TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 17:06:07 Ngày 04/11/2021 GMT+7
Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
Ngày 4/11/2021, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hội nghị là một trong chuỗi các sự kiện chào mừng 65 năm truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tham dự và chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Hiệu trưởng nhà trường Vũ Hoàng Linh cho biết, đổi mới sáng tạo là nhu cầu tất yếu của Trường ĐHKHTN trong giai đoạn phát triển mới, hội nghị khoa học lần này được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng và thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Nhà trường. Hội nghị bao gồm Phiên toàn thể và 9 tiểu ban: Toán - Cơ - Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Địa chất, Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Môi trường, Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững. Ban tổ chức đã nhận 343 báo cáo trình bày tại 9 tiểu ban này.

Hiệu trưởng Vũ Hoàng Linh tin tưởng thông qua hội thảo này, các đại biểu sẽ đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo, tạo động lực niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho mỗi cán bộ trong nhà trường, để trong thời gian tới các sản phẩm công nghệ của trường đều mang tính thời sự cao, xứng đáng là đơn vị cốt cán trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản. Trong thời gian tới, mô hình tổ chức nghiên cứu cần được điều chỉnh đề phù hợp hơn với thực tiễn và đạt hiệu quả cao hơn, các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu cần đi vào thực chất hơn, nhất là vai trò kết nối thị trường của bộ phận chuyển giao công nghệ.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chúc mừng toàn thể cán bộ nhà trường nhân 65 năm ngày truyền thống và ghi nhận những đóng góp quan trọng của các nhà khoa học trong sự thành công chung của ĐHQGHN về lĩnh vực khoa học công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ, bài báo khoa học công bố quốc tế. Phó Giám đốc nhấn mạnh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là đơn vị trụ cột của ĐHQGHN trong lĩnh vực khoa học công nghệ góp phần trong việc nâng cao thứ hạng qua các bảng xếp hạng của ĐHQGHN. Trong thời gian tới, nhà trường cần phát huy hoạt động khoa học công nghệ và đẩy mạnh các công bố chung với các học giả quốc tế nhằm gia tăng chỉ số học giả thông qua sự kết nối giữa nhà khoa học trong nước với nhà khoa học trên thế giới. Đồng thời, các nhà khoa học cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn, thương mại hóa sản phẩm, giải quyết được thách thức về đô thị hóa và chống biến đổi khí hậu mà Việt Nam và thế giới đang phải ứng phó.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng chia sẻ, hiện nay ĐHQGHN đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc phát triển các Phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tạo cơ chế tốt cho các nhà khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói riêng và toàn ĐHQGHN nói chung tập trung chuyên môn để nghiên cứu và có nhiều sản phẩm được thương mại hóa. Trong thời gian tới nhà trường cần chú trọng và thúc đẩy hợp tác phát triển với các doanh nghiệp nhằm đưa sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sang tạo của các nhà khoa học của ĐHQGHN ứng dụng vào thực tiễn góp phần vào việc phát triển nền kinh tế của đất nước.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN Trần Quốc Bình chia sẻ về đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường và các giải pháp để phát triển trong thời gian tới. 

Tại phiên toàn thể, các đại biểu, nhà khoa học đã được nghe 04 tham luận với nhiều nội dung: “Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: thực trạng và định hướng phát triển đến năm 2025”; “Những chính sách mới của Nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ trong trường đại học”;  “Một số định hướng của Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên trong kết nối kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học với thị trường”; “Kinh nghiệm phát triển sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực Môi trường”…

Trưởng Khoa Môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Mạnh Khải chia sẻ các kinh nghiệm phát triển một số sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực môi trường.

Mỗi tham luận đều đưa ra các nội dung khác nhau với mục đích đưa ra các đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sang tạo tại nhà trường trong giai đoạn 2021 - 2025.

 

Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên Trần Ngọc Anh cho biết việc kết nối kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học với thị trường là yếu tố không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Tạ Ngọc Đôn đã trình bày các chính sách mới của nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ trong trường đại học.

Tại hội nghị, đại biểu đã nghe nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp đã và đang hợp tác với các nhóm nghiên cứu của nhà trường chia sẻ về bài toán thực tế khi nhà khoa học làm nghiên cứu cơ chế, chính sách để sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn một cách nhanh nhất.

Trong giai đoạn 2016 -2020, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã đạt được nhiều thành tích nổi bật thông qua các sản phẩm:

Chủ trì 464 đề tài, dự án KH&CN; 316 hợp đồng dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ; nhà trường đã có nhiều nhóm nghiên cứu mũi nhọn với 12 nhóm nghiên cứu mạnh và 01 phòng thí nghiệm (PTN) trọng điểm cấp quốc gia, 05 PTN trọng điểm cấp ĐHQGHN; gần 100 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; nhiều giải thưởng về khoa học công nghệ danh dự.

Định hướng về nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên trong thời gian tới:

Triển khai các hoạt động NCKH cơ bản theo đặt hàng hoặc phối hợp với các doanh nghiệp lớn: nghiên cứu về các vật liệu mới, các hợp chất mới, các thuật toán mới, ... nhằm tạo tiền đề để triển khai các nghiên cứu ứng dụng của doanh nghiệp.

Hỗ trợ kết nối thông tin cho các nhà khoa học để nhận dạng và triển khai các nghiên cứu liên ngành: không chỉ là sự phối hợp bên trong lĩnh vực khoa học tự nhiên mà còn với lĩnh vực khoa học khác như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ địa không gian trong khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ blockchain trong kinh tế, khoa học quản lý, ...

Phát huy vai trò của các PTN trọng điểm, PTN mục tiêu trong đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Tăng cường khai thác hệ thống trang thiết bị khoa học được đầu tư; Xây dựng không gian mở để kết nối các nhà khoa học, giao lưu, chia sẻ thông tin; Khai thác hiệu quả cơ sở mới ở Hòa Lạc cùng với củng cố các cơ sở hiện có ở nội thành Hà Nội; Tổ chức các đoàn công tác tiếp cận doanh nghiệp để các nhà khoa học “sống cùng hơi thở của doanh nghiệp”, cùng tham gia vào quá trình ĐMST tại doanh nghiệp; Đổi mới quan điểm: đăng ký SHTT không phải là đích đến mà là phương tiện để tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm KH&CN; Tạo dựng và phát triển kênh tương tác chặt chẽ giữa Nhà trường với thị trường.

 

 Lê Đan Thùy
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ