Chị Lê Thanh Hà (thứ hai từ trái sang, hàng trên) chụp ảnh lưu niệm cùng PGĐ ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, lãnh đạo Văn phòng và cán bộ phụ trách truyền thông của ĐHQGHN nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2020 Tất cả bắt đầu từ một ngày ám ảnh cuối năm 2003. Cô gái trẻ Lê Thanh Hà khi đó mới 23 tuổi còn mang trong mình biết bao dự định ấp ủ và những ước mơ của tuổi trẻ. Nhưng rồi kế hoạch nhận học bổng chương trình đào tạo thạc sĩ tại Thái Lan phải gác lại khi bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Đúng ngày sinh nhật tuổi 24 của mình, 17/3/2004, Lê Thanh Hà trải qua ca phẫu thuật đầu tiên trong hành trình đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo này. Đó là cú sốc tinh thần quá khủng khiếp với cô gái trẻ. Song chính những ngày tháng nằm viện và chứng kiến những thân phận bệnh nhân ung thư quanh mình lại là lý do để chị vượt qua nỗi ám ảnh của bản thân, đối mặt với căn bệnh, tiếp tục hành trình sống, yêu, làm việc cùng những đam mê. Nụ cười luôn thường trực trên môi người phụ nữ mạnh mẽ ấy. Ảnh: Thành Long Lê Thanh Hà là người hay hát và hát rất hay. Chính hát ca là cơ duyên để chị gặp người đàn ông định mệnh của cuộc đời - người sau này là chồng chị, cũng là người luôn sát bên chị và cùng chị vượt qua bão giông của bệnh tật suốt tháng ngày qua. Vượt qua mọi khuyến cáo của bác sĩ, anh chính là niềm tin để chị quyết tâm sinh bé Nguyễn Lê Duy Anh - người con trai duy nhất của chị và chồng. Những ca mổ, những đợt truyền hóa chất, xạ trị và những cơn đau khi bệnh trở nặng đã bớt nhọc nhằn hơn khi chị có anh. Có thêm con trai, Thanh Hà được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực trong hành trình chống chọi với bệnh tật. Lê Thanh Hà luôn khát khao yêu, được yêu và cuộc sống gia đình đã cho chị trọn vẹn những điều đó. Chị luôn khát khao được sống và tận hiến với đời “Bệnh nhân ung thư vú được khuyên không nên có con, vì việc sinh con sẽ thúc đẩy bệnh tái phát. Trong trường hợp đã điều trị hóa chất và xạ trị, người ta không dám chắc là tồn dư ảnh hưởng của thuốc không làm hại đến thai nhi. Nghĩa là tồn tại mối nguy hiểm cho cả mẹ và con… Nhưng cuộc sống luôn không theo ý mình sắp đặt. Khi có thai, mọi thứ thật đặc biệt! Nghĩ đến việc có một đứa trẻ - người sẽ trở nên quan trọng nhất, gần gũi nhất với mình ra đời - mình lại tự hỏi: Tại sao lại không dám thử chứ? Bỏ đi một đứa trẻ là một điều độc ác, cho dù có lý do nào chính đáng đi chăng nữa. Mình không đành lòng! Vậy thì, hãy để cuộc sống dẫn dắt ta đi, bởi phía trước không có ai đoán định được” - Chị từng chia sẻ về quyết định mạo hiểm của mình. Hiện nay, cậu bé Nguyễn Lê Duy Anh - con trai chị Lê Thanh Hà đã tròn 15 tuổi. Cậu luôn tự nhủ sẽ luôn bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần, bảo vệ và cùng mẹ vượt qua những đớn đau của bệnh tật. Đối với cậu, mẹ Thanh Hà luôn là người quan trọng nhất trong cuộc đời và điều cậu sợ nhất là làm mẹ buồn. Chị Lê Thanh Hà (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ Phòng Thông tin và Quản trị thương hiệu, tháng 12/2013 Những đợt điều trị hóa chất làm chị rụng tóc, rụng lông mày, lông mi, ăn không ngon miệng, thậm chí không ăn được. Giữ trong mình tinh thần lạc quan là thế nhưng không ít lần chị cảm thấy mệt mỏi, dường như vượt quá sức chịu đựng, một phần vì hóa chất và một phần vì điều kiện chữa trị ở viện gặp khó khăn, bất tiện do quá đông bệnh nhân. Bác sĩ của Bệnh viện K hẳn không quên chị, người đã điều trị qua nhiều cơ sở của Viện. Chị là bệnh nhân tuân thủ theo những chỉ định của y học hiện đại. Có lần Thanh Hà đã tâm sự với đồng nghiệp rằng, “em là một trong số ít bệnh nhân K chỉ điều trị theo đơn của bác sĩ, không theo lá lẩu lang băm. Bệnh nhân ung thư vú như em thì có nhiều cơ hội để chữa và khỏi bệnh vì hiện nay rất nhiều thuốc điều trị cho bệnh này”. Sau mỗi lần vào viện, Lê Thanh Hà chứng kiến nhiều người có hoàn cảnh vô cùng éo le mà vẫn luôn khát khao sống và chữa bệnh. Hà còn cảm thấy mình là một bệnh nhân may mắn hơn nhiều người khi có gia đình, có người thân chăm lo, có công việc và con trai đang chờ. Chị Lê Thanh Hà (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tháng 9/2020 Mỗi lần trở lại cuộc sống thường nhật sau xạ trị, Hà lại lao vào viết lách - một phần của công việc truyền thông ở đại học, một phần đam mê của chị và là một phần lý do để chị có thêm nguồn thu nhập từ nhuận bút, góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Trên hết, “làm việc để thấy mình luôn sống có ích” - Hà đã từng nhiều lần chia sẻ với đồng nghiệp như vậy. Nhiều tác phẩm báo chí, nhiều sản phẩm truyền thông, nhiều kịch bản phim tài liệu, nhiều chân dung nhà khoa học đã được Lê Thanh Hà sáng tạo trong hành trình chữa bệnh. Vừa điều trị bệnh, vừa tận tâm cống hiến cho công việc chuyên môn bằng những sản phẩm truyền thông có chiều sâu, tràn đầy trách nhiệm và đam mê. Chị luôn tâm niệm: “Trên đời duy chỉ có công việc sẽ không bao giờ phản bội ta. Thậm chí chính những công việc chuyên môn đó còn giúp ta làm giàu thêm tri thức và vật chất”. Đối với chị Lê Thanh Hà, hạnh phúc là sống có ích với những người thân yêu, với bạn bè, đồng nghiệp, giúp con trai trưởng thành khỏe mạnh, dạy con trở thành người có kiến thức, biết khám phá và yêu cuộc sống. Chị Bùi Thị Hương Giang, chuyên viên Phòng Thông tin và Quản trị thương hiệu, một người cháu ruột của chồng chị Lê Thanh Hà đã chia sẻ: “Cô Thanh Hà đã dìu dắt tôi vào công việc truyền thông ở ĐHQGHN. Tôi còn nhớ như in những ngày đầu chập chững vào nghề, vừa đưa cô vào bệnh viện điều trị hóa chất thì chính cô - lúc trên giường bệnh, là người biên tập những sản phẩm truyền thông đầu tiên của tôi. Hành lang Bệnh viện K cơ sở Tân Triều những ngày cuối năm thật vắng vẻ và tĩnh lặng, chỉ có tiếng bước chân của hai cô cháu vang lên khi vào khu điều trị dành cho bệnh nhân ngoại trú. Âm thanh ấy còn ám ảnh tâm trí tôi tới tận bây giờ”. 18 năm chiến đấu với căn bệnh quái ác là một hành trình khó khăn song cũng đầy may mắn của Lê Thanh Hà. Với tố chất thông minh và sự nhạy cảm, Hà luôn thẳng thắn đối diện với những hiện thực của cuộc sống, cả những thuận lợi và khó khăn, cả những yêu thương và bất trắc, cả những nỗ lực và đam mê… Lê Thanh Hà tạm biệt dương gian ở tuổi 42. Giờ đây, nơi cõi vĩnh hằng, chị sẽ không còn phải chịu đựng những đau đớn nữa. Chị sẽ được tự do tung tăng khắp nơi bù cho chuỗi ngày dài nằm viện. Cầu mong chị yên nghỉ. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mãi nhớ về một “chiến binh K” truyền cảm hứng sống lạc quan cho tất cả mọi người! - Bằng kép: Cơ hội và thách thức - Mục tiêu hàng đầu là chất lượng! - Tiêu chí đạt chuẩn quốc tế cho Khoa học Xã hội & Nhân văn - Chiến tranh phải thành động lực - PGS.TS Nguyễn Thiện Nam chia sẻ về ngày Tết cổ truyền - Mô hình ĐHQGHN: khẳng định bản chất của giáo dục Đại học hiện đại - Triển vọng nghề nghiệp của Tâm lý học lâm sang |