TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 18:11:29 Ngày 27/08/2021 GMT+7
Trường Đại học Giáo dục: Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ đào tạo giáo viên
Sáng ngày 27/8/2021, Trường Đại học Giáo dục đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 dưới hình thức trực tuyến. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cùng hơn 200 cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh cho biết, hội nghị viên chức, người lao động năm nay được tổ chức với tinh thần đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.

Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN Nguyễn Quý Thanh phát biểu khai mạc hội nghị

Năm học 2020 – 2021, công tác tổ chức cán bộ được đẩy mạnh theo chiều sâu sau giai đoạn thực hiện tái cấu trúc và tinh gọn đội ngũ, với các nhiệm vụ trọng tâm là rà soát quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút và phát triển năng lực đội ngũ đảm bảo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đào tạo, nghiên cứu khoa học giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2035. Với thế mạnh về nền tảng dạy - học, ứng dụng dạy - học trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh Covid -19 như hiện nay, Trường ĐH Giáo dục đã và đang viết tiếp thế mạnh của mình về đào tạo đội ngũ cán bộ mạnh về công nghệ, chuyên môn cũng như đội ngũ lao động trong lĩnh vực giáo dục có nền tảng công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với triết lý năng lực và phẩm chất đội ngũ là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng các hoạt động của nhà trường, bên cạnh hoạt động tuyển dụng đúng quy định đảm bảo chất lượng thì công tác rà soát, bồi dưỡng tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực chuyên môn được nhà trường tập trung.

Đội ngũ cán bộ vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ đã đào tạo được một mạng lưới sinh viên có khả năng xây dựng nền tảng công nghệ giáo dục và được thị trường lao động đánh giá cao.

Được chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, tập huấn áp dụng phương pháp dạy học kết hợp cho cán bộ, giảng viên và người học, về cơ bản trong năm học vừa qua công tác quản lý đào tạo được thực hiện theo đúng kế hoạch. Xây dựng mới 3 Đề án mở chương trình đào tạo thạc sĩ: Giáo dục Mầm non; Giáo dục Tiểu học; Quản trị Công nghệ giáo dục. Xây dựng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn mới, trong đó nổi bật là chương trình Nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, …

Trong công tác khoa học học nghệ, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ như: Có 03 đề tài trọng điểm cấp quốc gia đã được tổ chức nghiệm thu thành công, các kết quả của các đề tài nghiên cứu đều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao trong ngành, cụ thể đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng giáo dục, đề xuất mô hình tự chủ trong giáo dục đại học, và quá trình phát triển chương trình giáo dục tiếp cận chuẩn quốc tế; Một số đề tài mới được nhận tài trợ gồm: 01 đề tài thuộc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia; 01 nhiệm vụ thuộc Sở Khoa học công nghệ Hà Nội; 01 nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp ĐHQGHN, 03 đề tài trọng điểm cấp ĐHQGHN; 01 đề tài thuộc Sở Khoa học công nghệ Quảng Ninh; 10 đề tài cấp cơ sở được cấp mới trong năm học này. Số lượng bài báo ISI/SCOPUS tăng và đạt 49 bài, trong đó các bài thuộc hệ thống Q1, Q2 là 29 bài, chiếm tỉ lệ 60%. Điều này chứng tỏ sự tiến bộ đáng ghi nhận của giảng viên trường ĐHGD trong nghiên cứu khoa học.

Nhà trường đã ban hành quy trình xây dựng nhóm nghiên cứu. Việc ban hành quy trình xây dựng nhóm nghiên cứu là nhằm phát huy năng lực nghiên cứu của cá nhân và tập thể nghiên cứu tại các Khoa, Bộ môn, Trung tâm trong Nhà trường và hợp tác ngoài trường để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực KHCN đạt trình độ cao, đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng chỉ số công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Trong năm học 2021-2022 tới đây, nhà trường tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm Phát triển các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục để cân bằng với các ngành đào tạo giáo viên, đồng thời phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQGHN. Trước mắt, chủ trương mở ngành Kế toán giáo dục/Kiểm toán trường học theo mô hình (A+B) cùng cấp bằng với Trường ĐH Kinh tế; điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng Trường THPT Khoa học Giáo dục phù hợp với tình hình hiện tại và phương hướng phát triển trong thời gian tới cũng như kế hoạch thành lập Trường Phổ thông liên cấp; đầu tư phòng thực hành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học là các ngành mới của Trường; tiếp tục gia tăng chỉ số công bố, đặc biệt là công bố quốc tế đặt chỉ tiêu trung bình 1 bài/ 1 giảng viên trong đó có 80% là bài trong hệ thống ISI/ SCOPUS.

Hội nghị cũng lắng nghe tham luận của các đại biểu với 5 nhóm vấn đề chính: (1) Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; (2) Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục dựa trên việc thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học dữ liệu; (3) Trường THPT Khoa học Giáo dục – kết nối toàn diện và chặt chẽ với Trường ĐH Giáo dục trong công tác phát triển đội ngũ cán bộ, đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo; (4) Phát huy thế mạnh của chuyển đổi số; (5) Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trẻ đáp ứng yêu cầu khoa học công nghệ giáo dục. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thống nhất với các nhóm định hướng phát triển của Nhà trường.

Tại hội nghị đã bầu ra 5 thành viên trong Ban Thanh tra Nhân dân nhiệm kỳ năm học 2021 -2022

Để có được những thành tựu vượt sóng ấn tượng trong năm học vừa qua, phải kể đến những nỗ lực mạnh mẽ của các tập thể và cá nhân. Ghi nhận những đóng góp và công lao đó, nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng các cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp Trường đã được trao tặng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn ghi nhận những thành tích đóng góp trên mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà trường trong năm học vừa qua.

Phó Giám đốc Bảo Sơn đánh giá cao 5 đề xuất nhiệm vụ của nhà trường cho năm học mới và ĐHQGHN cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phát triển thương hiệu Nhà trường theo đúng mục tiêu đã đề ra. Phó Giám đốc biểu dương những thành tựu của Nhà trường trong công tác chuyển đổi số; phát triển chương trình đào tạo, tăng công bố quốc tế; củng cố và hoàn thiện cơ cấu tổ chức theo tiêu chí đại học nghiên cứu; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường ĐH Giáo dục trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, Nhà trường cần tiếp tục thu hút các cán bộ trình độ cao, tạo nên một môi trường để giải phóng sức sáng tạo của đội ngũ giảng viên đang công tác tại trường dựa trên sự phát huy thế mạnh đa ngành đa lĩnh vực và mô hình a+b để cùng phát triển toàn diện hơn.

Phó Giám đốc lưu ý thêm, trong thời gian tới nhà trường cần đẩy mạnh các tiềm lực khoa học công nghệ gắn với hợp tác phát triển sâu rộng  để đưa các sản phẩm khoa học giáo dục của nhà trường đến với cuộc sống, tăng vị thế là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục về khoa học dữ liệu, nhân rộng tài nguyên môi trường dạy - học trực tuyến.

Nhà trường cần thích ứng công tác chuyển đổi số trên tất cả các mảng công tác. Đồng thời xây dựng các Mô - đun xác nhận văn bằng tốt nghiệp, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để sử dụng và thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Đô thị đại học tại Hòa Lạc.

Trong thời gian sắp tới, nhà trường cần mở rộng quy mô đào tạo chương trình tài năng và chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ, hoàn thiện mô hình đào tạo trực tuyến để phát triển hơn nữa và đảm bảo chất lượng dạy và học. Nhà trường nên phát huy thế mạnh đào tạo trực tuyến và cần phối hợp với các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN để triển khai nhân rộng các khóa tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong và ngoài ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Giáo dục cần tiếp tục phát huy thế mạnh về chính sách tư vấn giáo dục, khóa tập huấn cho giáo viên ở các địa phương, kênh hỗ trợ giáo viên tiểu học, để thực hiện trách nhiệm quốc gia của Nhà trường nói riêng và ĐHQGHN nói chung.

 

Đến năm 2020, Trường ĐH Giáo dục đã đào tạo được hơn 5.000 cử nhân, 18 khoá đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục với hơn 2000 học viên cao học; 14 khoá đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy bộ môn với hơn 3000 học viên; 5 Khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục với hơn 100 học viên; 10 khóa thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên với hơn 100 học viên; 03 khóa thạc sĩ Quản trị trường học; 17 khoá đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục với hơn 100 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến; 5 Khóa đào tạo tiến sĩ Đo lường và đánh giá trong giáo dục với 36 NCS; 3 Khóa đào tạo tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng trẻ em và vị thành niên với 15 NCS; Bồi dưỡng hàng chục ngàn giáo viên, giảng viên trên cả nước về nghiệp vụ sư phạm và các khoá bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn khác.
Trường ĐH Giáo dục đã triển khai có hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế và chuyển giao công nghệ trong đào tạo. Tính đến nay, Trường đã triển khai 8 chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế với 663 học viên, trong đó 650 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng thạc sĩ.
Trường ĐH Giáo dục tích cực xây dựng, tư vấn chính sách vĩ mô với các Bộ, Ngành và các cơ quan Trung ương. Đồng thời, tham gia tư vấn phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Giám đốc ĐHQGHN. 

 

 Nhật Linh
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ