Hội nghị đã diễn ra với sự tham dự, chỉ đạo của Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng và Công đoàn ĐHQG Hà Nội. Đánh giá về kết quả hoạt động năm 2021, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng GS.TS. Phạm Hồng Tung nhận định, năm 2021, vượt qua những khó khăn khách quan đặc biệt của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, Viện tiếp tục khẳng định được uy tín và vị thế của một Viện nghiên cứu cơ bản, liên ngành theo định hướng ứng dụng. Với quy mô đội ngũ chưa đến 30 người, Viện đã thực hiện 04 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (02 đề tài đã nghiệm thu chính thức); 04 đề tài/nhiệm vụ cấp ĐHQGHN, 02 đề tài cấp cơ sở; 02 đề tài hợp tác quốc tế, 01 đề tài hợp tác với địa phương.Các đề tài, chương trình đã nghiệm thu đều đạt chất lượng tốt; một số đề tài, nhiệm vụ mới được ký kết hoặc đang chờ phê duyệt (01 đề tài cấp Quốc gia, 04 đề tài cấp ĐHQGHN ký mới; 01 đề tài hợp tác quốc tế chờ phê duyệt, 01 đề tài đã được hội đồng cấp ĐHQGHN thẩm định…). Các đề tài thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng khoa học cao, trong đó có những đề tài mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đóng góp lớn về khoa học mà còn ứng dụng thực tiễn trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phát triển bền vững các vùng, ngành kinh tế - xã hội. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021, Viện có 20 chỉ tiêu hoàn thành 100% và vượt mức kế hoạch, tiêu biểu là các chỉ tiêu: + Về khoa học: Số bài báo khoa học trong nước đạt 38 bài/ kế hoạch được giao 22 bài. Số hợp đồng KHCN cấp ĐHQG đạt 4/1. Sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao cấp quốc gia đạt 2/1. Sách chuyên khảo tiếng Việt đạt 11/4. + Về phát triển đội ngũ: Số lượng nghiên cứu viên, số nghiên cứu viên là PGS đạt chỉ tiêu được giao. 100% giảng viên đều có trình độ tiến sĩ, gấp 3 lần chỉ tiêu được giao (33%). Tỷ lệ giảng viên có trình độ GS, PGS đạt 112%/75%. Tuy nhiên, còn một số lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu như số công trình công bố trên cơ sở dữ liệu ISI và SCOPUS, mặc dù số lượng bài tạp chí quốc tế đã được cải thiện gấp hơn 2 lần so với năm 2020 nhưng chưa thể đạt được chỉ tiêu được giao. Lý giải cho điều này, báo cáo tổng kết cho rằng mức chỉ tiêu bài báo quốc tế được giao năm 2021 là khá cao so với đặc thù ngành, trong khi thế mạnh của Viện là công bố sách chuyên khảo luôn luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch (năm 2021 đạt 11/4 cuốn) nhưng không có chế độ quy đổi. Mặt khác, việc triển khai đề tài (gắn liền với công bố quốc tế) bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch Covid-19, đặc biệt trong việc triển khai hoạt động khảo sát lấy số liệu tại các địa phương, các địa bàn nghiên cứu thực địa. Các trở ngại khách quan từ đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo của Viện đặc biệt các khóa học ngắn hạn, khóa học Tiếng Việt, văn hóa Việt Nam... đã hoàn toàn đình trệ. Cùng với việc nhiều đề tài, dự án hợp tác với địa phương, bộ ngành bị hoãn, hủy do dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn và nguồn thu sự nghiệp của Viện. Nhưng vượt lên tất cả, tập thể lãnh đạo Chi ủy, Ban Lãnh đạo Viện, Công đoàn và các đoàn thể cùng từng cá nhân công chức, viên chức, người lao động của Viện đã đồng lòng, nỗ lực hết sức, cùng nhau vừa thực hiện chống dịch vừa triển khai các nhiệm vụ, giữ vững khối đoàn kết, tinh thần gắn bó, vì tập thể như truyền thống hơn 30 năm của đơn vị. Đóng góp cho Báo cáo Tổng kết năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, các đại biểu dự Hội nghị đã có phần trao đổi, thảo luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Ngọc, TS. Vũ Kim Chi, TS. Giang Văn Trọng ... Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đánh giá cao tinh thần cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức người lao động của Viện trong năm 2021. Trong bối cảnh nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, Viện đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ với nhiều kết quả tốt đẹp nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản phục vụ tư vấn chính sách, chiến lược phát triển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQG Hà Nội trong năm 2022 để Viện lưu ý, bám sát trong xây dựng, triển khai các kế hoạch hoạt động năm tới. Đề nghị Viện phát huy, chú trọng đẩy mạnh thế mạnh sở trường, tạo ra các sản phẩm đặc thù, đặc sắc, chất lượng cao. Trong khuôn khổ của Hội nghị, các thành viên tổ công tác của ĐHQGHN đã có nhiều ý kiến chỉ rõ những vấn đề tồn tại cần khắc phục, những ưu điểm cần phát huy trong mỗi lĩnh vực chuyên môn để tăng cường sự phát triển của Viện. |