kinh nghiệm lịch sử của Cách mạng tháng Mười, rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin.”[11]

Có thể thấy bản chất và kinh nghiệm lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười đã thấm sâu, trở thành những điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh và trở thành ý chí, thành văn hóa chính trị, thành cẩm nang quyết thắng của Đảng ta, thành mục tiêu tối hậu và khát vọng của sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Còn nhớ, khi công cuộc cải tổ do Gorbachev khởi xướng ở Liên Xô mới bắt đầu, giới lãnh đạo và nhiều nhà khoa học Xô viết đã có xu hướng trở lại với Lênin và Cách mạng tháng Mười. Đó là xu hướng đúng, và họ đã tìm thấy trong tinh thần Chính sách kinh tế mới (NEP) nhiều chỉ dẫn lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng để đổi mới nhận thức luận về con đường quá độ lên CNXH và CNCS. Họ cũng tìm thấy khát vọng giải phóng và bình đẳng dân tộc của Cách mạng tháng Mười; thấy tầm nhìn chiến lược của bản Sắc lệnh hòa bình của Lênin vv. Tuy nhiên, Gorbachev và giới học giả Xô viết đã không nhìn thấy hai điều mà Hồ Chí Minh đã rút ra được từ những năm 1925-1927 – như đã phân tích ở bên trên. Họ đã không đặt nhân dân Liên Xô vào trung tâm của quá trình cải tổ; họ cũng không nhận ra tầm quan trọng của việc củng cố Đảng Cộng sản Liên Xô thành một đảng “bền gan, hy sinh, thống nhất”, đủ xứng tầm lãnh đạo sự nghiệp cải tổ. Đó chính là nguyên nhân đã dẫn đến sự thất bại của cải tổ, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bước vào công cuộc Đổi mới với những khó khăn, thử thách khốc liệt hơn Liên Xô và các nước Đông Âu hàng trăm lần: tình trạng đói nghèo tràn ngập khắp nơi; lạm phát ở mức gần 800%; bị bao vây, cấm vận tứ bề; lòng tin của nhân dân bị xói mòn nghiêm trọng, nhân tâm phân tán. Không ít người, kể cả những người từng đứng trong hàng ngũ của Đảng, hoài nghi, không tin vào thành công của sự nghiệp Đổi mới.

Trở về với Lênin, với Hồ Chí Minh, với tinh thần của Cách mạng tháng Mười và Cách mạng tháng Tám, khi đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi xướng sự nghiệp Đổi mới bằng phương châm “Lấy dân làm gốc”. Đại Hội VI (tháng 12/1986) của Đảng tuyên bố Đổi mới, ba chương trình kinh tế lớn đưa nông nghiệp, thủ công nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu lên thành “mặt trận hàng đầu”. Tất cả trước hết tập trung giải quyết những bức bách trong đời sống nhân dân. Chính sách khoán mới trong nông nghiệp và nhiều chính sách khác cũng nhằm “cởi trói”, giải phóng sức sản xuất và mở đường, giúp đỡ cho người dân tự làm chủ quá trình sản xuất và đời sống của mình. Chỉ trong thời gian ngắn, các khó khăn to như những dãy núi khổng lồ đã được giải quyết, lòng tin của toàn dân tộc được vãn hồi và củng cố. Việt Nam ngày càng vững bước trên đường đổi mới, thành công nối tiếp thành công – điều nằm ngoài mọi sức tưởng tượng của các thế lực thù địch và cả những phần tử “trở cờ”!

Luôn quan tâm đến người dân và đặt nhân dân vào vị trí trung tâm – vị trí chủ nhân đất nước – đó là bí quyết thành công quan trọng nhất, có ý nghĩa lâu dài, bền vững nhất của công cuộc Đổi mới.

Trong thực tiễn, không phải không có những lúc, những nơi nguyên lý “Lấy dân làm gốc” bị vi phạm – và mỗi lần như vậy chúng ta đều phải trả giá không nhỏ. Những cuộc biểu tình đông người ở Thái Bình hồi những năm 1996-1997, những cuộc xung đột kiểu “làng Nhô” ở nhiều nơi, các cuộc bạo động ở Tây Nguyên, Tây Bắc, nhiều cuộc khiếu kiện đông người, kéo dài, như ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm vv… là những sự cố khiến cho bài học về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, giữa Dân với Nước càng thêm thấm thía.

Trong suốt chặng đường hơn 30 năm Đổi mới, Đảng ta luôn đặt công tác củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh lên thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ ưu tiên với tầm quan trọng sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, với sự tồn vong của chế độ. Xây dựng Đảng là công việc to lớn, với nhiều nội dung, nhiều phương diện, nhưng trước hết là phải xây dựng bản lĩnh chính trị của Đảng – tức là Đảng phải “bền gan”. Trong chiến tranh và cách mạng, Đảng đã được tôi rèn nhiều, song các thử thách trong thời kỳ hòa bình xây dựng, nhất là trong Đổi mới, phải tự phủ định mình, đổi mới mình để vươn lên giữa lúc các đảng cầm quyền ở các nước XHCN bị sụp đổ hàng loạt mới thực sự là thử thách gay go nhất. Nhưng, với bản lĩnh và trí tuệ vô song, Đảng ta đã kiên trì và linh hoạt chèo lái con thuyền Đổi mới qua mọi thách ghềnh.

Đảng ta không chỉ “bền gan”, mà Đảng ta còn luôn duy trì được sự thống nhất, đoàn kết cao, được gìn giữ “như gìn giữ con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết, thống nhất không có nghĩa là từ bỏ phê bình, đấu tranh, mà trái lại, Đảng ta đã xác định được những bước đi phù hợp của công cuộc “chỉnh đốn lại Đảng”, càng ngày càng kiên quyết, càng ngày càng gắn liền với quá trình củng cố, xây dựng Đảng toàn diện, vững chắc hơn. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm cho Đảng trong sách, liêm chính, đạo đức, văn minh hơn đang ngày càng làm cho nhân dân vững tin hơn vào Đảng. Đó chính là điểm cốt yếu đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hơn một thế kỷ qua, nhất là từ khi Liên Xô sụp đổ, nhiều thế lực đã và đang dùng nhiều thủ đoạn xuyên tạc, bôi đen, hạ thấp ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 ở nước Nga. Tuy nhiên, tất cả những thủ đoạn đó của họ đều thất bại. Nhân loại tiến bộ đến nay vẫn luôn đánh giá cao – một cách khoa học và công bằng – khát vọng và đóng góp của Cách mạng tháng Mười vào hành trình chung của nhân loại đi tới tự do, bình đẳng, hòa bình và tiến bộ xã hội. Trong sách giáo khoa lịch sử ở hầu hết các nước phương Tây, bài học về Cách mạng tháng Mười vẫn được mang đến cho thế hệ trẻ để truyền cho họ cảm hứng và khát vọng đấu tranh vì một thế giới công bằng, bình đẳng và tiến bộ.

Một số trang trong một cuốn sách giáo khoa lịch sử Gymnasium xuất bản ở Đức năm 2019

Đối với Tổ quốc ta, dân tộc ta, Cách mạng tháng Mười đã và mãi là “mặt trời chói lọi” soi sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng xã hội. Kinh nghiệm và những bài học lịch sử ở tầm trí tuệ của thời đại đã được Hồ Chí Minh đúc kết và được Đảng và nhân dân ta vận dụng thành công trong đấu tranh cách mạng và trong công cuộc Đổi mới hiện nay. Niềm tin và khát vọng của cuộc cách mạng “xông lên đoạt trời” của công, nông, binh Nga năm 1917 là hành trang vô giá của nhân loại và của dân tộc ta trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và phát triển bền vững.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia , Hà Nội, 2002, tr. 300.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia , Hà Nội, 2011, tr. 304.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, sđd, tr. 304.

[4] Lời bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 113.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 64.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401.

[8] Đại Việt Sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 79.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 288.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 289.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 289.

 

 GS.TS. Phạm Hồng Tung - ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ