Chương trình được triển khai để thực hiện triết lý cá thể hóa trong hoạt động dạy học – triết lý giáo dục cốt lõi và nền tảng được ĐHQGHN xác định nhằm đổi mới toàn diện hoạt động dạy học trong giai đoạn 2019 – 2025. Chương trình có sự hướng dẫn, cố vấn của các chuyên gia, giảng viên có chuyên môn cao, có kinh nghiệm về phương pháp và công nghệ giáo dục. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng nội dung cho các khóa tập huấn và triển khai các khóa bồi dưỡng cho người học. Chương trình được tổ chức theo hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn qua nền tảng quản lý học tập trực tuyến của ĐHQGHN (tại địa chỉ lms.vnu.edu.vn), kết hợp với các buổi trao đổi, tọa đàm trực tiếp/trực tuyến giữa giảng viên với học viên. Nội dung tập huấn gồm 8 mô-đun tương ứng 8 chủ đề cốt lõi liên quan đến dạy học trực tuyến/ kết hợp. Trong đó, Mô đun M1 có trọng tâm cung cấp các chiến lược và phương pháp giảng dạy trực tuyến, các mô-đun M2, M3, M4, M5, M6, M7, M8 hướng tới các hoạt động thực hành, ứng dụng công nghệ để thực hiện các hoạt động dạy học trực tuyến hoặc dạy học kết hợp (blended learning) cụ thể. Phương pháp tập huấn hướng vào thực hành, thực nghiệm, kết hợp các hình thức tự học, tự nghiên cứu. Nguyên tắc triển khai linh hoạt, áp dụng tiếp cận học tập kết hợp, đảm bảo nguyên tắc cá thể hóa người học, phát huy tính chủ động của người học khi tham gia các khóa tập huấn. Học viên hoàn thành Chương trình được cấp chứng nhận. Chương trình được bắt đầu triển khai tổ chức theo 03 đợt từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2021 (theo công văn số 2265/ĐHQGHN-ĐBCL ngày 2/8/2021 về việc triệu tập giảng viên mới tham gia Chương trình tập huấn cho giảng viên tại ĐHQGHN). Kết quả năm 2021 có 316 học viên thuộc 16 đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đã được cấp chứng nhận hoàn thành Chương trình. Một số điểm nhấn của Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên ĐHQGHN” năm 2021 Trong số 181 học viên tham gia trả lời khảo sát đánh giá chất lượng Chương trình năm 2021, số GV có kinh nghiệm giảng dạy từ 1 đến 5 năm tại ĐHQGHN (giảng viên mới) chiếm 73.5%, số GV có kinh nghiệm giảng dạy từ 5 năm trở lên tại ĐHQGHN chiếm 26.5%. Số năm kinh nghiệm giảng dạy tại ĐHQGHN tính trung bình là 4.98 năm. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn học viên có phản hồi tích cực về chất lượng chương trình tập huấn ở các phương diện như: nội dung tập huấn, tài liệu tập huấn, sự cải thiện về các kiến thức và kỹ năng dạy học trực tuyến, hoạt động hỗ trợ người học, năng lực hệ thống LMS… Lễ tổng kết Chương trình tập huấn năm 2021 diễn ra ngày 18/3/2022 theo hình thức trực tuyến. Phần lớn học viên đánh giá tốt đối với nội dung tập huấn, chất lượng và mức độ sẵn sàng, đầy đủ của tài liệu phục vụ học tập. Học viên cho rằng các nội dung “đổi mới và thường xuyên cập nhật”, “có rất nhiều tài liệu chất lượng”, và “mong muốn các tài liệu của Trung tâm sau khi kết thúc khóa học có thể cho học viên lưu lại để làm tài liệu tham khảo, hướng dẫn và nghiên cứu”… Để đáp ứng nhu cầu trên, các lớp học trên hệ thống VNU LMS vẫn tiếp tục mở để học viên có thể truy cập và khai thác tài liệu sau khóa học. Chương trình tập huấn cũng giúp giảng viên phát triển kỹ năng sử dụng các công cụ phục vụ dạy học trực tuyến, bao gồm: Khảo sát trực tuyến (Google Forms, MS Forms, ...); Xây dựng bài giảng điện tử (bằng các công cụ MS PowwerPoint, Loom, Canva, Ispring, Camtasia…); Sử dụng phần mềm video conferencing trong giảng dạy trực tuyến (VNU LMS, Zoom, MS Teams …); Sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến VNU LMS; Quản lý lớp học trực tuyến qua hệ thống VNU LMS; Sử dụng công cụ hỗ trợ tương tác trong giảng dạy (Kahoot, Mentimeter, Flipgrid, …); Sử dụng hệ thống MOOCs - các khóa học trực tuyến mở (edX, Coursera, Canvas, …); Đánh giá người học bằng công cụ trực tuyến (Google Form, Microsoft Forms, Edulastic, ...); Khai thác học liệu trực tuyến phục vụ dạy và học (từ các nguồn: VNU-LIC Bookworm, Google Scholar,…). Học viên đánh giá có sự cải thiện đáng kể về kỹ năng giảng dạy lớp học trực tuyến. Một giảng viên chia sẻ: “Thực ra, với giảng viên lớn tuổi như tôi, việc sử dụng công nghệ trong buổi học như tương tác trong lớp, quản lý học trực tuyến, sử dụng phần mềm video conferencing vẫn khá là khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu cố gắng và chăm chỉ thực hiện thì kết quả sẽ là tuyệt vời”. Một học viên khác nhận định: “khoá học rất bổ ích, tôi đã áp dụng được rất nhiều công nghệ học được từ khoá học để giảng dạy và sinh viên rất hứng thú”. Đánh giá về khả năng đáp ứng của hệ thống VNU LMS, học viên cho rằng hệ thống đã đáp ứng khá tốt các yêu cầu về tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá, cũng như các chức năng quản lý đào tạo. Tuy nhiên, hệ thống mới đưa vào sử dụng nên vẫn cần cải thiện hơn, ví dụ: “cải thiện tính năng thống kê, chiết xuất kết quả học tập của người học theo cả danh sách”; “đảm bảo hoạt động ổn định về mặt vật lý của phần mềm; nâng cấp logic và tính thân thiện với người dùng cho phần mềm”; “cập nhật thêm tính năng trong kiểm tra đánh giá của LMS” … Hiện tại, nhiều tính năng của hệ thống VNU LMS đã được nâng cấp, hoàn chỉnh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động dạy học và quản lý đào tạo. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các đơn vị tập huấn, chuyển giao hệ thống phục vụ hoạt động đào tạo. Bên cạnh những điểm tích cực, học viên cũng đưa ra các góp ý cụ thể để Chương trình cải tiến chất lượng tốt hơn. Nhiều học viên đồng tình: “nội dung khoá học hay nhưng thời lượng học quá ngắn”, “… cần có thêm nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và thực hành để có thể thành thạo các kỹ năng sử dụng công cụ dạy học trực tuyến cũng như xây dựng, tổ chức, quản lý lớp học trực tuyến”… , “nội dung khóa học dài khiến giảng viên rất khó xếp thời gian với lượng công việc ở trường”, tài liệu cần tinh gọn hơn… ĐHQGHN nhận thấy đây là chương trình tập huấn hữu ích, nội dung hiện đại, cách thức tổ chức linh hoạt, có thể hỗ trợ tích cực cho giảng viên, giáo viên từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong bối cảnh mới. Theo đó, ĐHQGHN đã ban hành công văn số 1199/ĐHQGHN-ĐBCL ngày 13/4/2022, giao cho Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, đầu mối là Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, tiếp tục triển khai Chương trình trong các năm tiếp theo, đảm bảo 100% giảng viên, giáo viên tại ĐHQGHN hoàn thành Chương trình. Về lộ trình thực hiện, trong các năm 2022, 2023, 2024, mỗi năm tổ chức 03 đợt, mỗi đợt 12 tuần, số lượng khoảng 200 học viên/1 lớp. Các năm sau đó sẽ tiếp tục triển khai thường xuyên cho đối tượng là các giảng viên, giáo viên mới về công tác tại ĐHQGHN. | |