TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 08:35:34 Ngày 27/11/2021 GMT+7
Sử dụng nguồn tài liệu đã công bố và vấn đề bản quyền trong biên soạn Quốc chí
Chiều ngày 26/11/2021, Phó Giám đốc ĐHQGHN - Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí chủ trì hội thảo khoa học “Sử dụng nguồn tài liệu đã công bố và vấn đề bản quyền trong biên soạn Quốc chí” do ĐHQGHN tổ chức, dưới hình thức trực tuyến.

 

Hội thảo có sự tham dự của gần 200 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị là tổ chức chủ trì các Nhiệm vụ thành phần thuộc Nhiệm vụ Quốc chí; Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí, các Chủ nhiệm Nhiệm vụ thành phần và thành viên tham gia biên soạn thuộc Nhiệm vụ Quốc chí.

Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí, Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Sau gần 4 năm tích cực triển khai, cho đến thời điểm hiện tại Nhiệm vụ đã ký hợp đồng thực hiện 14 nhiệm vụ thành phần thuộc nhiều lĩnh vực: cương vực, địa lí, ngôn ngữ, văn hoá, ...; triển khai 02 nhiệm vụ hỗ trợ, các hoạt động chuyên môn định kỳ; xây dựng phần mềm biên soạn quốc chí để hỗ trợ biên soạn và quản lý tiến độ chung của Nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Do tính chất quan trọng của nhiệm vụ, cũng như công tác biên soạn, thu thập dữ liệu, khai thác nguồn tài nguyên thứ cấp trở thành tài nguyên ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, mỗi tư liệu trong mỗi Tập yêu cầu tính trung trực càng cao, khách quan và tuân thủ nghiêm ngặt theo pháp luật hiện hành, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc trích dẫn, bản quyền trong việc biên soạn Quốc chí. 

Trong thời gian triển khai nhiệm vụ, Ban chủ nhiệm đã ghi nhận nhiều vấn đề khó khăn đặc biệt công tác bản quyền dữ liệu, trích dẫn từ các Nhiệm vụ thành phần.

Hội thảo đã có nhiều báo cáo tham luận đề cập đến các vấn đề khác nhau như: áp dụng luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền trong công tác biên soạn Mục của Quốc chí, …  nhằm cung cấp tới các nhà khoa học tham gia biên soạn có cái nhìn tổng quan về luật biên soạn Nhiệm vụ.

PGS. TS Nguyễn Tiến Vinh, Ban Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí chia sẻ tham luận có chủ đề “luật sở hữu trí tuệ và vận dụng trong biên soạn Quốc chí”, đề cạnh đến các khía cạnh luật pháp của việc sử dụng tư liệu trong biên soạn Mục từ

PGS.TS Trần Thị An, Thư ký Ban Chủ nhiệm Nhiệm vụ Quốc chí trình bày dự thảo về những quy định về trích dẫn, bản quyền trong Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam.

TS Võ Đình Hiếu, Trường ĐH Công nghệ trình bày về vấn đề kiểm soát trùng lặp trong phần mềm biên soạn Quốc chí. Thông qua, bản tham luận các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về thực tế trùng lặp dữ liệu công tác biên soạn và có giải pháp phù hợp trên hệ thống phần mềm đảm bảo kiểm soát được thông tin về chuyên môn.

Đại diện Tập Lịch sử, PGS.TS Đặng Hồng Sơn chia sẻ kinh nghiệm sử dụng tư liệu thứ cấp trên cơ trải nghiệm từ thực tiễn đang triển khai.

TS. Phan Văn Kiền đại diện cho tập Truyền thông trình bày chi tiết về những lưu ý trong công tác bản quyền ảnh khi soạn mục quốc chí.  Những đặc trưng của ảnh tư liệu được sử dụng như thế nào? Một số lưu ý về bản quyền và một số kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn ảnh mà không bị vi phạm bản quyền.

Các tham luận là những gợi ý mang tính trải nghiệm tuân thủ bộ quy chuẩn Biên soạn Bộ địa chí Quốc gia do Ban thư ký Nhiệm vụ đã ban hành. Các nhà khoa học đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến phương thức thực hiện, bản quyền ảnh, dữ liệu, quy định, tiếp cận nguồn kiểm chứng có uy tín, cơ sở dữ liệu đã được công bố, atlat, biên soạn hay cách thức thực hiện như thế nào để đảm bảo tính thời sự trong mọi lĩnh vực, đảm bảo tính khách quan mà không vi phạm bản quyền.

Phó trưởng ban KHCN, Trưởng ban Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí, TS. Phạm Đức Anh nhấn mạnh thêm: Trong thời gia tới, Nhiệm vụ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để tổng hợp, từ đó tiếp tục hoàn thiện bộ quy chuẩn với những hướng dẫn chi tiết cụ thể thông qua các văn bản, bộ quy chuẩn biên soạn Quốc chí. Vấn đề bản quyền khi biên soạn các mục chí, khai thác sử dụng tư liệu, quy cách trích dẫn tài liệu, …

Thông qua các báo cáo tham luận của cơ sở dữ liệu, nên xây dựng hệ thống phần mềm có sự liên thông với các cơ sở dữ liệu hiện có, trong quá trình biên soạn sẽ phát hiện, cảnh báo với các tác giả ngay trong quá trình biên soạn. Đồng thời, đề nghị các nhóm xây dựng phần mềm cần có thêm chức năng cảnh báo nhà khoa học cần có chú thích kịp thời trong các mục.

Trưởng ban Thư ký Nhiệm vụ cũng lưu ý trên cơ sở các ý kiến thảo luận các tập qua hội thảo này, Nhiệm vụ đề nghị Ban Thư ký nhiệm vụ cần rà soát lại Bộ quy chuẩn Biên soạn và bổ sung cơ sở dữ liệu cụ thể để các nhà khoa học khi biên soạn tuân thủ đúng quy định.

Trong biên soạn chí, nguyên tắc tối cao vẫn là ưu tiên sử dụng các tài liệu nguyên cấp, điều tra điền dã, tư liệu do tác giả tìm kiếm. Bên cạnh đó, tác giả khi sử dụng tài liệu đã xuất bản cần hết sức lưu ý nguồn để đảm bảo tính liêm chính học thuật – Trưởng Ban thư ký Nhiệm vụ Phạm Đức Anh cho biết thêm.

Nhiệm vụ Quốc chí được phê duyệt theo Quyết định số 2079/QD-TTg ngày 22/12/2017, của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ĐHQGHN là cơ quan chủ trì và Giám đốc ĐHQGHN đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Nhiệm vụ.

Nhiệm vụ Quốc chí có mục tiêu: Xây dựng và cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp về điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, xã hội góp phần phát triển khoa học, giáo dục và nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh thông qua hình thành cơ sở dữ liệu ở dạng sách số (digital book) và bộ sách in Địa chí Quốc gia Việt Nam.

 

 

 Phương Nam
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ