Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). "Trong báo cáo GII 2021 do WIPO phát hành, Việt Nam tiếp tục được WIPO nêu trong báo cáo như quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn". Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, "chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP" Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định dẫn thông tin. Trong bối cảnh Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Các dự án, nhiệm vụ của đề án này tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Cập nhật dữ liệu cho các phân hệ và dự án trên Hệ tri thức Việt số hóa; Kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về Covid-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; Triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo Callbot gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19... Năm 2021, các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước... đã được xây dựng và ban hành. Tham luận từ các bộ, trường đại học và viện nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp cũng chỉ ra nhiều dữ liệu cho thấy, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đang đóng góp vào phát triển kinh tế chung và từng ngành. Giám đốc ĐHGQHN Lê Quân trình bày tham luận tại hội nghị Đặc biệt, trình bày tham luận tại hội nghị với chủ đề Doanh nghiệp khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng: Một đại học trong bối cảnh tự chủ như hiện nay thì nhất thiết phải đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ, tăng cường kết nối với doanh nghiệp để đưa các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Giám đốc ĐHQGHN cũng nhấn mạnh, các trường đại học hiện nay trong đó có ĐHQGHN cũng đang có nhiều hạn chế trong việc đầu tư cho các sản phẩm khoa học công nghệ do còn khó khăn trong cơ chế tài chính. Trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ tập trung mạnh mẽ về cả nhân lực và vật lực để tăng cường nhiều hơn các sản phẩm khoa học công nghệ có tính sáng tạo và thực tiễn cao nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. ĐHQGHN sẽ xây dựng và các kênh kết nối liên đơn vị, thành lập các câu lạc bộ sinh viên, các nhà khoa học để đẩy mạnh chuyển giao tri thức, tạo nguồn lực cũng như các sản phẩm khoa học cho doanh nghiệp. Đây có thể nói là bước đi tiên phong của ĐHQGHN trong việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ – gắn chặt và phát huy mô hình Nhà trường – Nhà khoa học – Doanh nghiệp. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá những đóng góp của ngành, Phó Thủ tướng cho rằng "khoa học công nghệ đã đi đúng hướng, dù nhiều việc còn chưa được như ý, chưa đúng kỳ vọng". Theo đó trong năm tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều việc phải làm. Trong đó, hệ sinh thái khởi nghiệp (một phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo) cần có điểm nhấn. Cơ chế chính sách xây dựng để doanh nghiệp thực sự là trung tâm. Làm thế nào để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ nhiều hơn... "Bộ Khoa học và Công nghệ phải là nơi tập hợp các nhà khoa học, đưa ra đề xuất cụ thể, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nói. Ông cũng nhắc lại việc quy hoạch hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học, tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài. "Trong năm tới Bộ cần làm với tinh thần quyết liệt", Phó Thủ tướng nói. Ông yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phải tiên phong về khoa học trong quản lý, từ cái nhỏ nhất. Trong quản lý khoa học phải hình thành nếp mới, mọi công việc (từ khâu đăng ký, phản biện đề tài...) phải hình thành cơ sở dữ liệu, minh bạch và được giám sát bởi giới khoa học. Những việc này Phó Thủ tướng cho rằng, đã có bước tiến so với cách đây sáu năm nhưng năm tới phải được đẩy mạnh hơn. "Cần tạo bước chuyển biến rõ rệt, tạo đà cho nhiều năm sau", Phó Thủ tướng nói. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới... đang được thực hiện. Bộ trưởng cho biết, trong năm 2022 các cơ chế, chính sách giải pháp sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Nghiên cứu ứng dụng gắn chặt với thực tiễn ở ĐHQGHN tiếp tục tăng trưởng mạnh Tháng 01/2021, ĐHQGHN tham gia Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE) năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. ĐHQGHN mang đến hơn 100 giải pháp, sản phẩm ấn tượng, giới thiệu tại Triển lãm, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, khoa học môi trường, vi sinh vật, y dược… Đặc biệt có 3 sản phẩm của các nhà khoa học ĐHQGHN tham gia trình diễn tại sân khấu của triển lãm: Blife- Hệ thống trợ giúp giao tiếp cho người bị tổng hợp chức năng vận động; Phần mềm ứng dụng công nghệ thực tại ảo trong bảo tồn văn hóa phi vật thể ở Việt Nam và Hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ xa demo tại thực địa. Năm 2021, có 02 sản phẩm KH&CN của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên được chuyển giao công nghệ với kinh phí thu được là 1,4 tỉ đồng. Hoạt động dịch vụ KH&CN được triển khai mạnh mẽ với hơn 100 hợp đồng dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm, kinh phí thu được từ hoạt động này là 26,2 tỉ đồng trong đó chủ yếu từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Các đơn vị trong ĐHQGHN đã phát triển nhiều công nghệ, sản phẩm với những lĩnh vực chủ đạo như bản đồ gen, sơn rare, chế phẩm vi sinh chống nấm mốc cho cây trồng... được các doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao. Nguồn: Báo cáo thường niên ĐHQGHN năm 2021 | |