TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 12:26:23 Ngày 30/11/2019 GMT+7
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày sản phẩm của ĐHQGHN tại triển lãm thành tựu Khoa học và Công nghệ
Sáng 30/11/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vinh dự là một trong những đơn vị tham dự Triển lãm thành tựu Khoa học và Công nghệ và được đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm quan tại gian trưng bày sản phẩm của ĐHQGHN. Triển lãm nằm trong khuôn khổ của Lễ kỷ niệm kỉ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

 

 

Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao cắt băng khánh thành triển lãm 60 năm Khoa học Công nghệ

 

Sau khi cắt băng khai mạc sự kiện, Thủ tướng thăm quan các gian hàng công nghệ tại triển lãm. Dừng lại khá lâu trước gian trưng bày của ĐHQGHN, Thủ tướng nghe giới thiệu về sản phẩm Khoa học Công nghệ của ĐHQGHN. Ông bày tỏ sự ấn tượng với nghiên cứu về  Rô bốt hướng dẫn viên do Đại học Quốc gia nghiên cứu.

 

 

 Gian trưng bày sản phẩm của ĐHQGHN tại Triển lãm thành tựu khoa học và công nghệ

 

Triển lãm có sự tham gia của 55 gian hàng là các các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức KH&CN tiêu biểu có nhiều thành tích trong hoạt động KH&CN, có sản phẩm, dịch vụ đã được ứng dụng thành công. Khu vực triển lãm này sẽ được chia theo các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, y dược...

 

Hàng trăm sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQGHN được trưng bày tại Triển lãm trong 2 gian hàng vị trí C2 và C3. Khách tham quan đều rất quan tâm đến sản phẩm như: Rô bốt hướng dẫn viên, Phát triển hệ thống vi lỏng kết hợp aptamer và cảm biến trở kháng nhằm phát hiện tế bào ung thư..... cùng nhiều sản phẩm khoa học công nghệ nhân văn, khoa học sự sống.

 

 

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn giới thiệu về các sản phẩm KHCN của ĐHQGHN

 

ĐHQGHN có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

 

Là một tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu của đất nước, ĐHQGHN luôn thúc đẩy các hoạt động KH&CN, phát triển thành đại học định hướng nghiên cứu và hỗ trợ khởi nghiệp.Tầm nhìn của ĐHQGHN 2030 là trở thành đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao. Trong đó, một số trường đại học, viện nghiên cứu thành viên thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến châu Á.

 

 

Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại gian trưng bày sản phẩm của ĐHQGHN

 

Hiện ĐHQGHN có 2.300 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, trong đó có hơn 1.200 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 81 giáo sư, 385 phó giáo sư, 41 tiến sĩ danh dự; 137 nhà giáo ưu tú và 62 nhà giáo nhân dân. Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã vinh dự đón nhận 3 giải thưởng quốc tế, 18 giải thưởng Hồ chí Minh, 11 giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng của các Bộ, ngành về Khoa học công nghệ.

 

Các hoạt động KHCN đang được kiến tạo, quản lý và tổ chức theo mô hình 4P.

-Purpose - Quản trị theo Mục tiêu

-Priorities – Phát triển Ưu tiên

-Products (Publication, Patent, Policy Consultation) - Gia tăng các sản phẩm KH&CN chất lượng cao

-Partners – Hợp tác phát triển tiềm lực

 

Một số thông tin về các sản phẩm khoa học và công nghệ của ĐHQGHN

 

1. Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp

Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2017 của GS.TSKH. Thân Đức Hiền và các cộng sự, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

Cụm công trình đã cung cấp các hiểu biết mới về vật lý cơ bản các hiện tượng và cơ chế từ tính điển hình của các vật liệu R-T, góp phần nắm bắt quy luật và khả năng điều khiển các tính chất từ của vật liệu cao cấp chứa đất hiếm. Làm chủ công nghệ chế tạo các nam châm vĩnh cửu chứa đất hiếm cao cấp sử dụng nguyên liệu đất hiếm nước ngoài và Việt Nam; thử nghiệm một số ứng dụng và phát triển công nghiệp điện tử ở trong nước. Kết hợp nghiên cứu khoa học với việc đào tạo sau đại học và chuyên gia khoa học có trình độ cao; xây dựng tập thể nghiên cứu mạnh.

 

2. 03 Giải thưởng Tạ Quang Bửu của các nhà khoa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng (2014); PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh (2016); TS. Đỗ Quốc Tuấn (2018)

Công trình của GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng đã xác định được tất cả các đồng cấu giữa các đại số Dickson-Mùi xem như các môđun trên đại số Steenrod.

Công trình của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh đã cung cấp thông tin chuyên sâu về thành phần và đặc tính của rơm rạ, là cơ sở khoa học cho các biện pháp quản lý và tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ nguồn “tài nguyên” rơm rạ. Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng là một chủ đề nghiên cứu thời sự trong Vật lý và Thiên văn học.

Công trình của TS. Đỗ Quốc Tuấn cho thấy lý thuyết hấp dẫn phi tuyến trong mô hình không thời gian bốn chiều hoàn toàn có thể mở rộng lên không thời gian năm chiều hoặc cao hơn nữa.

 

3. Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018

Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN

Đã triển khai nghiên cứu theo hai hướng chính: Công nghệ xử lý, tận dụng chất thải và Phân tích, đánh giá chất lượng môi trường. Theo đó, đã có nhiều đề tài, mô hình đã được triển khai ứng dụng như: "Tận dụng bã giấy làm giá thể trồng nấm hay tận dụng bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ; “Nghiên cứu sản xuất Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống” và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế năm 2015; Đã công bố 30 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế (trong đó có 17 bài thuộc hệ thống ISI/SCOPUS, 144 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước.

 

4. Quy trình công nghệ tạo chế phẩm Bacillus subtilis CotB-VP28 và sản phẩm BioVP28

GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa và cộng sự, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

Virus gây bệnh đốm trắng (white spot syndrome virus - WSSV) là tác nhân gây bệnh hàng đầu cho Tôm. Bệnh đốm trắng làm cho Tôm bị chết gần như 100% sau một đến vài tuần nhiễm bệnh và có tỷ lệ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thuỷ sản. Một trong các giải pháp hiệu quả nhất là tạo vaccine dựa trên protein cấu trúc kháng nguyên vỏ VP28 của WSSV để kích thích đáp ứng miễn dịch ở Tôm chống lại bệnh đốm trắng. Quy trình tạo chế phẩm probiotic dạng bào tử Bacillus subtilis CotB VP28 tái tổ hợp với công suất 100 kg/mẻ/3 ngày tạo sản phẩm BioVP28 bền nhiệt, giá thành cạnh tranh, sử dụng như một dạng vaccine dùng qua đường trộn cùng thức ăn Tôm đã đạt được hiệu quả bảo hộ > 70% trên Tôm sú và Tôm thẻ ở cả quy mô PTN và quy mô pilot.

 

5. Hệ thiết bị điện di mao quản tự động xách tay

GS.TS. Phạm Hùng Việt và cộng sự, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, Thiết bị gọn nhẹ, có thể xách tay, sử dụng được tại hiện trường. Hoạt động tự động theo phần mềm. Hiện chưa có TB ngoại nhập tương tự. Có khả năng sử dụng cho nhiều mục đích phân tích khác nhau, phân tích đồng thời nhiều chất/ion trong cùng một lần bơm mẫu. Hệ thiết bị có thể được sử dụng để phân tích: Chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước thải (các ion vô cơ, một số chất hữu cơ phân tử lượng nhỏ); An toàn thực phẩm (chất tạo màu, tạo ngọt trong đồ uống, thực phẩm…); Phân tích y sinh (dư lượng một số dược phẩm trong nước tiểu, huyết thanh); Khoa học hình sự (một số loại ma túy).

 

6. Công trình tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội:

Ngày 12/7/2017, Viện Quốc tế Pháp ngữ đã ra mắt và bàn giao công trình “Tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội”. Ứng dụng tham quan ảo này gắn kết công nghệ số với các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận công trình Nhà hát Lớn Hà Nội mọi nơi, mọi lúc. Đây cũng được coi là sản phẩm mở đầu cho các dự án “Số hóa các di sản vật thể, phi vật thể và phức hợp”, nằm trong Chương trình “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” của Viện. Công trình Tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội là 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật nhất năm 2017, bên cạnh các sự kiện lớn như lễ công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ và Hát Xoan Phú Thọ, Liên hoan Múa Quốc tế 2017, v.v. do Tạp chí điện tử Văn hóa Việt Nam (Văn hiến) bình chọn.

Sản phẩm hoàn thiện của dự án - Tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội: http://www.ifi.edu.vn/HanoiOperaHouseVR/

 

7. Công trình tham quan ảo công trình Khoa Pháp-Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội

Đây là một công trình quan trọng trong số các công trình kiến trúc của Thành phố Hà Nội mang dấu ấn văn hóa Pháp. Việc số hóa và xây dựng chương trình tham quan ảo khuôn viên Khoa ngôn ngữ và văn hóa Pháp thuộc Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, duy tu, quảng bá, nghiên cứu về những công trình mang đậm dấu ấn của văn hoá Pháp trong lĩnh vực văn hoá giáo dục tại Việt Nam. Công trình giúp thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt – Pháp và sản phẩm có thể được sử dụng cho công tác quảng bá của ĐHQGHN, Trường ĐH Ngoại ngữ và Viện Quốc tế Pháp ngữ.

Sản phẩm hoàn thiện của dự án - Tham quan ảo Khuôn viên khoa Pháp, ĐHNN-ĐHQGHN http://ifi.vnu.edu.vn/PUFHANOIVR/

 

8. Ấn phẩm “Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á-Thái Bình Dương” (FAP)

Ấn phẩm khoa học “Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương” là một ấn phẩm khoa học liên ngành, bình duyệt đồng cấp của Viện Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Nhà xuất bản đại học Provence thuộc Đại học Aix-Marseille (Cộng hòa Pháp), có chức năng công bố các công trình khoa học của tất cả các nhà nghiên cứu, hàn lâm hoặc thực hành, trong nước và nước ngoài, liên quan đến Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ấn phẩm đã lần lượt ra mắt thành công các số 1, 2, 3 và 4 và được cộng đồng khoa học Pháp ngữ đánh giá cao và được phát hành trên toàn thế giới. Tổng Giám đốc AUF Jean-Paul de Gaudemar đã xem đây là một “ví dụ hợp tác thành công và đẹp đẽ” giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ. FAP được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới. Nhà xuất bản đại học Provence của Đại học Aix-Marseille phát hành FAP tại Châu Âu. Hiệu sách Amalivre tại Paris (Pháp) là đại lí phát hành FAP tại Châu Mĩ. Ngoài ra, FAP đã nhận được đơn đặt hàng của nhiều trường đại học và tổ chức trong nước và quốc tế như ĐH Stanford, ĐH Columbia (Mỹ), ĐH British Columbia (Canađa), Viện Nghiên cứu và phát triển Pháp IRD, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, Huế và Đà Nẵng.

Trang web của ấn phẩm: http://fap.ifi.vnu.edu.vn/index.php/FAP

 

9. Du lịch Tây Nguyên: Luận cứ khoa học và giải pháp phát triển (NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019)

GS.TS Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển

Cuốn sách trình bày một cách hệ thống, toàn diện và chuyên sâu các luận cứ khoa học, các mô hình và giải pháp phát triển du lịch vùng Tây Nguyên. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cao phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư phát triển du lịch Tây Nguyên; cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy chuyên ngành tại các viện nghiên cứu và các trường đại học. Đồng thời cung cấp cho đông đảo bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về một vùng địa di sản độc đáo, về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với các giá trị ngoại hạng của nhân loại.

 

10. Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa: tư liệu và sự thật lịch sử  (NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017)

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển

Nội dung của công trình là nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam theo hướng tiêp cận lịch sử, qua các tư liệu chứng minh sự thật lịch sử về quá trình Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo như thế nào. Chủ quyền về hai quần đảo lại được đặt trong không gian sinh tồn của Việt Nam trên Biển Đông và bối cảnh lịch sử xuyên suốt từ thời tiền sử, qua vương quốc Champa, Phù Nam cho đến quốc gia-dân tộc Đại Việt – Việt Nam. Từ đó, người đọc thấy rõ hơn vị trí “cương giới trên biển” và địa thế “tối hiểm yếu” (Châu bản triều Nguyễn) của hai quần đảo trong cuộc sống và yêu cầu phòng vệ đất nước của Việt Nam.

 

11. Nguồn nhân lực nữ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa (NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018)

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên

Là kết quả của đề tài KHCN cấp Nhà nước, thuộc Chương trình KHCN về văn hóa, con người và nguồn nhân lực của Bộ KH&CN (Chương tình KX 03), cuốn sách đề cập đến vấn đề quan trọng nhất trong quá trình xây dựng đất nước: Xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ trí thức. Cuốn sách trình bày, phân tích, đánh giá từ cơ sở lý luận tới thực trạng nguồn nhân lực nữ trí thức trong hoạt động nghề nghiệp, trong công tác quản lý lãnh đạo và trong gia đình, từ đó đưa ra hệ giải pháp phát huy nguồn nhân lực nữ trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH và Hội nhập ở Việt Nam hiện nay

 

12. Hà Nội học: Cơ sở thực tiễn, nền tảng học thuật và định hướng phát triển (NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017)

GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN

Cuốn sách là kết quả của Đề tài nghiên cứu mã số QGTĐ.12.26. Nội dung cuốn sách trình bày tình hình nghiên cứu về Hà Nội với các đặc điểm, xu hướng và những thành tựu cơ bản thông qua tình hình nghiên cứu về Hà Nội đến năm 2008 và từ năm 2008 đến nay. Từ đó, đưa ra các yêu cầu đối với ngành Hà Nội học từ thực tiễn phát triển bền vững của thủ đô qua các phương diện nguồn lực, quản lý, dân cư và lao động, việc làm, an sinh xã hội, môi trường sống đô thị, giao thông và thông tin, truyền thông, giáo dục, khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, đảm bảo quốc phòng an ninh, quy hoạch phát triển Hà Nội. Cuốn sách phân tích khu vực Hà Nội học dựa trên tiếp cận khu vực học hiện đại, vấn đề Việt Nam học hiện đại, đô thị học phát triển cùng các phương pháp nghiên cứu liên ngành, trên cơ sở đó, chỉ ra các định hướng phát triển ngành Hà Nội học trong tương lai.

 

13. Beyond Political Skin Colonial to National Economies in Indonesia and Vietnam (1910s - 1960s)

Tác giả: TS. Phạm Văn Thuỷ, Trường ĐHKHXH và Nhân văn, ĐHQGHN

Chuyên khảo được xuất bản tại Nhà xuất bản Springer, 2019

 

14. Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Chí Hoà, GS.TS Vũ Đức Nghiệu

Cuốn sách được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014

Cuốn sách là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế”, mã số QGTĐ.13.17. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:

- Phần 1: Trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn cho một bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt và cơ sở lý luận, thực tiễn của các phương thức kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế

- Phần 2: Trình bày bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt – ngôn ngữ thứ hai

- Phần 3: Hướng dẫn thực hiện kiểm tra đánh giá theo bộ tiêu chuẩn.

 

15. Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung

Đồng chủ biên: GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, GS.TS. Nguyễn Văn Kim

Kỷ yếu hội thảo “Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung” xuất bản tại Nhà xuất bản ĐHQGHN năm 2018.

 

16. Rô bốt hướng dẫn viên - sản phẩm khoa học công nghệ của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Chủ nhiệm đề tài: PGS. Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN

 

Dưới đây là một số hình ảnh của ĐHQGHN tại buổi Triển lãm :

 

 

 

 

 

 

 Lan Anh - Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ