Bà Iris Hu cho biết, việc dùng ngôn từ ngắn gọn, dễ hiểu để tóm gọn lại những ý tưởng phức tạp cho những người không thân thuộc hoặc chưa từng tiếp cận với một lĩnh vực nào đó đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại, song đến tận những năm 1960, việc tóm tắt các công trình khoa học mới dần được chuẩn hóa. Mặc dù vậy, từ trước đó, các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới đã có những luật bất thành văn khi yêu cầu các nhà khoa học phải gửi các bản tóm tắt kèm theo những nghiên cứu khoa học của mình. Việc làm này xuất phát từ việc các nhà xuất bản đều muốn các công trình khoa học có thể dễ dàng tiếp cận với các nhà khoa học và các nhà xuất bản trong những lĩnh vực khác, từ đó, khuyến khích những công trình nghiên cứu mang tính hợp tác đa ngành.
Với Hội thảo lần này, bà Iris Hu và tổ chức IES muốn đưa đến cho những người tham gia một cái nhìn tổng thể về các bản tóm tắt công trình nghiên cứu khoa học từ định nghĩa đến cách viết và các để phát huy tối đa lợi ích của các bản tóm tắt này đối với các nhà khoa học. Nói về định nghĩa của bản tóm tắt của một công trình khoa học, Bà Iris Hu đồng tình với tác giả McKenzie trong cuốn Consumer and Community Participation Fact Sheer M11: Plain Language Summary (2011), cho rằng bản tóm tắt của một công trình khoa học là dàn ý tóm lược một công trình nghiên cứu, có tác dụng cung cấp thông tin về công trình đó sao cho rõ ràng, dễ tiếp cận và cởi mở dễ hiểu. Đây không phải là việc làm để khiến các thông tin khoa học bị “thường” hóa mà là viết về công trình nghiên cứu theo cách mà các nhà tài trợ tiềm năng, các nhà hoạch định chính sách, độc giả và cộng đồng có thể hiểu được. Như vậy, theo định nghĩa này, một bản tóm tắt cần đạt được 3 từ khóa là: rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Mục đích của các bản tóm tắt công trình nghiên cứu khoa học là để khuyến khích và gia tăng các trao đổi cũng như hợp tác nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chính vì vậy, nội dung của phần tóm tắt cần phải nêu được vấn đề nghiên cứu, cách giải quyết vấn đề và kết quả của những giải pháp được đề xuất. Không có một cấu trúc tiêu chuẩn nào để viết tóm tắt cho một công trình nghiên cứu khoa học và cũng có nhiều hơn một cách để viết chúng, song, tại IES, bà Iris Hu cùng đồng nghiệp lựa chọn cách vẽ những sơ đồ minh họa, cấu trúc của sơ đồ này là các hình hộp khác nhau, trả lời các câu hỏi Big Why (Câu hỏi vì sao lớn), why (câu hỏi vì sao nhỏ hơn), what (cái gì), how (như thế nào).
Trong đó, Big why phải nêu được bức tranh lớn gắn với vấn đề mà các nhà khoa học muốn giải quyết, thể hiện tính cấp thiết của vấn đề. Phần này cần một chút thông tin thực tế và cần sự lý giải mối liên hệ giữa thông tin đó với vấn đề để những độc giả không thân thuộc với lĩnh vực của nghiên cứu có thể hiểu được. Việc giải quyết thông tin trong phần Big why này cũng phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức sẵn có của công chúng mục tiêu. Nếu viết cho đại chúng thì cần kết nối thông tin và giáo dục đại chúng, nếu viết cho các chuyên gia thì cần thu hút sự quan tâm của họ đối với nghiên cứu và khuyến khích sự tham gia đa ngành. Câu hỏi Why có thể rút ra từ giả thuyết nghiên cứu của một công trình, nói cách khác là vấn đề thực sự mà công trình đang nhắm đến. Câu hỏi What và How là phần đề xuất giải pháp cho vấn đề và giải pháp này có thể thay đổi tình hình thực tế như thế nào. Câu hỏi này có thể tìm thấy trong phần kết luận hoặc đâu đó trong phần bàn luận của tác giả. Một bản tóm tắt có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bản tóm tắt, đồ họa thông tin hoặc video, đồng thời các nhà khoa học cũng có thể đưa các bản tóm tắt này lên các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa các nghiên cứu của mình.
Hội thảo trực tuyến về Đọc bài báo khoa học một cách hệ thống là một trong 4 buổi hội thảo trực tuyến nằm trong khuôn khổ chương trình “To do your research work @ home” (Nghiên cứu khoa học tại nhà) do công ty IES Research Solutions (Singapore) và tập đoàn iGroup cùng các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên các cơ sở giáo dục đại học nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học toàn cầu, tăng tốc trong nghiên cứu và xuất bản trong những ngày nghiên cứu khoa học tại nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID–19. Thông tin về iGroup & IES research solutions iGroup (Asia Pacific) là tập đoàn đa quốc gia với hơn 30 năm uy tín tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực dịch vụ và giải pháp thông tin phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo. iGroup hiện là đối tác của hơn 300 nhà xuất bản quốc tế và các hãng giải pháp thông tin uy tín như Elsevier, Springer Nature, Wiley, Oxford, Cambridge, Mc GrawHill, Taylor & Francis, SAGE, Emerald,IES, vv, với nhiều khách hàng là cơ quan chính phủ, công ty, trường đại học, và viện nghiên cứu lớn trên thế giới, bao gồm Việt Nam. | >>> Các tin bài liên quan: Kỹ năng: Đọc bài báo khoa học dễ dàng hơn nhờ trí tuệ nhân tạo |