TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 09:07:20 Ngày 21/07/2022 GMT+7
Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ: Từ kinh nghiệm và mô hình quốc tế
Nằm trong khuôn khổ hoạt động của chương trình phát triển song phương Australia – Việt Nam (Aus4Innovation - A4I) nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN và Bộ Khoa học & Công nghệ đã phối hợp tổ chức buổi làm việc với ông Don Scott-Kemmis, chuyên gia chính sách thương mại hóa.

Cùng dự buổi làm việc có ông Phạm Văn Diễn – Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học & Công nghệ; ông Vũ Văn Tích – Trưởng ban Khoa học – Công nghệ, ĐHQGHN và đại diện nhà khoa học, lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN.

Các trường đại học là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ, tài sản trí tuệ, các kết quả, sản phẩm, sáng chế có khả năng chuyển giao, thương mại hóa giúp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Việc đưa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ĐHQGHN ra thị trường, là cầu nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; Thúc đẩy khuyến khích các nhà khoa học thương mại hoá tài sản trí tuệ thông qua hình thành sản phẩm kinh doanh trên cơ sở các nghiên cứu, sáng chế.

Chuyên gia Don Scott-Kemmis (giữa) chia sẻ về kinh nghiệm và mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu quốc tế

Tại buổi làm việc, chuyên gia Don Scott-Kemmis đã chia sẻ kinh nghiệm và mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu quốc tế. Theo ông Don Scott-Kemmis, các rào cản chính đối với việc chuyển giao tri thức của các quốc gia trên thế giới phát sinh từ nút thắt về cơ chế, chính sách chuyển giao tri thức và cấp bằng sáng chế. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức KH&CN chưa đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Thiếu cơ chế khuyến khích các nhà nghiên cứu đăng ký bằng sáng chế và tham gia tích cực vào việc chuyển giao tri thức cũng như thiếu hụt nhu cầu từ ngành đối với sở hữu trí tuệ từ các tổ chức nghiên cứu và công nghệ cũng làm hạn chế hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH&CN.

Vai trò của các văn phòng/trung tâm chuyển giao tri thức trong các tổ chức KH&CN chỉ có thể hiệu quả nếu khung chính sách tổng thể trong tổ chức KH&CN hỗ trợ các công việc chuyên môn của văn phòng/trung tâm đó. Chuyên gia thương mại hóa sản phẩm KH&CN Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao tri thức của các nhà khoa học. Ông Don Scott-Kemmis cũng đặc biệt lưu ý các tổ chức KH&CN phát triển cách tiếp cận để chuyển giao kiến thức và phát triển kinh doanh thông qua mô hình doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp KH&CN đổi mới sáng tạo.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Nguyễn Thanh Hải

Đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu là phát triển các nguồn lực KH&CN. Các nhà khoa học cũng nêu một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu như: Phát triển các nghiên cứu có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất kinh doanh có làm giảm tính hàn lâm, học thuật của trường đại học? Nền tảng doanh nghiệp spin-off nên thuộc quyền điều hành của trường đại học, một doanh nghiệp độc lập hay một nhóm các nhà khoa học? Vấn đề bảo hộ của nhà nước với các sản phẩm KH&CN ở giai đoạn đầu phát triển…

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ Vũ Văn Tích (phải), Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học Trịnh Thành Trung (giữa) và Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp Đặng Thành Đạt (trái)

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích đã chia sẻ các chính sách tiên phong về KH&CN trong toàn ĐHQGHN, nhằm tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các đơn vị chủ động triển khai nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm công nghệ của đơn vị tới thị trường. Bên cạnh Ban Hợp tác Phát triển và Khoa học và Công nghệ thì mới đây, ĐHQGHN thành lập Ban xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp xác định các đề tài.

Trưởng ban Vũ Văn Tích cho biết, các cơ chế, chính sách hiện tại vẫn là rào cản cho các nhà khoa học trong việc thành lập doanh nghiệp để đưa các công nghệ vào đời sống, hình thành các nhóm nghiên cứu lâu dài. ĐHQGHN mong muốn Bộ KH&CN cho phép thí điểm nhà khoa học được sở hữu doanh nghiệp KH&CN để tạo động lực nghiên cứu, sáng chế; kêu gọi góp vốn và bỏ vốn để đầu tư cho công nghệ mà các nhà khoa học tin tưởng. Song hành với đó cho phép khai thác quỹ đầu tư mạo hiểm để góp phần phát triển nền công nghiệp Việt Nam.

Đồng thời trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ thí điểm thành lập các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như sinh học kết hợp giữa đại học - doanh nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm nghiên cứu của đại học.

>>> Các tin tức liên quan:

- Đóng góp vào sự phát triển khoa học - công nghệ của Thủ đô

- Chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học ĐHQGHN

- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ

- ĐHQGHN ưu tiên đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ

- ĐHQGHN ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030

 Đoàn Hồng
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ