Tham dự Hội thảo có đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các nhà khoa học, các bác sĩ điều dưỡng, các cán bộ dinh dưỡng đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện của Hoa Kì, Nhật Bản, Việt Nam, ...
Hội thảo tập trung vào một số chủ đề liên quan đến: Đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế dinh dưỡng; Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế dinh dưỡng; Dinh dưỡng lâm sàng và liệu pháp dinh dưỡng.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa Y Dược – Giám đốc Bệnh viện E Lê Ngọc Thành cho biết, với mục tiêu phát triển thành Trường ĐH Y Dược thuộc ĐHQGHN vào năm 2020, để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện tại và thành trường trong tương lai, đảm bảo cả về qui mô và chất lượng nhanh chóng tiếp cận trình độ trong khu vực và quốc tế mà ĐHQGHN đề ra, Khoa cần phải có sự đổi mới về bộ máy tổ chức, hoàn thiện các bộ phận, đơn vị chuyên môn nhằm phát huy tính chuyên môn hóa sâu tới từng bộ phận, đơn vị trực thuộc khoa, tạo ra bước đột phá mới trong việc xây dựng thương hiệu của Khoa nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
Việc thành lập Bộ môn Dinh dưỡng lâm sàng và y học gia đình là một trong những bộ môn của Đề án thành lập Trường ĐH Y Dược vào năm 2020, đa dạng các loại hình đào tạo, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Khoa cũng như của ĐHQGHN với các cơ sở đâò tạo nghiên cứu về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng – tiết chế trong nước và nước ngoài.
Ở nước ta trong những năm gần đây tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện nhưng đồng hành với sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng có xu hướng gia tăng như béo phì, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp trong đó vai trò của chế độ ăn đã được chứng minh là có đóng góp quan trọng.
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải chúc mừng và đánh giá cao định hướng phát triển của Khoa Y Dược, ĐHQGHN khi tham gia đồng tổ chức hội thảo nhiều ý nghĩa này. Theo ông, lịch sử nhân loại ghi nhận 3 nguyên nhân làm cho loài người chết nhiều nhất là chiến tranh, dịch bệnh và chết đói, song thực tiễn đời sống hiện nay có thêm nguyên nhân dẫn đến cái chết là do ăn quá nhiều. Các bệnh mỡ máu, béo phì, đái tháo đường đều do ăn nhiều quá gây ra. Quan tâm đến dinh dưỡng là điều cực kì quan trọng và cấp bách hiện nay.
Việc thành lập bộ môn dinh dưỡng của Khoa Y Dược rất phù hợp với xu hướng và chủ trương chung của Bộ Y tế hiện nay. Mỗi cá nhân có một lịch sử phát triển khác hẳn nhau nên phương pháp tiếp cận cá thể hóa là cực kì quan trọng. Đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học theo cách tiếp cận cá thể hóa đồng thời chủ trương hoạt động của ĐHQGHN trong năm hoc này.
Trong những năm gần đây, Khoa Y Dược, ĐHQGHN đã qui tụ được rất nhiều nhà khoa học, bác sĩ hàng đầu của Việt Nam về làm việc tại Khoa. Các nhà khoa học, giảng viên có tầm nhìn xa, đóng góp vào sự phát triển của xã hội và đất nước. Bên cạnh việc quan tâm đến nội khoa, ngoại khoa, Khoa Y Dược tiếp tục quan tâm đến dinh dưỡng - tiết chế, góp phần vào xây dựng cuộc sống khỏe mạnh, sống tốt, sống chất lượng của mỗi cá nhân.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung như: Lịch sử chính sách và thực hành dinh dưỡng tại Nhật Bản, vai trò của cán bộ dinh dưỡng tại Mỹ, cá nhân hóa dinh dưỡng từ góc độ di truyền học và một số kết quả nghiên cứu về gen nhạy cảm với bệnh liên quan đến dinh dưỡng tại Việt Nam, cập nhật điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại khoa, cá thể hóa trong dinh dưỡng,…
Cá thể hóa dinh dưỡng là chuyển đổi từ tư vấn chế độ dinh dưỡng chung cho tất cả các đối tượng trong cộng đồng sang tư vấn chế độ dinh dưỡng và lối sống đặc thù cho mỗi cá nhân, dựa trên đặc điểm cá nhân, bao gồm yếu tố hành vi (cách lựa chọn thực phẩm, thói quen ăn uống, yếu tố tâm lý, tình trạng thể lực,…) và yếu tố sinh học (cân nặng, chiều cao, gen di truyền,…). Mục đích của cá thể hóa trong dinh dưỡng là thay đổi lâu dài về hành vi trong chế độ dinh dưỡng theo hướng có lợi cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những mô hình đào tạo về dinh dưỡng tại Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nếu như hiện nay tại Việt Nam đã triển khai mô hình đào tạo cử nhân dinh dưỡng 4 năm thì tại những nước như Hoa Kỳ, các mô hình đào tạo để trở thành một cán bộ dinh dưỡng khá đa dạng, bao gồm đào tạo ở các trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, …
Đặc biệt, bên cạnh yếu tố lý thuyết thì yếu tố thực hành trong các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe rất được coi trọng để đẩy mạnh kỹ năng và tay nghề. Sinh viên được yêu cầu phải có tối thiểu 1.200 giờ thực hành tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ thực phẩm, v.v.
Còn tại Nhật Bản, ngành dinh dưỡng đã được bắt đầu từ năm 1925, hiện có hơn 300 trường đại học và cao đẳng đào tạo nghề dinh dưỡng. Nhật Bản hiện có khoảng 1 triệu cán bộ dinh dưỡng và tỷ lệ cán bộ dinh dưỡng là 1:1.000 dân, tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới, góp phần đưa đến những tiến bộ ngoạn mục về dinh dưỡng của Nhật Bản.
Tại Việt Nam, mặc dù cá thể hóa dinh dưỡng là một khái niệm còn tương đối mới mẻ nhưng tại nhiều bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, dinh dưỡng lâm sàng – dinh dưỡng điều trị đã và đang được áp dụng và đóng góp hiệu quả, tích cực vào việc tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị. Trong đó dinh dưỡng mang tính cá thể hóa ngày càng được đẩy mạnh và cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.
>>>>> Các thông tin liên quan:
- VNU - SMP: Chủ nhiệm Khoa Lê Ngọc Thành và Phó Chủ nhiệm khoa Trần Bình Giang nhận giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019 lĩnh vực y dược
- Bước tiến ngoạn mục trong mổ tim: Từ mổ ‘phanh ngực’ đến đường mổ chỉ 1,5 cm
- Người đưa “phẫu thuật quý tộc” của châu Âu “phủ sóng” khắp Việt Nam
- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kiêm giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược - ĐHQGHN
- Các bác sĩ ngoại khoa hàng đầu Việt Nam là giảng viên của sinh viên Khoa Y Dược, ĐHQGHN
- 81 Tân Dược sĩ, Bác sĩ Khoa Y Dược nhận Bằng tốt nghiệp năm học 2018
- Khoa Y Dược hướng tới chuẩn quốc tế |