Dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng, một số Ban chức năng ĐHQGHN; Ban Giám hiệu cùng lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và với hơn 220 viên chức, người lao động của Nhà trường. Nơi hội tụ đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao nhất cả nước Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN có nhiệm vụ chính trị là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản, có đức có tài; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nhân tài . Thời gian qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong chỉ số về xếp hạng đại học, sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ, thành tích huy chương Olympic quốc tế, sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao, … góp phần vào sự phát triển chung của ĐHQGHN. Tất cả những thành tựu ấy đã góp phần trong việc phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học ưu tú đã trưởng thành từ ngôi trường nàycho đất nước – Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh. Cùng với đó, Giám đốc ĐHQGHN đề nghị Nhà trường quan tâm đến 3 trụ cột để gia tăng các nguồn thu, đảm bảo việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt cần quan tâm đến thu nhập của đội ngũ tiến sĩ trẻ, những tiến sĩ mới về công tác dưới 5 năm. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà tường cũng cần có những thay đổi cho phù hợp với xu thế chung, đảm bảo triết lý và sứ mệnh đào tạo vốn có, song cũng tính đến sự hài hòa linh hoạt chung. Với các ngành khoa học cơ bản, Giám đốc ĐHQGHN lưu ý Nhà trường quan tâm tuyển chọn những học sinh giỏi và có đam mê với lĩnh vực này và xây dựng chính sách để hỗ trợ những người giỏi đam mê đó phát huy các năng lực liên quan, đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học nước nhà. Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Vũ Hoàng Linh cho biết thêm, để trở thành đơn vị đào tao nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước như hiện nay, yếu đố then chốt quyết định mọi sự thắng lợi đó nhà trường đã hội tụ đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên luôn được khẳng định ở vị trí hàng đầu so với các trường đại học ở Việt Nam và tiệm cận với các trường đại học nghiên cứu trong khu vực. Nhà trường có nhiều chính sách để cán bộ trẻ sớm đạt được học vị và chức danh cao hơn, tiêu biểu như tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư/giảng viên (đã tuyển dụng) đạt 46%. Chức danh khoa học có: 16 giáo sư, 122 phó giáo sư trong đó có 01 phó giáo sư là Nghiên cứu viên cao cấp. Về học vị có: 05 tiến sĩ khoa học, 283 tiến sĩ, 09 thạc sĩ và 01 đại học. Như vậy, về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường, số có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 45,9% (137/298), số cán bộ có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học chiếm 96,6% (288/298), số có học vị từ thạc sĩ trở lên chiếm 99,6% (297/298). Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng như phát huy nguồn nhân lực trình độ cao, Nhà trường đã mời một số nhà khoa học giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu ở các Viện và các đơn vị bên ngoài tham gia kiêm nhiệm giảng dạy tại Trường. Số lượng giảng viên kiêm nhiệm trong năm học gồm 39 giáo sư và phó giáo sư, 30 tiến sĩ. Hàng năm nhà trường luôn chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ. Đặc biệt năm học vừa qua, trường đã cử nhiều cán bộ đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài để học tập, nghiên cứu, trải nghiệm và ứng dụng mô hình đào tạo chất lượng cao ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Hàng năm, trường đã có nhiều cán bộ nhận bằng tiến sĩ trong và ngoài nước. Hơn nữa, hàng năm nhà trường đều triển khai cải tiến hệ thống lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan và đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý thông tin đảm bảo chất lượng: 100% giảng viên thực hiện đầy đủ công tác tự đánh giá; 100% các môn học của bậc trung học phổ thông Chuyên, đại học và các môn chung sau đại học được lấy ý kiến phản hồi của người học trong mỗi học kỳ. Có thể nói, việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực để có được đội ngũ cán bộ giỏi, xuất sắc về chuyên môn, nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và trọng dụng nhân tài là yếu tố then chốt và lưu giữ truyền thống học thuật và tiếp nối tương lai của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài Kết quả đào tạo triển khai các chương trình tài năng, chất lượng cao của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã được ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT đánh giá cao, góp phần tích cực thực hiện chiến lược phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài của Đảng và Nhà nước. Chương trình đào tạo này đã góp phần tích cực nâng cao uy tín của Trường ở trong và ngoài nước. Sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên của chương trình này đã được nhận học bổng học sau đại học ở những đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ... Trường luôn chủ động khuyến khích các giảng viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, bổ sung và cập nhật đề cương và nội dung môn học; nâng cấp và tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho sinh viên tất cả các chương trình đào tạo đăng ký môn học trực tuyến qua mạng được nhanh chóng, thuận lợi. Công tác biên soạn và xuất bản giáo trình đại học được quan tâm (số liệu chi tiết trong mục cơ sở học liệu). Đội ngũ cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm đã hoạt động có hiệu quả, tư vấn, giúp đỡ sinh viên trong việc xây dựng kế hoạch học tập. Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Lê Công Lợi chia sẻ những thành tích của trường trong năm học vừa qua. Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên tiếp tục đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 10 giải nhất, 18 giải nhì, 09 giải ba và 12 giải khuyến khích. Trong 25 học sinh được tham gia vào vòng tuyển chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế và khu vực ở các môn Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học và Sinh học thì có 14 học sinh được lựa chọn là thành viên chính thức của các đội tuyển Việt Nam tham dự các kì thi năm 2022. Đến cuối tháng 8/2022, học sinh Trường THPT Chuyên KHTN đã đạt 09 Huy chương vàng, 03 Huy chương bạc, 02 Huy chương đồng và 01 bằng khen tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Trường có 02 đội tham dự và đã giành được 01 giải Nhì. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng thực tiễn đời sống Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Vũ Hoàng Linh chia sẻ: Năm học 2021-2022, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã đạt được nhiều thành công, nhiều điểm sáng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học công nghệ. Nhà trường luôn đổi mới, phát huy mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu đã đề ra, góp phần tạo nên sức mạnh chung của ĐHQGHN. Trong năm 2021 và đầu năm 2022, các cán bộ của Trường đã và đang chủ trì thực hiện 261 đề tài, dự án KH&CN. Trong số đó có 18 đề tài cấp Nhà nước, 98 đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ (tuy nhiên kinh phí năm 2021 và 2022 chưa được cấp), 33 đề tài cấp Bộ và Tỉnh, 83 đề tài cấp ĐHQGHN, 20 đề tài cấp cơ sở với tổng kinh phí được cấp năm 2022 khoảng 37 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà khoa học của Trường còn chủ trì thực hiện 09 nhiệm vụ hợp tác quốc tế. Trường KH Khoa học Tự nhiên tiếp tục là đơn vị dẫn đầu của ĐHQGHN về khoa học và công nghệ. Năm 2021, các nhà khoa học của Trường đã công bố 520 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS, chiếm hơn 50% số lượng công bố ISI/SCOPUS của ĐHQGHN và đạt tỷ lệ gần 1,0 bài báo/cán bộ khoa học. Các chỉ số về đăng ký sở hữu trí tuệ tiếp tục duy trì ở mức cao với 08 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ được cấp, 20 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ. Cán bộ của Trường đã đạt 2/4 Giải thưởng ĐHQGHN về khoa học và công nghệ năm 2021. Nhiều cán bộ có thành tích công bố nổi bật, được thống kê trong danh sách các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tiếp tục được giữ vững cả về quy mô và chất lượng với 01 giải Nhì, 01 Ba và 02 giải Khuyến khích "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021; 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba “nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQGHN” năm 2022. Năm học 2021-2022, Trường đã có 15/45 nhà khoa học của ĐHQGHN được Giám đốc ĐHQGHN khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí thuộc Top 5%, các tạp chí quốc tế uy tín, và đăng ký sở hữu trí tuệ. Đối với Giải thưởng ĐHQGHN về KH&CN được tổ chức 3 năm/lần, năm 2021 cán bộ Trường ĐHKHTN đã đạt 2/4 giải thưởng cho các công trình: (1) Nghiên cứu phương pháp phân tích chính xác, quan trắc mức độ ô nhiễm và đánh giá rủi ro phơi nhiễm các hóa chất gây rối loạn nội tiết nhóm phthalate và siloxane trong môi trường tại Việt Nam của PGS.TS. Trần Mạnh Trí, Khoa Hóa học; (2) Dạng tốt nhất của một số bất đẳng thức hàm của PGS.TS. Ngô Quốc Anh, Khoa Toán - Cơ - Tin học và đồng tác giả: TS. Nguyễn Văn Hoàng, Trường Đại học FPT. 4 nhà khoa học của ĐHQGHN có tên trong bảng xếp hạng thế giới của reseach.com thì trong đó nhà trường đã có 2 nhà khoa học và 2 nhà khoa học còn lại cũng là cựu sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, PGS.TS Lê Hoàng Sơn – Viện Công nghệ Thông tin, GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh đều từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên). Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò đầu tàu của các nhóm nghiên cứu mạnh và phòng thí nghiệm trọng điểm trong triển khai các nghiên cứu ứng dụng. Chủ động đề xuất và đăng ký thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh. Khuyến khích các nghiên cứu ứng dụng, phục vụ thực tiễn sản xuất. Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với ứng dụng, đào tạo và dịch vụ để gia tăng chuỗi giá trị đổi mới - sáng tạo. Tổ chức các đoàn công tác để tiếp cận thực tế tại các doanh nghiệp, địa phương. Chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong nghiên cứu khoa học. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế về đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Khuyến khích các công trình nghiên cứu có sản phẩm ứng dụng hoặc công bố khoa học; đẩy mạnh việc tổ chức các diễn đàn sinh hoạt học thuật cho sinh viên, học viên sau đại học. Tích cực xây dựng các dự án để phục vụ đào tạo, khoa học công nghệ. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các dự án trong việc triển khai các dự án đã được phê duyệt. Tiếp tục quy trình hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KH&CN. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng, ban chức năng trong hỗ trợ các nhà khoa học triển khai các đề tài, dự án. Hoàn thành bộ quy trình, thủ tục về KH&CN. Hiện nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên quản lý và tổ chức đào tạo 46 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 48 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Quy mô đào tạo của Trường hiện nay gồm: Đại học chính quy: 6527 Thạc sĩ: 464 Tiến sĩ: 130 Đào tạo THPT chuyên: 1693 Chi tiết: http://tuyensinh.hus.vnu.edu.vn/ | >>> Tin tức liên quan: -Năm 2022, gần 660 sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tham gia nghiên cứu khoa học - Kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu trẻ có sự tham gia của sinh viên trong công bố quốc tế uy tín -Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dẫn đầu kỳ thi Olympic Toán học toàn quốc 2022 - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – 65 năm xây dựng và phát triển - Đổi mới sáng tạo gắn với nghiên cứu cơ bản ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên |