TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:10:55 Ngày 07/12/2021 GMT+7
Nửa thế kỉ "phải lòng" Toán học của một nhà giáo
“Vượt sóng chèo đò đến bến xa - Gió mưa, nắng gắt đã kinh qua - Đưa người lữ khách sang tới bến - Còn lại dòng sông, ta với ta”. Đó là câu chuyện về người thầy đã gắn bó nửa thế kỷ với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN từ những ngày đầu “khi lửa mới nhen” – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Đặng Hùng Thắng.

Niềm say mê môn Toán đã thôi thúc chàng trai Đặng Hùng Thắng thi vào Khoa Toán, Trường ĐH Tổng hợp và trở thành Sinh viên K16 Khoa Toán ĐH Tổng hợp vào tháng 11/1971. Khi được giữ lại Khoa Toán làm giảng viên, chàng trai đó hiểu rằng, số phân đã chọn ông theo nghề giáo. Đây cũng là nghề gia truyền bởi ba thế hệ trong gia đình ông đều có người làm nghề dạy học.

Khi mới tốt nghiệp đại học, trong thời gian chờ phân công công tác, trong một lần tham dự Xemina của bộ môn Xác suất –Thống kê, chàng trai đó đã “phải lòng” những buổi trình bày của GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến (1942-2021).Và cũng từ mối nhân duyên đó đã kết nên tình đồng nghiệp bền chặt giữa hai người sau này.

Những ngày sau đó, hai nhà khoa học trẻ thường xuyên gặp nhau để bàn luận, đàm đạo về toán học. Với ông, GS.TSKH Nguyễn Duy Tiến như một người thầy, một người anh, một người bạn lớn. Ông đã học được ở người đàn anh của mình rất nhiều điều về phương pháp nghiên cứu, cách đọc sách, tích luỹ kiến thức và thu thập thông tin.

“Cuộc sống ngày ấy thiếu thốn đủ bề, các nhà giáo lại còn khó khăn gấp bội, muốn tồn tại phải có thêm nghề phụ. Chẳng có động cơ nào ngoài sự tò mò muốn khám phá điều chưa biết, lòng khao khát chinh phục cái khó, cái đẹp của Toán học đã gắn bó chúng tôi làm toán với nhau Những lúc phải nhường chiếc bàn duy nhất trong nhà cho vợ chấm bài hay cuốn thuốc lá, anh Tiến lại kéo tôi xuống một gian nhà kho, vốn là nơi chứa củi cho cả khu tập thể. Từ căn nhà kho ấy, chúng tôi đã viết chung 08 bài báo trong đó có 03 bài đăng trên một Tạp chí uy tín nhất của Liên xô về Xác suất -Thống kê”, GS. Đặng Hùng Thắng nhớ lại.

Bao thời gian đã trôi qua, nhưng những năm tháng ấy vẫn mãi mãi đọng lại trong ký ức ông như những kỷ niệm đẹp chẳng thể phai mờ.

GS.TSKH Đặng Hùng Thắng tham dự Đại hội Toán học Quốc tế tại Án độ (tháng 8-2010). Tại Đại hội này GS Ngô Bảo Châu được trao tặng giải thưởng Fields, được coi như giải Nobel vê Toán học

Bảo vệ luận án Tiến sỹ và Tiến sỹ Khoa học ở trong nước theo chế độ ngắn hạn, tự học là chính, GS. Đặng Hùng Thắng cho rằng mình đích thị là“ nhà khoa học 100% made in Việt Nam”.Là một giảng viên đại học, cái đích mà ông hướng tới là sự xuất sắc, hoàn hảo trong công việc, đào tạo được những người học trò giỏi.

Người ta thường ví nhà giáo như một người lái đò thầm lặng, miệt mài qua lại giữa đôi bờ đưa khách qua sông. Trong suốt thời gian 43 năm “chèo đò” không ngơi nghỉ của mình, GS. Đặng Hùng Thắng thủy chung với một “con đò” duy nhất là Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Toán – Cơ –Tin học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, chèo lái biết bao chuyến đò đưa khách qua dòng sông tri thức, cập bến an toàn để đi tiếp đến những miền đất mới. Những người khách đó là các học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia, kỳ thi Toán quốc tế (IMO), các sinh viên Toán Hệ chuẩn, Hệ Cử nhân Khoa học Tài năng, Hệ Tiên tiến (dạy bằng tiếng Anh) và các Học viên cao học, Nghiên cứu sinh. Ông đã hướng dẫn 07 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và gần 60 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ

Ngoài việc “chèo đò đưa khách sang sông”, GS. Đặng Hùng Thắng còn là một nhà giáo say mê công tác nghiên cứu khoa học. Với những nố lực không ngơi nghỉ, đến nay ông đã công bố hơn 50 bài báo trên các Tạp chí Toán học có uy tín, phần lớn là các tạp chí thuộc danh mục ISI. Ngoài ra, ông còn tham gia và chủ trì các đề tài khoa học cấp quốc gia.

Ỗng đã biên soạn 09 cuốn sách cho bậc đại học và sau đại học, được nhiều trường đại học sử dụng, một số cuốn sách được tái bản nhiều lần như “Mở đầu về Lý thuyết Xác suất và Ứng dụng” tái bản lần thứ 9, “Thống kê và Ứng dụng” tái bản lần thứ 5, “Bài tập Xác suất” tái bản lần thứ 13.

Với những đóng góp lớn trong sụ nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc, năm 2020 ông đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” cao quý.

“Nhìn lại chặng đường đã qua của mình, tôi thấy bản thân đã không bị khuất phục trước hoàn cảnh, đã nỗ lực vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách để có ngày hôm nay. Thông điệp mà tôi muốn gửi tới các bạn trẻ là “Hãy kiên nhẫn tiến lên phía trước bằng đôi chân của chính mình. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không được nản lòng và hết hy vọng.”, GS. Đặng Hùng Thắng tâm sự.

 Về nghề dạy học, GS. Đặng Hùng Thắng chia sẻ: “Muốn là người thầy giỏi, việc đầu tiên phải thích thú, làm chủ và nắm vững môn học mình dạy. Đây mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Dạy học là một nghệ thuật trong đó không chỉ giảng giải, truyền thụ kiến thức mà phải là người truyền cảm hứng cho học trò, mang đến cho họ sự thích thú, hài lòng trong quá trình học tập.

Người thầy giỏi không nhồi nhét kiến thức, mà phải biết khêu gợi trí tò mò, kích thích sự ham hiểu biết, tinh thần sáng tạo của người học. Giống như một người nhóm lò, đánh một tia lửa, khêu thành đốm lửa để bùng lên thành ngọn lửa. Người thầy giỏi biết dạy học theo định hướng cá thể hóa, có những cách dạy phù hợp cho từng đối tượng, biết đặt mình vào vị trí của người học, hiểu họ cần cái gì, có khó khăn gì.

 Đối với một giảng viên đại học, phải luôn cập nhật kiến thức đưa vào giảng dạy những hiểu biết mới nhất và phải tích cực nghiên cứu khoa học. NCKH đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ người thầy bởi lẽ cách học tốt nhất là tự mình khám phá lấy”. 

 

 Quang Lâm
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ