TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 08/09/2021 GMT+7
Khoa Quốc tế phát huy lợi thế về tự chủ để thu hút và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh
Ngày 8/9/2021, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động và tổng kết năm học 2020 – 2021.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tham dự theo hình thức trực tuyến và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN, Ban Chủ nhiệm Khoa Quốc tế và toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Khoa. Hội nghị được tổ chức trực tuyến trên nền tảng MS Teams để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Năm học 2020 - 2021 là một năm học đặc biệt, với nhiều thách thức do dịch Covid-19. Trong bối cảnh chung ấy, Khoa Quốc tế cũng phải liên tục thay đổi để thích ứng và thích nghi và đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào ở các mảng hoạt động. Công tác đào tạo của Khoa Quốc tế có nhiều thành tích nổi bật, thể hiện ở việc mở mới 3 ngành đào tạo; thực hiện số hóa 100% các tài liệu khảo thí, văn bằng; xây dựng phần mềm đào tạo mới có nhiều tính năng ưu việt giúp giải quyết các bài toán đặc thù trong đào tạo của Khoa. Hoạt động khoa học công nghệ có nhiều khởi sắc, chất lượng và vượt trội trên các mảng hoạt động. Chỉ số và chất lượng công bố khoa học quốc tế thuộc hệ thống cơ sở dữ liệu ISI/Scopus tiếp tục gia tăng; phát triển thêm các hướng nghiên cứu mới; thu hút nhiều các học giả quốc tế đến làm việc và nghiên cứu.

Các hoạt động, dịch vụ dành cho sinh viên được Khoa Quốc tế thay đổi phù hợp với bối cảnh thực tế của đại dịch. Chương trình được triển khai đồng thời bằng 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, mang lại hiệu quả cao và thực chất cho quá trình phát triển của mỗi sinh viên. Các chương trình, hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên đa dạng, phong phú, có độ lan tỏa lớn, giúp động viên, cổ vũ tinh thần cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên vượt qua mùa dịch.

Trong phần phương hướng hoạt động năm học tới, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Lê Trung Thành chia sẻ giai đoạn hiện tại là giai đoạn khó khăn với tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là với lĩnh vực giáo dục. Các cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế đóng góp cho cuộc chiến chống dịch bằng nhiều giải pháp khác như nghiêm túc thực hiện 5K, chia sẻ giá trị… Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa luôn chú trọng tìm các giải pháp để phát huy năng lực, sự sáng tạo, mang lại giá trị tốt nhất cho người học, qua từng hành động, qua từng bài giảng cụ thể.

Tại Hội nghị, nhiều cán bộ, giảng viên Khoa Quốc tế đã thảo luận và bày tỏ mong muốn, trong năm học tới, Khoa cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới hoạt động giảng dạy, đặc biệt nâng chất lượng giảng dạy trực tuyến; đổi mới và nâng cao môi trường sử dụng tiếng Anh; xây dựng cơ chế thu hút cán bộ, giảng viên, chuyên gia giỏi linh hoạt hơn; tạo cơ chế, chính sách, thúc đẩy sáng tạo trong đội ngũ người lao động...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tập thể viên chức, người lao động của Khoa Quốc tế với những kết quả ấn tượng trong năm học vừa qua về tỷ lệ gia tăng số chương trình đào tạo, tỷ lệ cán bộ khoa học trình độ cao, số lượng công trình khoa học có công bố quốc tế…

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đề nghị Khoa Quốc tế cần phát huy mô hình đặc biệt trong ĐHQGHN, tăng cường tự chủ, vượt qua thách thức để hướng tới phát triển một cách bền vững. Trước những kiến nghị của Khoa về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành…, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn khẳng định, ĐHQGHN sẽ có cơ chế hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi để Khoa triển khai các hoạt động của mình.

Ông cũng lưu ý, cùng với phát huy lợi thế hợp tác với các đơn vị trong ĐHQGHN, Khoa cần xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ với các trường, viện để thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, gắn với nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. Cần hoàn thiện mô hình đào tạo trực tuyến với nguồn học liệu được xây dựng gắn với nhu cầu của thị trường lao động.

Khoa Quốc tế cần tăng cường công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ thông qua phát triển số lượng nhóm nghiên cứu mạnh cũng như thu hút các nhà khoa học.  Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng đề nghị Khoa cần đặt ra các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể về tỷ lệ bài báo quốc tế/cán bộ, giảng viên, đồng thời các nhiệm vụ trọng tâm của Khoa cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học của ĐHQGHN cũng như nghị quyết đại hội Đảng các cấp về giải pháp, chương trình hành động đến năm 2025.

Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng lưu ý Khoa Quốc tế cần quan tâm hơn đến hoạt động hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác quốc tế. Đặc biệt, với thế mạnh đào tạo liên kết quốc tế, Khoa cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động quốc tế hóa, đóng góp vào chỉ số quốc tế hóa của ĐHQGHN về số lượt giảng viên và sinh viên quốc tế đến học tập dài hạn và ngắn hạn.

Năm học 2021- 2022, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Lê Trung Thành khẳng định Khoa cần nỗ lực thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: phát triển, thu hút đội ngũ giỏi là các nhà khoa học, chuyên gia, chuyên gia của doanh nghiệp đến nghiên cứu và giảng dạy; triển khai thêm các mô hình đào tạo mới từ đại học đến tiến sỹ, tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo hiện có và hướng đến kiểm định theo chuẩn quốc tế, đưa hệ thống quản lý học tập (LMS) của ĐHQGHN vào giảng dạy trực tuyến; phát triển toàn diện con người sinh viên Khoa Quốc tế, tổng kết thành nguyên lý và xây dựng các mô hình để triển khai; tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGH, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ để đóng góp cho các chỉ số công bố của ĐHQGHN, giúp phát triển cộng đồng và tư vấn chính sách cho quốc gia; lựa chọn và xây dựng chương trình đào tạo và nghiên cứu với các đối tác uy tín, có xếp hạng tốt trên thế giới; tiến hành chuyển đổi số một cách toàn diện, tích hợp các module quản trị đại học với chương trình đào tạo và giảng dạy trực tuyến; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, không gian làm việc và học tập hiện đại, tiện nghie cho các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên; xây dựng văn hóa Khoa Quốc tế ....; là đầu mối của ĐHQGHN phát triển các ngành đào tạo về kỹ thuật- công nghệ theo xu hướng của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh các nguồn lực của cộng đồng “One VNU”.

Các tin liên quan:

- ĐHQGHN sẽ phát triển mạnh các chương trình đào tạo liên ngành, liên đơn vị

 Hà Anh - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ