Dự án “Phát triển công nghệ cao chế tạo thiết bị phân tích nhanh, dễ sử dụng và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường” là dự án do ĐH Tokyo và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN chủ trì và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ 5 triệu USD, thực hiện trong 5 năm. Đây là dự án quan trọng giúp các nhà khoa học ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung phát huy khả năng chuyên môn, là cơ hội để khẳng định uy tín học thuật, nghiên cứu khoa học đỉnh cao của ĐHQGHN trên trường quốc tế. Tại cuộc trao đổi, các bên đã chia sẻ, thống nhất phương án triển khai dự án trong thời gian tới, trọng tâm là việc xây dựng Phòng thí nghiệm công nghệ cao tại Hòa Lạc, đồng thời nơi đây sẽ là địa chỉ lý tưởng hội tụ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước tiến hành các hoạt động phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đỉnh cao. GS.TS Kazuma Mawatari, đại diện Đại học Tokyo, Giám đốc dự án phía Nhật Bản đã trình bày về quá trình hợp tác với đối tác Việt Nam, quá trình xây dựng và phát triển dự án. Các chuyên gia của Đại học Tokyo, đại diện các công ty thiết bị hàng đầu của Nhật Bản như Horiba, DKK-TOA, Hitachi, Shimadzu… sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện dự án. Hiện tại, Phòng thí nghiệm do Hiệp hội Chế tạo thiết bị phân tích Nhật bản (JAIMA) hỗ trợ, với những trang thiết bị hiện đại nhất từ 8 công ty thiết bị hàng đầu của Nhật Bản được đặt tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Phòng thí nghiệm này phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN, cũng như hỗ trợ cho hơn 300 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thực tập hằng năm. GS. Kazuma Mawatari chia sẻ các nội dung chính của dự án là phát triển các thiết bị phân tích cầm tay, có độ chính xác cao dựa trên cơ sở công nghệ vi lưu, nhằm phát hiện các chất ô nhiễm trong thực phẩm và môi trường. Trong khuôn khổ của dự án, việc nâng cao chất lượng quản lý và vận hành các trạm quan trắc tự động chất lượng nước và không khí của công ty Horiba Nhật Bản trên phạm vi toàn quốc sẽ được tiến hành, kết hợp với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, IoT, viễn thám và khoa học dữ liệu để quản lý và sử dụng các số liệu quan trắc môi trường thu được. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng của dự án là tiến hành các khóa đào tạo/huấn luyện cho các cán bộ/chuyên viên làm việc trong lĩnh vực quan trắc chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Trong thời gian thực hiện dự án sẽ có khoảng 630 cán bộ/chuyên viên thuộc 63 tỉnh thành trên toàn quốc sẽ được tham gia các khóa huấn luyện ở các phòng thí nghiệm hiện đại đặt tại đô thị ĐHQGHN ở Hòa Lạc. Giám đốc dự án phía Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Nội nhấn mạnh về nội dung đặc biệt quan trọng của dự án là chế tạo thành công và tiếp đó là thương mại hóa các thiết bị phân tích hiện đại cầm tay, với độ chính xác cao dựa trên kỹ thuật vi lưu, ứng dụng hiệu quả trong quan trắc chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm, tạo ra được sản phẩm KHCN đỉnh cao, mang thương hiệu của Trường ĐHKHTN và ĐHQGHN. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho dự án để các nhà khoa học ĐHQGHN và Đại học Tokyo nhanh chóng triển khai thành công Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao chế tạo thiết bị phân tích nhanh, có độ chính xác cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm đặt tại đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, dự án cần phối hợp chặt chẽ với các dự án đã và đang được triển khai của Trường ĐH Việt Nhật, nhằm sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn vốn được chính phủ Nhật Bản tài trợ. Dự án này sẽ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối để các công ty Nhật Bản đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam. Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng chỉ ra tính liên ngành của dự án, vì vậy trong quá trình thực hiện cần sự phối kết hợp chặt chẽ của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN để thực hiện thành công dự án. Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nêu rõ, ĐHQGHN sẽ cung cấp những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho dự án, đồng thời tin tưởng rằng với sự phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học của 2 đại học có uy tín học thuật hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản, dự án sẽ sớm đạt được những thành tựu KHCN đỉnh cao, được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn và thương mại hóa ra thị trường. Dự án hợp tác Khoa học Công nghệ của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Đại học Tokyo trong khuôn khổ của Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững (Science and Technology Research Partnership for Sustainable Development – SATREPS) được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST), đã được lựa chọn là một trong 10 dự án trên toàn thế giới được chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua nguồn vốn ODA không hoàn lại. Dự án được phát triển trên cơ sở quá trình hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tokyo. Trong đó Dự án đào tạo tại chỗ về hoá học phân tích (On-site Education Program on Analytical Chemistry - OEPAC,) được triển khai giữa Đại học Tokyo, Nhật Bản và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội từ tháng 3/2015 do Quỹ Toàn cầu (Super Global Fund), Hiệp hội Chế tạo thiết bị phân tích Nhật bản (JAIMA) và Đại học Quốc gia Tokyo, Nhật Bản tài trợ đã đặt những nền móng đầu tiên để phát triển dự án SATREPS hiện nay. Năm 2022, trong khuôn khổ của chương trình SATREPS, Chính phủ Nhật Bản đã lựa chọn được 10 dự án trên toàn thế giới (từ hơn 100 dự án được nộp ban đầu), trong đó Việt Nam có 2 dự án, Malaysia 2 dự án, Indonesia 2 dự án, Chile 1 dự án, Zambia 1 dự án, Peru 1 dự án và Thổ Nhĩ Kỳ 1 dự án. Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm, với tổng kinh phí khoảng 5 triệu USD, với mục tiêu và hoạt động của dự án nhằm thiết lập hỗ trợ kỹ thuật dài hạn và tăng cường năng lực cho Việt Nam về các vấn đề kỹ thuật có liên quan đến quan trắc chất lượng không khí, nước, đất và trầm tích, sử dụng công nghệ phân tích nhanh tại hiện trường, kỹ thuật quan trắc và phát triển các thiết bị đo nhanh, cầm tay, có độ tin cậy cao dựa trên kỹ thuật vi lưu (micro/nano fluidics technology). Dự án sẽ xây dựng và triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quan trắc môi trường và an toàn thực phẩm của cán bộ sở Tài nguyên Môi trường và sở Y tế của 63 tỉnh thành trên toàn quốc. GS.TS Nguyễn Văn Nội, giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh, Trường ĐHKHTN ĐHQGHN là Giám đốc dự án phía Việt Nam; GS.TS Kazuma Mawatari, Đại học Tokyo, là Giám đốc dự án phía Nhật Bản. | Đoàn công tác Đại học Tokyo đã thăm ĐHQGHN tại Hòa Lạc - Nơi sẽ triển khai xây dựng Phòng thí nghiệm phục vụ Dự án >>> Tin bài liên quan: -Chính phủ Nhật tài trợ dự án hợp tác khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Tokyo -Công bố của Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản JST tại đây: https://www.jst.go.jp/global/english/pdf/kadai_2022.pdf |