PGS.TSKH.Vũ Hoàng Linh (trái), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bàn giao sản phẩm dự án cho đại diện Công ty Med-Aid (Hoa Kỳ). TS Đỗ Thanh Hà, Phó trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trưởng Bộ môn Tin học, chủ nhiệm dự án “Khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy” cho biết: “Dự án được ký kết từ ngày 22/5/2019. Trải qua đúng một năm, với rất nhiều cuộc làm việc giữa hai bên xuyên đến nửa đêm do lệch múi giờ, với sự tham gia đánh giá của nhiều bác sĩ nước ngoài, việc giải quyết bài toán xử lý hình ảnh liên quan đến bệnh ung thư đã đạt kết quả trên mức mong đợi.”
PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Minh - đại diện nhóm dự án đang công bố kết quả dự án với sự theo dõi qua màn hình của các đối tác Hoa Kỳ. Mục đích của dự án là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cụ thể là các phương pháp học máy trong việc khoanh vùng tự động các bộ phận cơ thể người trên ảnh chụp cắt lớp. Các thành viên của nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thuật toán hiện đại để xử lý ảnh y tế, khoanh vùng 12 bộ phận trên cơ thể người thuộc 3 vùng: đầu (mắt trái, phải, não), ngực (phổi trái/phải, tuỷ sống, tim), bụng (chỏm xương đùi trái/phải, bàng quang, trực tràng, tiền liệt tuyến). Sản phẩm thu được có độ chính xác cho vùng đầu và ngực đạt 92%, vùng bụng đạt trên 83%, thực sự tốt hơn so với yêu cầu độ chính xác đạt được là 80% của Công ty Med-Aid, Hoa Kỳ. Ông John Công Nguyễn, Chủ tịch Công ty Med-Aid cho biết: “Đây là dự án đầu tiên giữa một trường đại học của Việt Nam với công ty Med-Aid (Hoa Kỳ). Kết quả dự án đem lại lợi ích cho lĩnh vực xạ trị ung thư, giúp giảm bớt thời gian điều trị cho bác sĩ, điều quan trọng làm tăng và bảo đảm chất lượng điều trị cho bênh nhân Ung Thư . Các hình ảnh chụp cắt lớp trong chẩn đoán y tế luôn là một chuỗi nhiều lát cắt. Bình thường, trung bình một bác sĩ phải mất 2-3 tiếng để xử lý hình ảnh cho một bệnh nhân, nay nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bác sĩ chỉ mất vài phút để có kết quả với các hình ảnh được khoanh vùng đạt độ chính xác cao, nhờ đó bác sĩ dễ dàng xác định được khối U để điều trị và tránh tổn thương trên các bộ phận của cơ thể.” Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý ảnh y tế là một lĩnh vực công nghệ cao, áp dụng những kiến thức chuyên sâu của của các ngành Toán và Tin học, hơn thế nữa, đòi hỏi người nghiên cứu có kinh nghiệm về khai phá dữ liệu (đặc biệt là khai phá dữ liệu lớn) ảnh y tế, học máy và trí tuệ nhân tạo. Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, từ nhiều năm nay, Khoa Toán - Cơ - Tin học đã trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng ban đầu về các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu trong các chương trình đào tạo bậc đại học Máy tính và Khoa học thông tin, Toán Tin ứng dụng. Đặc biệt, ngành Khoa học dữ liệu hiện nay đã có cả chương trình đào tạo bậc đại học và cao học. Các sinh viên, học viên được va vấp, rèn luyện thực tế ở lĩnh vực công nghệ cao ngay khi còn đang trong quá trình học tập, và khi tốt nghiệp, cơ hội đóng góp trong các lĩnh vực đòi hỏi ứng dụng trí tuệ nhân tạo là rất lớn.
Sinh viên khoa Toán - Cơ - Tin học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong giờ lên lớp. Gần đây, Khoa đã và đang thực hiện nhiều dự án với các đơn vị về xử lý dữ liệu y tế (ảnh chụp cắt lớp, ảnh siêu âm, ảnh vi thể của tế bào), bệnh án điện tử, tối ưu hoá liều trong điều trị ung thư. Ngoài ra là các vấn đề: Khai thác, xử lí văn bản thông minh; Phân tích văn bản tài chính, kinh tế, ngân hàng; Bảo mật dữ liệu dựa trên đường cong elliptic… Đây cũng là các hướng nghiên cứu mà các bạn theo học các ngành Toán, Toán - Tin ứng dụng, Máy tính và khoa học thông tin, Khoa học dữ liệu có thể tham gia nghiên cứu. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có mạng lưới hợp tác rộng lớn với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngoài hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, các giảng viên còn tham gia nhiều hoạt động tư vấn về khoa học công nghệ cho nhiều công ty, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. |