TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 10:14:22 Ngày 04/04/2022 GMT+7
Giám đốc ĐHQGHN trao quyết định bổ nhiệm lại Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục
Sáng 3/4/2022, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã tham dự Lễ công bố quyết định bổ nhiệm lại hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN nhiệm kỳ 2022 -2027. Tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã trao quyết định số 116/QĐ-ĐHQGHN ngày 14/1/2022 về việc bổ nhiệm lại GS.TS Nguyễn Quý Thanh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN.

 

 

Mở đầu buổi lễ là các tiết mục văn nghệ chào mừng 

 

 

Trong nhiệm kỳ công tác với cương vị là Hiệu trưởng, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh đã có những đóng góp vì sự nghiệp phát triển của Trường ĐH Giáo dục với những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trở thành một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu về khoa học giáo dục và sư phạm.

 

Giám đốc ĐHQGHN Le Quân phát biểu chúc mừng Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chúc mừng GS.TS Nguyễn Quý Thanh đã tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN và sự tin tưởng của toàn thể cán bộ, viên chức Trường ĐH Giáo dục. Giám đốc biểu dương những đóng góp trong thời gian qua của Nhà trường vào sự phát triển chung của ĐHQGHN nói riêng và ngành giáo dục nói chung. “GS.TS. Nguyễn Quý Thanh cùng với các lãnh đạo tiền nhiệm đã xây dựng Trường ĐH Giáo dục trở thành một điểm sáng về phát triển mô hình đào tạo a+b, đổi mới phương pháp dạy học, tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu về khoa học giáo dục và sư phạm” – Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.

Giám đốc đề nghị, trong nhiệm kỳ công tác mới của Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh, Trường ĐH Giáo dục cần phải tiếp tục là trụ cột quan trọng của ĐHQGHN trong việc phát huy vai trò đối với xã hội và toàn ngành. Đồng thời, Nhà trường phải là đơn vị tiên phong trong đổi mới quản trị đại học, đổi mới chính sách, đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới chất lượng giảng dạy; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chất lượng đầu ra cho sinh viên; Nâng cao các chỉ số về mức độ hài lòng của các bên liên quan. Cùng với đó, Trường cũng cần tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, nhanh chóng chuyển đổi không gian làm việc và học tập tại Hòa Lạc, mục tiêu đến năm học 2023 - 2024 sẽ đón sinh viên của trường tới học tập tại đây.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục phát biểu nhận nhiệm vụ tại buổi lễ

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh bày tỏ quyết tâm cùng với Ban Giám hiệu sẽ tiếp tục xây dựng Trường ĐH Giáo dục trở thành một ngôi trường có tính nhân văn, mô phạm, một tổ chức học tập liên tục, qua đó tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế của Trường ĐH Giáo dục theo định hướng đại học nghiên cứu trong mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học nói chung, các cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng, từng bước vươn tầm ra quốc tế trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh cũng đưa ra các mục tiêu tổng thể của Trường trong giai đoạn tiếp theo. Một là, phát triển Trường ĐH Giáo dục theo định hướng đại học nghiên cứu và đại học số ở mức cao trong các hoạt động của Nhà trường; Xây dựng Trường ĐH Giáo dục thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ giáo dục hàng đầu Việt Nam. Hai là, phát triển cơ cấu tổ chức nhà trường theo hướng đảm bảo một hệ sinh thái đầy đủ cho đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học giáo dục; Đẩy mạnh các hoạt động phát triển một cơ sở hiện đại, xanh và đẹp tại Hòa Lạc. Ba là, đào tạo chất lượng cao theo mô hình TPACK+E (tăng cường tiếng Anh); Tiếp tục nghiên cứu và đào tạo các lĩnh vực liên ngành, tích hợp trong khoa học giáo dục và sư phạm; Đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ giáo dục.

Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh cam kết tận tâm, tận lực, tận trí, trau dồi thêm về năng lực quản lý, rèn luyện thêm về đạo đức công vụ để cùng tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan trung ương, các đối tác địa phương và các đơn vị bạn trong quá trình phát triển Trường ĐH Giáo dục theo sứ mệnh đã đề ra.

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh sinh năm 1965; Cử nhân Tâm lý học Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow – Liên bang Nga năm 1990; Thạc sĩ Xã hội học Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1995; Tiến sĩ Xã hội học Đại học Tổng hợp Kazan – Liên bang Nga năm 1998; Trao đổi học giả tại ĐHQG Seoul Hàn Quốc theo học bổng chương trình Học giả Trao đổi Quốc tế (ISEP) của Quỹ Cao học Hàn Quốc (KFAS) từ 8/2002 - 8/2003; Trao đổi giáo viên tại trường đại học Puget Sound, Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ từ 1/2006 - 6/2006; Ông đặc biệt được biết đến như là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiểm định chất lượng thông qua việc lãnh đạo các đoàn đánh giá ngoài và tham gia các đoàn đánh giá của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); Ông được bổ nhiệm Phó Giáo sư năm 2007, Giáo sư năm 2016.

 

Ngày 3/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Sư phạm, ĐHQGHN. Như vậy tính đến nay, Trường ĐH Giáo dục đã có 23 năm truyền thống và phát triển.

Từ một tổ chức tinh gọn (2 phòng chức năng, 4 bộ môn), vận hành theo cơ chế mở, linh hoạt, huy động được sức mạnh tổng hợp trong và ngoài ĐHQGHN nhưng thực hiện được khối lượng lớn các hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đơn vị cũng như của toàn ĐHQGHN. Đến nay, Trường ĐH Giáo dục có 7 phòng chức năng, 5 khoa đào tạo, 5 trung tâm nghiên cứu ứng dụng & triển khai và có trường thực hành sư phạm (Trường THPT Khoa học Giáo dục).

Các chương trình đào tạo (CTĐT) giáo viên liên thông của Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN: Từ 8 chương trình đào tạo ban đầu, đến nay Nhà trường triển khai đào tạo 31 chương trình gồm: 16 CTĐT đại học, 11 CTĐT thạc sĩ và 4 CTĐT tiến sĩ. Trong đó, tiên phong đào tạo các lĩnh vực mới trong khoa học giáo dục như: Quản trị trường học, Quản trị chất lượng giáo dục, Quản trị công nghệ giáo dục, Tham vấn học đường. Đặc biệt, trường là đơn vị duy nhất của cả nước đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp cho bậc trung học cơ sở là môn Lịch sử-Địa lý và môn Khoa học Tự nhiên. Ở bậc thạc sĩ, mở mới 1 CTĐT, nâng tổng số các CTĐT ở bậc thạc sĩ lên 4.  Ở bậc tiến sĩ, mở mới 1 CTĐT, nâng tổng số các CTĐT ở bậc tiến sĩ lên 11. Tỷ trọng đào tạo sau đại học ở mức cao. Qui mô đào tạo tăng, tiệm cận dần mức quy chuẩn trường đại học để phát triển bền vững. Qui mô tuyển sinh ở bậc đại học năm 2017 là 275 sinh viên, năm 2021 là 1000 sinh viên. Đến nay, tổng quy mô đào tạo đại học và sau đại học là hơn 4200 sinh viên và khoảng 2000 sinh viên các hệ liên thông.

 

 Hương Trà
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ