Trường Đại học Việt Nhật là trường đại học thành viên của ĐHQGHN và vận hành theo quy chế tổ chức và hoạt động đặc thù do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành. Theo quy chế, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của Trường Đại học Việt Nhật. Phiên họp Hội đồng trường nhằm đưa ra định hướng phát triển phù hợp với vị trí, sứ mệnh và kỳ vọng của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chủ trì phiên họp Lần đầu chủ trì phiên họp với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh từ nay đến năm 2026, Trường Đại học Việt Nhật cần có bước chuyển mình mạnh mẽ để tăng hiệu quả hoạt động trên cả phương diện đào tạo và nghiên cứu để nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó làm điểm tựa để thu hút được sinh viên, nhà khoa học và các nguồn lực cho sự phát triển nội tại của Nhà trường trong thời gian tiếp theo. Hiệu trường Trường Đại học Việt Nhật Furuta Motoo đã trình bày báo cáo hoạt động của Nhà trường giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch hoạt động năm 2022. Thời gian qua, về đào tạo, 55 học viên cao học khóa IV của Trường đã tốt nghiệp, 70% đã có việc làm ngay tại thời điểm tốt nghiệp. Nhà trường đã mở chương trình Cử nhân Khoa học và Kỹ thuật máy tính với 43 sinh viên khóa I. Về nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Việt Nhật đã và đang thực hiện 11 đề tài cấp ĐHQGHN và cấp nhà nước do Quỹ Nafosted tài trợ; tổng số công trình công bố trong năm là 67 bài, trong đó có 48 bài được đăng trên các tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI/Scopus; tổ chức và đồng tổ chức nhiều hội thảo quốc tế như: Hội thảo quốc tế về Trí tuệ nhân tạo (hợp tác với VNU-IFI), Hội thảo về Phát triển bền vững (hợp tác với VNU-USSH), Hội thảo “Southeast Asia Research-based Network on Climate Change Adaptation Science”, Seminar quốc tế về Kỹ thuật tiên tiến, Hội thảo “Vietnam Symposium on Environmental Science & Technology – VEST 2021” và nhiều seminar học thuật khác ở cấp độ chương trình. Nhà trường đã kiểm định thành công Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật môi trường theo chuẩn AUN-QA. Bên cạnh đó, ĐHQGHN và Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản (JICA) đã khởi động hoạt động Khảo sát Nghiên cứu tiền khả thi và Nghiên cứu khả thi cho dự án vốn vay ODA. Trên cơ sở lắng nghe kết quả hoạt động của Nhà trường trong năm vừa qua, các đại biểu tham dự đã tích cực thảo luận và đóng góp ý kiến cho Kế hoạch hoạt động tiếp theo của Trường. Gắn việc phát triển của Trường Đại học Việt Nhật với nhu cầu của doanh nghiệp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio tham dự phiên họp theo hình thức trực tuyến Tham dự sự kiện bằng hình thức trực tuyến, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam ông Yamada Takio đánh giá cao những thành tựu của Nhà trường, cho rằng Trường Đại học Việt Nhật đang có lợi thế rất lớn khi đầu tư FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay rất lớn, nhu cầu về nhân sự của doanh nghiệp hai nước đều cao và Chính phủ Nhật Bản cũng như Việt Nam đều sẵn sàng nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển của Nhà trường xứng đáng là biểu tượng hợp tác hữu nghị của hai nước. Năm 2020, Trường Đại học Việt Nhật và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết Giai đoạn 2 của Dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học tại Trường Đại học Việt Nhật (TC2). Đại sứ cho rằng vì dự án dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025, chính vì vậy, hai bên cần tiếp tục trao đổi về phương hướng để Nhật Bản hỗ trợ Trường Đại học Việt Nhật trong thời gian tới, trên cơ sở tham khảo ý kiến của doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực từ các ngành đào tạo của Trường. Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức khẳng định ba thành tựu quan trọng nhất của Trường Đại học Việt Nhật trong thời gian vừa qua là, mở được Chương trình đào tạo bậc đại học, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản và giữ được đúng định hướng của một đại học nghiên cứu. Ông nhấn mạnh, đào tạo, nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp hai nước là ba trụ cột quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường. Do đó, trong bối cảnh Dự án hỗ trợ Kỹ thuật TC2 kết thúc vào năm 2025, Nhà trường cần phải kế hoạch tận dụng thời gian còn lại để phát triển chất lượng đội ngũ, gia tăng nghiên cứu và mở rộng thêm nhiều mối hợp tác trong và ngoài nước Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo ĐHQGHN Vũ Minh Giang cho rằng, chính cái tên Việt Nhật đã cho thấy tiềm năng to lớn của Nhà trường dưới sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước, tuy nhiên, để tiềm năng ấy sớm biến thành thực lực thì cần phải có sự tìm hiểu về nhu cầu chung của doanh nghiệp cả hai nước một cách chuyên sâu, chứ không chỉ thông qua việc khảo sát, hội họp. Đồng thời, cần có kế hoạch huy động nguồn lực táo bạo hơn nữa để tạo sự phát triển bứt phá cho Nhà trường. “Nếu đi theo lối mòn thì sẽ luôn đi sau” Đây là quan điểm của Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Trong lần đầu tiên ông tham dự Phiên họp Hội đồng của Trường Việt Nhật, ông đã thể hiện tâm huyết thông qua bản tham luận gửi đến các đại biểu dự họp. Theo ông, không có một trường đại học nào ở Việt Nam có thế mạnh như Trường Việt Nhật vì có được sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân hai nước. Tuy nhiên, nếu làm theo cách của các Trường khác thì sẽ phải đi sau họ nhiều năm. Do đó, cần tìm một hướng phát triển khác biệt để “bứt phá như Phù Đổng”, cần biến VNU–VJU trở thành một trung tâm, một đầu mối, một mô hình mới mà các doanh nghiệp của hai nước sẽ cần đến dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, tham mưu của Nhà trường khi muốn vào các thị trường ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển Khẳng định đại dịch Covid – 19 không thể cản bước phát triển của Nhà trường, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu cho rằng nhờ việc kết nối online sẽ giúp cho việc học tập, nghiên cứu và hợp tác trở nên thuận lợi, bất chấp những tác động của đại dịch, do đó, Nhà trường có nhiều triển vọng để trở thành một trường đại học toàn cầu, rộng mở với nhiều chương trình đào tạo đa ngành đa lĩnh vực. Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự, Hiệu trưởng Furuta Motoo cho biết các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong năm 2022 là vận hành 08 chương trình thạc sĩ và 02 chương trình cử nhân; mở mới 03 chương trình đào tạo đại học; tổ chức một số lớp đào tạo tại cơ sở Hòa Lạc của ĐHQGHN, chuẩn bị trang thiết bị và chuyển một phần các phòng thí nghiệm tới Hòa Lạc khi điều kiện cho phép; tăng cường năng lực nghiên cứu thông qua việc xây dựng các nhóm nhiên cứu; xúc tiến các hoạt động nghiên cứu nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên của Trường; hợp tác với JICA để hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Quy hoạch 1/500 cho dự án xây dựng cơ sở của trường tại Hòa Lạc… Các nhiệm vụ này đã được 100% các thành viên trong Hội đồng biểu quyết thông qua. Phát biểu kết luận tại phiên họp, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Việt Nhật Lê Quân nhấn mạnh sẽ cùng Nhà trường xúc tiến để Chính phủ hai nước sớm ký kết hiệp định cho vay vốn ODA, thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết doanh nghiệp để khai thác tốt nhất nguồn lực mà Nhà trường được giao. Giám đốc Lê Quân cam kết ĐHQGHN có đủ điều kiện cơ sở để đón 3000 sinh viên Trường Đại học Việt Nhật tới học tập tại Hòa Lạc vào năm 2026. ĐHQGHN sẽ hỗ trợ về điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các chương trình đào tạo của Trường theo hình thức đào tạo liên đơn vị. Nhân dịp này, Trường Đại học Việt Nhật cũng nhận được tài trợ 4 tỷ đồng từ Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu Đào Hồng Tuyển để phục vụ công tác xây dựng cơ sở thiết yếu, bước đầu của Trường tại Hòa Lạc. DANH SÁCH THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NHẬT Nhiệm kỳ 2021 - 2026 1 | Ông LÊ QUÂN Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Chủ tịch Hội đồng | 2 | Ông UCHIDA KATSUICHI Giáo sư danh dự, Cố vấn cấp cao Đại học Waseda Phó Chủ tịch Hội đồng | 3 | Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội Thư ký Hội đồng | 4 | Ông AIZAWA MASUO Cố vấn Chủ tịch Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) Ủy viên Hội đồng | 5 | Ông CASSIM MONTE Chủ tịch Hội đồng Trường Quốc tế Akita Ủy viên Hội đồng | 6 | Ông ĐÀO HỒNG TUYỂN Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tuần Châu Ủy viên Hội đồng | 7 | Ông FURUTA MOTOO Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội Ủy viên Hội đồng | 8 | Ông NAKAJIMA TAKEO Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) Ủy viên Hội đồng | 9 | Ông NGUYỄN HOÀNG OANH Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội Ủy viên Hội đồng | 10 | Ông NGUYỄN HIỆU Phó giám đốc, Đại học Quốc gia Hà Nội Ủy viên Hội đồng | 11 | Ông NGUYỄN VIỆT HÀ Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội Ủy viên Hội đồng | 12 | Ông PHẠM ĐẠI DƯƠNG Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Phú Yên Ủy viên Hội đồng | 13 | Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Ủy viên Hội đồng | 14 | Ông SASAKI KAZUTO Giám đốc Bộ phận Quốc tế, Phòng thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ủy viên Hội đồng | 15 | Ông TAKEBE TSUTOMU Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Việt Ủy viên Hội đồng | 16 | Ông TAKEHARA REIJI Tổng giám đốc Cục Hợp tác quốc tế, Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) Ủy viên Hội đồng | 17 | Ông TAKEUCHI KAZUHIKO Trung tâm Nghiên cứu tầm nhìn tương lai, Đại học Tokyo Chủ tịch Hội đồng Viện Chiến lược Môi trường Trái đất (IGES) Ủy viên Hội đồng | 18 | Ông TÔ HUY RỨA Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Việt Nhật Ủy viên Hội đồng | 19 | Ông VŨ MINH GIANG Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội Ủy viên Hội đồng | 20 | Ông YAMADA TAKIO Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ủy viên Hội đồng | >>> Các tin liên quan: Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Bảo tàng Sinh học thuộc ĐHQGHN Gặp mặt giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội [Ảnh] Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến thăm, gặp gỡ sinh viên Trường Đại học Việt - Nhật, ĐHQGHN |