Tọa đàm thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà chính sách và đại diện một số doanh nghiệp tham dự. Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN Đặng Thành Đạt cho biết: các trường đại học là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ, tài sản trí tuệ, các kết quả, sản phẩm, sáng chế có khả năng chuyển giao, thương mại hóa giúp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Việc đưa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ĐHQGHN ra thị trường, là cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; Thúc đẩy khuyến khích các nhà khoa học thương mại hoá tài sản trí tuệ thông qua hình thành sản phẩm kinh doanh trên cơ sở các nghiên cứu, sáng chế. Tọa đàm là diễn đàn nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao công nghệ trong trường đại học và những giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ từ trường đại học vào doanh nghiệp. Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ Vũ Văn Tích, ĐHQGHN cho biết: đây là hội thảo quan trọng với cả các trường đại học cũng như là doanh nghiệp bởi đã hội tụ đầy đủ các bên liên quan gồm nhà quản lý, nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp để tạo nên một sản phẩm khoa công nghệ đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Ông Vũ Văn Tích cũng đã nêu các chính sách tiên phong về khoa học công nghệ trong toàn ĐHQGHN, nhằm tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các đơn vị chủ động triển khai nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm công nghệ của đơn vị tới thị trường. Đồng thời trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ thí điểm thành lập các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như sinh học kết hợp giữa đại học – doanh nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm nghiên cứu của đại học. Bà Nguyễn Minh Huyền Trang đại diện ĐHQG.TP. Hồ Chí Minh - đơn vị đồng chủ trì tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mối tương quan giữa nhà trường – doanh nghiệp, việc hợp tác với trường đại học đã giúp doanh nghiệp gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Các đại biểu cùng trao đổi các vấn đề thực trạng chuyển giao công nghệ trong trường đại học; giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong trường đại học: Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng trường đại học là vườn ươm để tạo ra những sản phẩm công nghệ phong phú có thành tích ứng dụng thực tiễn cao. Để đạt được điều đó, cần sự vào cuộc của nhà hoạch định chính sách, tạo nên mối tương quan giữa các bên để tạo nên một sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị thực tiễn cao và chuyển giao được ra thị trường, phục vụ phát triển nền kinh tế của đất nước. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Quốc Đăng cam kết: Bộ sẽ có những tổ liên ngành có quyền sở hữu liên quan tài sản khoa học công nghệ để tham gia định giá. Làm sao để có cơ chế chính sách để cho doanh nghiệp có cơ hội tốt để đầu tư chuyển giao công nghệ và miễn và giảm thuế. Các vấn đề như Chuyển giao công nghệ tại ĐHQGH (cơ chế chính sách, gắn liền với khoa học công nghệ, tăng chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ); BKTECHS - Mô hình chuyển giao công nghệ thông qua việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học tại tọa đàm đã được chia sẻ tại tọa đàm để các đại biểu có cái nhìn thực tế về vấn đề kết nối để tạo ra sản phẩm công nghệ chất lượng cao. Đại diện Viện vi sinh vật ĐHQGHN, Nguyễn Thành Trung đã chia sẻ từ góc nhìn từ nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà đồng hành pháp lý để tạo ra sản phẩm có chất lượng. Trong khuôn khổ Tọa đàm, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố triển khai Chương trình VNU-Techgate 2022 “Chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu/sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội”.
|