Ngày 29/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 3 điểm cầu: Hà Nội (tại ĐHQGHN), Đà Nẵng (tại ĐH Đà Nẵng), Tp. Hồ Chí Minh (tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh). Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải tham gia điều hành hội nghị. Tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các Vụ, Viện, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm có trụ sở đóng trên địa bàn 28 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra). Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh/thành là cơ quan có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên mới, lập dự toán và bố trí kinh phí, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc (nếu có), đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương. Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải (thứ hai từ trái sang) tham gia điều hành hội nghị Việc này phải đảm bảo phù hợp với kế hoạch sử dụng giáo viên sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục của địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên. Địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyển dụng, sử dụng giáo viên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định về định mức giáo viên đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Các cơ sở đào tạo giáo viên nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở được giao nhiệm vụ, hoặc được đặt hàng (có thể thông qua hình thức đấu thầu), theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ GD&ĐT thông báo. Các bộ/ngành có cơ sở đào tạo giáo viên chủ trì và phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo trực thuộc và thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Nghị định số 116. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo giáo viên đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, công khai thông tin về tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước để các địa phương và người học tham khảo. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức để các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng phần mềm dùng chung nhằm hỗ trợ các địa phương và các cơ sở đào tạo giáo viên điều phối cung - cầu cho việc tổ chức đặt hàng và nhận đặt hàng đào tạo giáo viên phù hợp với nhu cầu sử dụng giáo viên của địa phương và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị Cũng theo dự thảo công văn hướng dẫn, UBND cấp tỉnh phải tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê, nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, từ đó xác định số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên cho năm tuyển sinh. Con số thống kê phải bao gồm cả nhu cầu đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên trình độ ĐH và đào tạo ĐH cho người học đã có bằng tốt nghiệp ĐH, đào tạo trình độ CĐ cho người học đã có bằng tốt nghiệp CĐ theo hình thức chính quy. Các cơ sở đào tạo giáo viên xác định, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên và gửi về Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu xã hội, nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương; điều kiện bảo đảm chất lượng (năng lực, chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh việc có việc làm) của các cơ sở đào tạo giáo viên đảm bảo theo các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cơ sở đào tạo giáo viên hướng dẫn, thông báo tới sinh viên trúng tuyển về chỉ tiêu đào tạo được các địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu), các thông tin khác liên quan đến việc giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) của địa phương để sinh viên trúng tuyển đăng ký, cam kết tham gia học tập và công tác theo nhu cầu đào tạo và sử dụng giáo viên của địa phương ngay sau khi có kết quả trúng tuyển đối với mỗi đợt tuyển sinh của cơ sở đào tạo giáo viên. Sau đó, sinh viên nộp đơn đề nghị hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến cơ sở đào tạo giáo viên; đề nghị được hưởng hỗ trợ và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt theo thứ tự nguyện vọng (ghi rõ thứ tự nguyện vọng) đối với các địa phương có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại địa phương. UBND cấp tỉnh xét chọn, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo cho sinh viên kết quả xét chọn của UBND cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc nhận đơn đăng ký của sinh viên. Ngoài quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là: học phí và sinh hoạt phí, Nghị định 116/2020/NĐ-CP này 25/9/2020 của Chính phủ cũng quy định các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Trần Tú Khánh trình bày Báo cáo về trách nhiệm và quy trình thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP Theo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT), Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Cụ thể, tại Điều 4 của Nghị định quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí: tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Cũng theo Vụ Kế hoạch tài chính, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về mức bồi hoàn kinh phí đối với các trường hợp sinh viên sư phạm liên quan đến chính sách hỗ trợ. Cụ thể: Sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn: sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp. Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí đào tạo gồm: Sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học. Sinh viên sư phạm thuộc các trường hợp bất khả kháng như: nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học; dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ. |