TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN Mở đầu phần chia sẻ, TS. Tôn Quang Cường chỉ ra những vấn đề đặt ra sau gần một tuần triển khai dạy học trực tuyến trên cả nước. Đó là sự bỡ ngỡ của giáo viên, phụ huynh và học sinh khi áp dụng phương thức dạy – học mới; sự căng thẳng khi sử dụng tích hợp công nghệ; sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết. Theo TS. Cường, một trong những nguyên nhân chính tạo ra thách thức, khó khăn chính là cách tổ chức các hoạt động tương tác của giáo viên trong quá trình dạy học. Sự tương tác trong dạy học trực tuyến bao gồm: Tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học online; Tương tác gián tiếp giữa giáo viên và học sinh trước và sau giờ học online; Tương tác với cha mẹ học sinh để đảm bảo kết nối và trợ giúp từ phía họ. Phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung nỗ lực tương tác trong quá trình giờ học trực tuyến diễn ra mà quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học cũng như sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, việc duy trì tương tác trong giờ học là phần việc nặng nhất và cũng là khó khăn nhất đối với giáo viên vì nhiều lý do: thời gian tương tác ngắn, lớp đông học sinh, đặc điểm hiếu động của học sinh, kỹ năng sử dụng các giải pháp công nghệ còn hạn chế… TS. Tôn Quang Cường cũng đặt vấn đề, nhà trường và giáo viên nên dành một số buổi học ban đầu (thậm chí 1-2 tuần) không dạy học mà chủ yếu để làm quen với học sinh, hướng dẫn các thao tác cơ bản trên ứng dụng, thiết bị cho học sinh và cha mẹ học sinh, trao đổi/kể chuyện với học sinh… để tạo môi trường thân thiện. Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục Tôn Quang Cường đã gợi ý giáo viên tiểu học một số cách thức tổ chức hoạt động tương tác trong giờ học. Mỗi bài học là một bộ hồ sơ nội dung học liệu số với các định dạng khác nhau: ảnh, âm thanh, video clip, thẻ trực quan… TS. Tôn Quang Cường nhấn mạnh việc hình ảnh hóa, trực quan hóa tối đa mọi hoạt động học tập nhằm tăng hiệu quả thu hút sự chú ý của học sinh. Đồng thời, khi thực hiện các hoạt động cần rõ ràng, rành mạch, không hối thúc học sinh, đảm bảo học sinh xem, nghe và cùng làm theo yêu cầu của giáo viên; gọi tên học sinh rõ ràng, thường xuyên có sự khen ngợi, biểu dương, nói lời tích cực với học sinh. Bên cạnh hoạt động tương tác trong giờ học, TS. Tôn Quang Cường cũng chỉ ra vai trò quan trọng của các hoạt động tương tác ngoài giờ học giữa giáo viên và cha mẹ học sinh hoặc giáo viên và học sinh. TS. Cường hướng dẫn giáo viên duy trì trao đổi, thu thập thông tin phản ánh về việc học tập của học sinh hoặc yêu cầu sự trợ giúp từ phía cha mẹ học sinh. Tóm lại, trong học trực tuyến bản thân học sinh luôn có xu hướng sợ bị cô đơn khi bị mất giao tiếp, lo lắng khi không hiểu lời cô giảng, nội dung bài giảng, lúng túng khi bắt chước các thao tác hoặc bất an khi làm không đúng theo yêu cầu, bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ… Do đó, người giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học trong mọi hoạt động của trẻ. “Chúng ta không có cơ hội kết giao trực tiếp với học sinh nhưng lại có thể kết nối với các em bằng công nghệ! Hãy nghĩ đến các em để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo theo cách riêng của thầy cô!” – TS. Tôn Quang Cường gửi gắm. >>> Xem lại chương trình tọa đàm tại đây. >>> Các tin tức liên quan: - Tọa đàm: Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học - Dạy học trực tuyến ở tiểu học: Cần linh hoạt trong thiết kế bài giảng - Tọa đàm: Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh học trực tuyến - Trẻ lớp 1 học trực tuyến: Cần nền tảng tâm lý vững vàng - Hành trang kiến thức cho trẻ lớp 1 học trực tuyến |