TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 29/12/2021 GMT+7
Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên tại ĐHQGHN
Từ ngày 1/1/2022, giảng viên tại ĐHQGHN có quyền lựa chọn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy; được giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy nếu là tác giả của một số sản phẩm khoa học vượt định mức, tối đa bằng 50% giờ chuẩn giảng dạy; được hỗ trợ tài chính đối với các sản phẩm khoa học không thuộc đề tài, dự án (có tài trợ kinh phí) theo định mức tối thiểu được quy ra số giờ chuẩn giảng dạy hệ chuẩn; Bổ sung chế độ làm việc cho giảng viên làm việc từ xa và các công trình xuất sắc, các nhóm nghiên cứu mạnh được đầu tư theo quy định riêng...

>>> Chi tiết Quyết định 4326/QĐ-ĐHQGHN.

Đó là một số điểm mới ưu việt về chế độ làm việc đối với giảng viên tại ĐHQGHN vừa được Giám đốc ĐHQGHN ký ban hành tại Quyết định số 4326/QĐ-ĐHQGHN ngày 27/12/2021.

Văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và thay thế các quy định liên quan đến chế độ làm việc của giảng viên tại Quyết định số 1819/QĐ-ĐHQHN ngày 1/6/2017 của Giám đốc ĐHQGHN về việc ban hành Quy định về chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên tại ĐHQGHN; thay thế các quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ công bố quốc tế của ĐHQGHN đã ban hành.

Theo đó, tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH), phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 giờ đến 350 giờ (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ làm việc hành chính), trong đó giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc trực tuyến trên thực tế phải đạt tối thiểu 50%.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy đối với giảng viên giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể (từ cấp phó trưởng bộ môn hoặc tương đương trở lên) là 270 giờ chuẩn giảng dạy và được tính theo tỷ lệ % của định mức này đối với từng chức danh, chức vụ cụ thể áp dụng tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy được áp dụng để tính định biên nhân lực giảng viên trong toàn ĐHQGHN đối với các hệ đào tạo chính quy là 270 giờ chuẩn giảng dạy.

Về định mức hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên phải dành tối thiểu 600 giờ hành chính trong một năm học để thực hiện các nhiệm vụ NCKH. Trong 03 năm (từ năm 2022 đến hết năm 2024), mỗi giảng viên đảm bảo một trong các định mức công bố sản phẩm khoa học sau: Tối thiểu 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus. Đối với lĩnh vực khoa học đặc thù khó công bố quốc tế thì tối thiểu 01 bài báo đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có phản biện và được xuất bản; Tối thiểu 01 sách chuyên khảo hoặc 02 chương sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài do nhà xuất bản quốc tế có uy tín hoặc nhà xuất bản thuộc trường đại học nằm trong nhóm 1000 trường đại học hàng đầu thế giới xuất bản; Tối thiểu 01 bằng độc quyền sáng chế theo chuẩn Patent tại Việt Nam hoặc chuẩn Patent của Mỹ hoặc Châu Âu, Đông Bắc Á; Tối thiểu 01 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Từ năm 2025, cứ 02 năm liên tiếp, mỗi giảng viên đảm bảo định mức công bố tối thiểu 01 bài báo khoa học trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus. Đối với lĩnh vực đặc thù khó công bố quốc tế, cứ 02 năm liên tiếp, mỗi giảng viên đảm bảo định mức công bố tối thiểu 01 bài báo đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có phản biện và được xuất bản. Định mức này không áp dụng đối với giảng viên giáo dục thể chất và thể thao, quốc phòng và an ninh.

Định mức giờ để thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác là thời gian làm việc còn lại của giảng viên trong một năm học sau khi trừ định mức giờ để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ NCKH.

Chế độ đối với giảng viên hoàn thành vượt định mức các nhiệm vụ được quy định như sau:

Giảng viên có số giờ giảng dạy vượt định mức thì được hưởng chế độ làm việc vượt giờ theo quy định của Nhà nước và của đơn vị.

Giảng viên hoàn thành tổng thời gian làm việc trong năm học và có số giờ NCKH vượt định mức theo quy định về định mức công bố sản phẩm khoa học thì được hưởng các quyền lợi sau:

a) Được giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy nếu là tác giả của một số sản phẩm khoa học vượt định mức, chi tiết theo bảng dưới đây:

TT

Sản phẩm khoa học

Số giờ chuẩn giảng dạy
 tối thiểu được giảm

1

Tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu WoS/Scopus và có ưu tiên đối với tạp chí thuộc danh mục Q1 của cơ sở dữ liệu Scopus

60 giờ/1 bài báo

2

Chương sách chuyên khảo tại nhà xuất bản quốc tế có uy tín

60 giờ/01 chương sách

3

Sách chuyên khảo xuất bản tại nhà xuất bản quốc tế có uy tín

100 giờ/01 sách chuyên khảo

4

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

60 giờ/01 bằng

5

Bằng độc quyền sáng chế (chuẩn Patent tại Việt Nam)

60 giờ/01 bằng

6

Bằng độc quyền sáng chế (chuẩn Patent của Mỹ hoặc Châu Âu, Đông Bắc Á)

100 giờ/01 bằng

Tổng số giờ giảm định mức tối đa bằng 50% giờ chuẩn giảng dạy. Căn cứ điều kiện và chất lượng sản phẩm khoa học được công bố, người đứng đầu đơn vị có thể quy định định mức giảm cao hơn.

b) Được hỗ trợ tài chính đối với các sản phẩm khoa học không thuộc đề tài, dự án (có tài trợ kinh phí) theo định mức tối thiểu được quy ra số giờ chuẩn giảng dạy hệ chuẩn như sau:

TT

Sản phẩm khoa học

Đơn vị tính

Định mức hỗ trợ
tài chính tối thiểu quy ra số giờ chuẩn giảng dạy tối thiểu

1

Tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus (tính cả bài trong định mức đăng ký), chi tiết theo từng dòng dưới đây:

 

 

Lần đầu tiên

Bài

80 giờ

Lần thứ hai

Bài

120 giờ

Từ lần thứ ba

Bài

160 giờ

2

Sách chuyên khảo quốc tế tại nhà xuất bản có uy tín, chi tiết theo dòng dưới đây:

 

 

Lần đầu tiên

Sách

80 giờ

Lần thứ hai

Sách

120 giờ

Từ lần thứ ba

Sách

160 giờ

Căn cứ điều kiện, khả năng tài chính của đơn vị và chất lượng sản phẩm khoa học được công bố, người đứng đầu đơn vị có thể quy định định mức hỗ trợ cao hơn.

Trường hợp sản phẩm công bố khoa học có nhiều tác giả cùng công tác tại ĐHQGHN thì phần đóng góp của tác giả chính (hoặc chủ biên, chủ công trình) được tính bằng 1/3, số còn lại được chia theo mức đóng góp của từng tác giả tham gia (tính cả tác giả chính và đồng tác giả); nếu không xác định được cụ thể mức đóng góp thì chia đều theo số tác giả công tác tại ĐHQGHN.

Về tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị

Người đứng đầu đơn vị, căn cứ Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT, các điều kiện cụ thể của đơn vị và Quyết định này để triển khai điều chỉnh các Quy định hiện hành của đơn vị liên quan đến chế độ làm việc của giảng viên hoặc ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên của đơn vị. Cụ thể:

a) Quy định chi tiết định mức giờ làm việc đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp của giảng viên để thực hiện các nhiệm vụ trong một năm học phù hợp với sứ mạng, mục tiêu giáo dục của đơn vị và định hướng đại học nghiên cứu của ĐHQGHN.

b) Quy đổi giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc trực tuyến vượt định mức sang giờ làm việc để thực hiện nhiệm vụ NCKH tối thiểu còn thiếu đối với giảng viên của đơn vị.

c) Quy đổi giờ thực hiện nhiệm vụ coi thi, chấm thi kết thúc học phần; chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; phản biện và chấm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ra giờ chuẩn giảng dạy.

d) Từ năm 2025, hằng năm, đảm bảo trung bình mỗi giảng viên của đơn vị tối thiểu có 01 bài báo khoa học quốc tế đăng trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS hoặc Scopus. Tùy thuộc vào mức độ ưu tiên của đơn vị, quy định định mức công bố các sản phẩm khoa học khác (chưa được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1) để mỗi giảng viên của đơn vị được hưởng quyền lợi theo giá trị quy đổi tương đương.

đ) Quy định lĩnh vực khoa học đặc thù khó công bố quốc tế của đơn vị (nếu có) và xác định danh mục tạp chí khoa học quốc tế có uy tín áp dụng tại đơn vị; quyết định mức quy đổi đối với các bài đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế có phản biện, chương sách chuyên khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN do các nhà xuất bản nước ngoài (có trong cơ sở dữ liệu của Web of Science) phát hành để tính định mức về công bố khoa học quốc tế cho giảng viên của đơn vị.

e) Quy định việc quy đổi số giờ thực hiện nhiệm vụ NCKH từ các loại hình sản phẩm khoa học công nghệ và kinh phí chuyển giao khoa học công nghệ.

g) Quy định chế độ trao đổi khoa học cho giảng viên có các sản phẩm khoa học công nghệ vượt trội so với định mức của đơn vị.

h) Định kỳ tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện cam kết của giảng viên về công bố khoa học (theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 của Quyết định này) gắn với công tác thi đua - khen thưởng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên tại đơn vị.

i) Quy định cho phép giảng viên cơ hữu do nhu cầu cá nhân nên chuyển ra nước ngoài sinh sống và làm việc, có nguyện vọng tiếp tục làm việc và đóng góp cho đơn vị, cho ĐHQGHN được thực hiện hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo cơ chế làm việc từ xa. Quy định của đơn vị bao gồm các nội dung: Giảng viên được áp dụng chế độ làm việc từ xa; quyền và nghĩa vụ của giảng viên làm việc từ xa; điều kiện, thẩm quyền phê duyệt chế độ làm việc từ xa; trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc quản lý, đánh giá giảng viên làm việc từ xa.

k) Quy định cho phép giảng viên cơ hữu sau 03 đến 05 năm công tác liên tục tại một cơ sở đào tạo sau khi hoàn thành định mức các nhiệm vụ của giảng viên trong mỗi năm học có thể nghỉ 06 tháng để thực tập, học hỏi kinh nghiệm tại các đơn vị trường khác, hoặc các doanh nghiệp bên ngoài để cập nhật sự phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, cũng như phát triển mạng lưới, hệ thống NCKH.

l) Ban hành chính sách hỗ trợ chuyên môn, tài chính; thực hiện chế độ khen thưởng cho giảng viên, người học của đơn vị có thành tích trong công bố khoa học; hỗ trợ tài chính cho các công bố khoa học quốc tế vượt định mức.

m) Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính đối với công bố khoa học quốc tế lấy từ nguồn thu của đơn vị, Quỹ phát triển khoa học công nghệ của đơn vị, Quỹ phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN và các nguồn hợp pháp khác.

2. Trách nhiệm của các Ban chức năng

a) Ban Khoa học - Công nghệ: Đầu mối tham mưu, đề xuất với Giám đốc ĐHQGHN trong việc quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa sự đóng góp của giảng viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế.

b) Ban Kế hoạch - Tài chính: Đầu mối tổng hợp các đề xuất hỗ trợ tài chính từ các đơn vị đối với công bố khoa học quốc tế, tham mưu Ban Giám đốc ĐHQGHN phương án cân đối, hỗ trợ.

c) Ban Tổ chức Cán bộ: Đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về chế độ làm việc của giảng viên tại các đơn vị.

d) Các Ban chức năng còn lại căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia xây dựng các chính sách hỗ trợ liên quan đến quyền lợi, chế độ thi đua, khen thưởng, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ làm việc của giảng viên.

 Hương Giang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ