Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kể từ Hội thảo Việt Nam học lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998, các kỳ Hội thảo đều cho thấy sự nhất quán về mục tiêu nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của đất nước và góp phần vào sự hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Những đóng góp quan trọng từ kết quả nghiên cứu Việt Nam học, từ các cuộc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học là rất đáng trân trọng và có ý nghĩa thiết thực, nhất là trên phương diện xây dựng chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng trước sự lớn mạnh của lực lượng nghiên cứu Việt Nam học ở cả trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đóng góp những nghiên cứu khoa học ý nghĩa về Việt Nam
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới; đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia. Thế giới hôm nay trở nên rất khác so với trước khi đại dịch xuất hiện, với những thời cơ và thách thức mới trên cả bình diễn tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, điều này không thể thay đổi bản chất các đại dịch là kẻ thù chung của nhân loại hôm qua, hôm nay và ngày mai, vấn đề là phải làm sao để kẻ thù này không thể gây tổn thất nhiều cho ngày mai sau không chỉ là đầu bài của ngành y tế hay khoa học công nghệ mà còn là của tất cả các ngành khoa học nói chung.
Ở Việt Nam, tới hôm nay, đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi và tiếp tục tăng trưởng. Báo cáo chính trị tại Đại hội đã nhận định về sự vận động toàn cảnh của thế giới, trong đó nhấn mạnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tuy gặp nhiều trở ngại nhưng vẫn là xu hướng chủ đạo; phát triển bền vững tiếp tục là xu thế bao trùm; đồng thời cũng khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững, dựa trên khoa học và công nghệ, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội; chủ động tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...Việt Nam cũng tái khẳng định quan điểm lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực của phát triển; khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia phồn vinh, hạnh phúc; phát huy vai trò là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần kiến tạo, gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả. Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu làm sâu sắc hơn nội dung của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa; những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức. Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nẩy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
GS.TS. Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cho rằng quá trình phát triển của ngành Việt Nam học gắn liền với những bước đi lên của Việt Nam, là nhịp cầu gắn kết Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhận định, trải qua 6 kỳ hội thảo, với quy mô ngày càng lớn, những hiểu biết về Việt Nam ở trong nước và thế giới được từng bước nâng lên, nhiều nghiên cứu, đề xuất đã được ứng dụng vào thực tiễn hoạch định và triển khai chính sách. Đó là những đóng góp thiết thực phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của nhân loại. Ông bày tỏ hy vọng hội thảo lần này sẽ tiếp nối thành công của 5 kỳ hội thảo trước trên tất cả các phương diện, bất chấp những cản trở của dịch bệnh và khoảng cách địa lý.
Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tiếp tục hướng tới việc phát triển sâu rộng ngành Việt Nam học trên toàn cầu, là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước kế thừa các nghiên cứu trước đó về Việt Nam học, đồng thời làm rõ các vấn đề đương đại của Việt Nam trong thế kỹ XXI. Hội thảo Quốc tế Việt Nam học là sự kiện để thu hút giới nghiên cứu, giới truyền thông trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới sự chủ động hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong thập niên thứ Ba của thế kỷ XXI trên nhiều khía cạnh: chính trị, luật pháp, con người, văn hóa, xã hội, dân tộc, tôn giáo, kinh tế, hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường và nhiều lĩnh vực khác; đồng thời nhằm làm rõ vai trò tích cực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới. Hội thảo diễn ra trên cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với 500 đại biểu trong nước (đã đáp ứng đủ điều kiện phòng dịch) và khoảng 100 đại biểu quốc tế. Hơn 400 báo cáo khoa học sẽ được trình bày tại Hội thảo.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết Viện và Đại học Quốc gia Hà Nội đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện và phương án tổ chức hội thảo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với mong muốn các nhà nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới và Việt Nam có được sự thuận lợi cao nhất để công bố và cùng nhau trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới của mình về Việt Nam được trăn trở, ấp ủ trong suốt bốn năm qua.
Nội dung Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI được xây dựng bao gồm phiên toàn thể và các phiên chuyên đề với sự chủ trì của Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và lãnh đạo của các Viện/ trường nghiên cứu chuyên ngành; tập trung vào 11 chủ đề chính (10 tiểu ban và 1 diễn đàn), trải rộng trên tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, theo cách tiếp cận liên ngành và đa ngành, trong đó nhấn mạnh các nghiên cứu để phát triển ngành Việt Nam học, gia tăng bị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế, góp phần phản bác các quan điểm và nhận định sai trái, phiến diện về quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Ngoài phiên Khai mạc, phiên Bế mạc, Hội thảo sẽ bao gồm 10 Tiểu ban và 01 Diễn đàn được tổ chức trong 02 ngày 28 – 29/10/2021. Nội dung của các Tiểu ban tập trung vào các vấn đề quan trọng, có hàm ý chính sách cần được nghiên cứu, trao đổi và thảo luận.
Chiều nay, một sự kiện khoa học quan trọng trong khuôn khổ Hội thảo là Diễn đàn “Nghiên cứu Việt Nam học: Thành tựu và Triển vọng” sẽ được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm giới thiệu các nghiên cứu tiêu biểu về Việt Nam học trong nước và quốc tế, đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của ngành Việt Nam học từ trước đến nay.
Một số hình ảnh khác của sự kiện
>>> Các tin liên quan
- [Video] Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững" phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang
- [Infographic] Diễn đàn Việt Nam học: Thành tựu và Triển vọng
- [Video] Các kỳ Hội thảo quốc tế Việt Nam học
- [Video] Thế mạnh hàng đầu của ĐHQGHN là truyền thống học thuật được kế thừa từ ĐH Đông Dương đến ĐH Tổng hợp Hà Nội
- [Video] Việt Nam học với một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ
- Hội thảo Việt Nam học lần thứ VI diễn ra vào ngày 28 - 29/10/2021 |