TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 17:41:26 Ngày 20/05/2021 GMT+7
TS. Nguyễn Hoàng Sơn: "VNU-LIC xây dựng tài nguyên số là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số ở ĐHQGHN"
Tài liệu phong phú, các phương thức tiếp cận hiện đại, dịch vụ thân thiện là những gì người dùng có thể trải nghiệm khi đến với Thư viện của ĐHQGHN (VNU-LIC). Nhờ có sự nỗ lực mạnh mẽ của VNU-LIC, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, Thư viện số tài liệu nội sinh ĐHQGHN từ vị trí 75 đã vươn lên vị trí 64 trên tổng số 3.102 thư viện số các trường đại học / học viện và ở vị trí 75 trên tổng số 3.224 Thư viện số tài liệu nội sinh toàn cầu.

 

Thưa TS. Nguyễn Hoàng Sơn, chỉ trong vòng 1 năm, Thư viện số nội sinh VNU-LIC https://repository.vnu.edu.vn/ của ĐHQGHN đã vươn lên 11 bậc trong bảng xếp hạng các thư viện số tài liệu nội sinh của các đại học toàn cầu, vậy kết quả này có được là nhờ những yếu tố nào?

Trước hết phải khẳng định vai trò quan trọng của Ban Giám đốc ĐHQGHN trong việc quyết liệt chỉ đạo VNU-LIC số hóa tài liệu từ 10 năm qua và đặc biệt là từ năm 2017, ĐHQGHN đã có chủ trương phát triển mạnh nguồn tài nguyên nội sinh này. Kỳ đánh giá, xếp hạng tháng 5/2021 của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha). So với kỳ xếp hạng tháng 5/2020 thì VNU-LIC đã tăng 11 bậc từ vị trí 75 (5/2020) lên 64 (5/2021). Nếu so với xếp hạng vào tháng 1/2015 khi VNU-LIC lần đầu tham gia vào chỉ số này thì năm nay, 2021, VNU-LIC đã tăng rất mạnh là 752 bậc (Bảng 1).

Stt

Kỳ xếp hạng

Việt Nam

Thế giới

Số bậc tăng

1

Tháng 1/2015

1

816

 

2

Tháng 1/2016

2

310

506

3

Tháng 2/2017

2

191

119

4

Tháng 5/2019

1

174

17

5

Tháng 2/2020

1

94

80

6

Tháng 5/2020

1

75

19

7

Tháng 5/2021

1

64

11

 So với năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục gia tăng 11 bậc, qua đó thấy được sự chỉ đạo, đầu tư của ĐHQGHN đối với tài nguyên số rất mạnh mẽ, đúng hướng.

Thứ hai là việc triển khai số hóa tài liệu, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu và được quản trị trên nền tảng phần mềm Dspace theo chuẩn quốc tế, qua đó Google Scholar có thể đánh chỉ mục (index) được toàn bộ tài liệu nội sinh và toàn bộ tài liệu học thuật của ĐHQGHN đã được phổ biến trên toàn cầu, làm gia tăng ảnh hưởng học thuật và thương hiệu ĐHQGHN không những ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Hàng năm, nguồn truy cập đến nguồn tài liệu nội sinh này rất lớn, khoảng hơn 3 triệu lượt truy cập và hơn 1 nửa là truy cập từ nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Châu Âu… qua đó các tài liệu học thuật của ĐHQGHN được giới khoa học biết đến, đồng nghĩa là thương hiệu của ĐHQGHN cũng được bay xa.

Thế mạnh của Thư viện số nội sinh của VNU-LIC hiện nay là gì, thưa ông?

Thế mạnh của kho tài nguyên số nội sinh VNU-LIC hiện nay đến từ những yếu tố sau. Trước nhất là sự chỉ đạo của ĐHQGHN đối với Thư viện rất sát sao và đầu tư rất mạnh mẽ; Thứ hai là hệ thống công nghệ, khi chúng ta đã có hệ thống máy số hóa tự động, các máy Treventus có thể số hóa được 2500 trang trong 1 tiếng và qua đó là toàn bộ tài nguyên nội sinh của ĐHQGHN đã được số hóa dễ dàng; Thứ ba là các nền tảng công nghệ, đặc biệt là nền tảng công nghệ Dspace đạt chuẩn quốc tế, và toàn bộ tài nguyên nội sinh này đã được quản trị trên nền tảng đó, từ đó Google Scholar có thể đánh chỉ mục và đưa các tiêu chí xếp hạng tài nguyên nội sinh đạt chuẩn thống kê quốc tế như Webometrics để họ đánh giá. Đồng thời, qua kết nối với hệ thống các thư viện của thế giới, cộng đồng các nhà khoa học cũng biết đến nguồn tài nguyên nội sinh này, và mỗi năm chúng ta có hơn 3 triệu lượt người truy cập. Như vậy, có thể nói, dữ liệu, công nghệ và người dùng đã đem lại thế mạnh cho Thư viện số nội sinh của ĐHQGHN.

 

Trung tâm Thông tin Thư viện sẽ phát huy những thế mạnh của ĐHQGHN thế nào để tiếp tục gia tăng vị trí trong thời gian tới?

ĐHQGHN đang đẩy mạnh mô hình Đại học số, Đại học thông minh. Việc số hóa tài liệu là điều cốt lõi trong việc gia tốc phát triển Đại học số - Đại học thông minh, ĐHQGHN. Thư viện sẽ phải số hóa 100% học liệu, đây là điểm tiên quyết để chuyển biến thành Đại học số. Bước tiếp theo là chuyển biến từ mô hình Thư viện số sang mô hình Trung tâm Tri thức số lấy việc phục vụ người dùng khai thác thông tin và quản trị tri thức làm vai trò chủ đạo, qua đó phát triển các hệ thống dịch vụ phục vụ cho nghiên cứu số - đào tạo số - học tập số của ĐHQGHN hiện tại và tương lai.

Thư viện số nội sinh của ĐHQGHN không chỉ có tài nguyên nội sinh của ĐHQGHN mà bao gồm tất cả tài nguyên học thuật của Việt Nam và thế giới được tích hợp, và thông qua hệ thống tìm kiếm thông minh, chúng ta có thể truy cập được tài nguyên thông tin toàn cầu của hiện tại và tương lai.

Xin ông nói rõ hơn vai trò của Thư viện trong Dự án đại học số của ĐHQGHN?

Đảng ủy ĐHQGHN mới đây đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số, trong đó xác định: Nội dung số, bao gồm học liệu, tài liệu phục vụ nghiên cứu, quản trị đại học được số hóa 100%. Do vậy, Thư viện ĐHQGHN hiện nay có vai trò như là một phần quan trọng của trung tâm dữ liệu trong Dự án đại học số.

Hai năm trở lại đây, theo các khảo sát các bạn đọc đến với Thư viện thì có 51% lượng kiến thức đến từ Thư viện ĐHQGHN. Qua đó, có thể thấy vai trò của Thư viện đối với việc truyền bá tri thức đối với học sinh sinh viên, nhà nghiên cứu là rất lớn. Để phát triển Đại học số, Đại học thông minh thì phải dựa trên học liệu số, do vậy Thư viện đã gia tăng trong việc số hóa tài liệu, gần như 100% học liệu của ĐHQGHN đã được số hóa bao gồm luận văn, luận án, bài giảng, kết quả nghiên cứu, giáo trình đều được số hóa toàn bộ. Đây là nguồn cung cấp dữ liệu rất quan trọng để phát triển các nền tảng E-learning, giảng dạy và học tập trực tuyến.

Tháng 5/2021 (lần thứ 11), Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs - Webometrics đã công bố kết quả xếp hạng các Thư viện số Tài liệu nội sinh trên toàn thế giới. Với gần 90.000 tài liệu số nội sinh chất lượng cao, trong đó 43.000 tài liệu được Google Scholar đánh chỉ mục và hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng, Thư viện số tài liệu nội sinh VNU-LIC từ vị trí 75 tại kỳ xếp hạng tháng 5/2020 đã vươn lên xếp thứ 64 trên tổng số 3.102 thư viện số các trường đại học / học viện và xếp thứ 75 trên tổng số 3.224 Thư viện số tài liệu nội sinh toàn cầu.

Tính đến 10/2020, tổng số nguồn lực học liệu số phục vụ cho nghiên cứu - đào tạo của ĐHQGHN bao gồm các loại hình học liệu số phát triển trên các nền tảng công nghệ như sau:

- VNU-LIC Bookworm: Học liệu số trên nền tảng công nghệ di động (Giáo trình số và sách tham khảo số): ~ 56.000 tên. (http://bookworm.lic.vnu.edu.vn/).

- Dspace: Luận án số, luận văn số trên nền tảng công nghệ quản trị tài nguyên nội sinh mã nguồn mở ~ 32.000 tên; kết quả đề tài nghiên cứu khoa học: ~ 2.000. (http://repository.vnu.edu.vn/)

- Tạp chí và sách điện tử ngoại văn trên nền tảng các cơ sở dữ liệu điện tử trực tuyến: ~ 53.000 sách điện tử; ~ 4.100 tạp chí, gồm: SpringerLink, ScienceDirect, Bookboon, WorldScientific, MathSciNet… (https://lic.vnu.edu.vn)

- Virtua: Tài liệu in trên nền tảng công nghệ quản trị thư viện tự động hóa ~ 114.000 tên sách; ~ 400 tên tạp chí. 

- Hệ thống dữ liệu lớn học thuật toàn cầu được kết nối và khám phá dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm thông minh URD2 truy cập mở (kết nối hơn 90% CSDL Open Access truy cập mở miễn phí của các trường đại học thế giới).

Trong khảo sát của VNU-LIC tháng 12/2020 về lượng tri thức sinh viên tiếp nhận khi đến học tại ĐHQGHN, với 3.949 người trả lời kết quả cho thấy: 51% tri thức có được từ thư viện (Học liệu số, Sách, Giáo trình…); 46% tri thức có được từ giảng viên (Bài giảng, Bài kiểm tra, Sự truyền đạt tri thức); 3% tri thức có được từ các nguồn khác (Internet).

 >>> Các tin bài liên quan:

VNU-LIC vào Top 100 kho tài nguyên số nội sinh toàn cầu RANKING WEB OF REPOSITORIEShttps://lic.vnu.edu.vn/vi/content/thu-vien-so-tai-lieu-noi-sinh-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-vuon-len-vi-tri-64-trong-bang-xep-hang

 

 Tiến Khoa
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ